Với nhiều người dân, thân nhân gia đình liệt sĩ khi đến viếng, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Cam Chính (huyện Cam Lộ, Quảng Trị), họ không khó để bắt gặp hình ảnh người đàn ông già, tóc bạc luôn miệt mài với công việc quét dọn, lau bụi trên các tấm bia ở mộ phần các liệt sĩ.
Ông là Cáp Kim Xinh (71 tuổi, ở tại xã Cam Chính), người suốt gần 37 năm qua gắn bó với công việc quản trang, "làm đẹp" các phần một liệt sĩ.
Ông Cáp Kim Xinh sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Hải Xuân (nay là xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng). Năm 1972, lúc 18 tuổi, ông tham gia chiến đấu ở chiến trường Thành Cổ Quảng Trị và Hải Lăng.
Trong một lần tham gia chiến đấu, ông không may bị những mảnh vỡ của bom do máy bay thả xuống găm vào hai chân. Từ lần bị thương ấy, hai tai của ông cũng không còn nghe rõ.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Xinh bôn ba khắp nơi để làm việc. Năm 1986, vết thương tái phát, sức khỏe yếu nên ông quyết định về quê và xin lên vùng Cùa (thôn Đốc Kỉnh, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ) sinh sống.
Ở vùng đất mới, ngôi nhà ông Xinh cách Nghĩa trang Liệt sĩ xã Cam Chính chỉ vài trăm mét, khu vực nghĩa trang này trước đây rất vắng vẻ, các phần mộ cũng chưa được ốp gạch đá, chỉ có một bia tưởng niệm.
"Thấy cảnh các phần mộ liệt sĩ nằm hiu quạnh, không người trông coi hương khói mỗi ngày, tôi liên hệ với chính quyền địa phương xin nhận chăm sóc. Công việc này gắn bó với tôi từ năm 1987 đến nay", ông Xinh nói.
Những ngày đầu, ông và vợ dành thời gian phát quang bụi rậm, san lấp hố bom, quét dọn, chỉnh trang khuôn viên nghĩa trang, lau chùi các phần mộ liệt sĩ. Sau một thời gian, Nghĩa trang liệt sĩ xã Cam Chính trở nên sạch đẹp hơn, quang rạng hơn.
Những dịp lễ, Tết, đặc biệt là dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ, ông Xinh ở lại nghĩa trang cả ngày để thắp hương cho các liệt sĩ cũng như chuẩn bị khu vực làm lễ để các tổ chức ,đoàn thể, người dân và thân nhân các liệt sĩ đến thăm viếng, dâng hương.
Cứ như vậy, đến nay, trải qua gần 37 năm, với ông Xinh, Nghĩa trang liệt sĩ xã Cam Chính trở thành "ngôi nhà" thứ 2 của mình.
Theo ông Xinh, việc chăm sóc các phần một liệt sĩ mỗi ngày không phải công việc hết tháng nhận lương, mà là sự tri ân đối với những đồng đội của mình đã ngã xuống cho nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
"Gia đình tôi có truyền thống cách mạng, bản thân cũng từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nên thấu hiểu được sự khốc liệt của cuộc chiến tranh, nỗi mất mát, đau thương của thân nhân các gia đình liệt sĩ và kéo dài đến tận hôm nay.
Mong rằng các anh hùng liệt sĩ được yên nghỉ, thân nhân các gia đình liệt sĩ phần nào nguôi ngoai trước những nỗi đau thương, mất mát không gì bù đắp nỗi này", ông Xinh bày tỏ.
Ông Xinh cho rằng, xuất thân là một người lính, từng tham gia chiến đấu với đầy hiểm nguy, sinh tử, nhưng ông may mắn hơn các đồng đội là được trở về với gia đình, người thân. Trong khi đó, đồng đội của ông đã mãi mãi nằm xuống. Do đó, ông luôn suy nghĩ rằng, bản thân phải có trách nhiệm hơn với các anh hùng liệt sĩ.
"Để tỏ lòng biết ơn các đồng đội, đồng chí của mình, tôi và vợ ngày ngày cố gắng làm sạch đẹp và bảo vệ từng ngôi mộ liệt sĩ, dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sĩ, canh giấc ngủ ngàn thu cho đồng đội. Hai vợ chồng cũng có nguyện vọng sẽ làm công việc này cho đến khi sức khỏe không còn cho phép" ông Xinh tâm sự.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cam Chính cho biết, Nghĩa trang Liệt sĩ xã Cam Chính được xây dựng từ hàng chục năm trước, qua những lần nâng cấp, sửa chữa, đây hiện là nơi yên nghỉ của 631 phần mộ liệt sĩ, trong đó có 170 ngôi mộ liệt sĩ đến nay vẫn chưa thể xác định được thông tin.
Chủ tịch UBND xã Cam Chính chia sẻ, những năm qua, những phần mộ liệt sĩ tại nghĩa trang xã được ông Xinh chăm sóc rất cẩn thận, chu đáo, hương khói đầy đủ. Ông cũng là người duy nhất từ trước đến nay đảm nhận công việc thiêng liêng, ý nghĩa này tại nghĩa trang.
"Ông Xinh là người cựu chiến binh, thương binh chuẩn mực gắn bó với nghĩa trang suốt hàng chục năm qua. Nhờ ông mà khuôn viên, các khu mộ ở nghĩa trang luôn sạch đẹp. Phát huy phẩm chất người lính, ông luôn hết lòng vì công việc để giữ cho nơi an nghỉ của các liệt sĩ trở nên ấm cúng. Những đóng góp, cống hiến của ông góp phần bồi đắp thêm những đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta, tấm gương cho các thế hệ hôm nay và mai sau", ông Hà cho hay.
Lãnh đạo phòng Người có công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tỉnh Quảng Trị cho biết, trên địa bàn toàn tỉnh có 72 nghĩa trang liệt sĩ, với 55.527 mộ liệt sĩ là con em nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia là Trường Sơn và Đường 9.
Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 46 công trình Nhà bia ghi tên liệt sĩ cấp xã; 12 công trình Đài tưởng niệm liệt sĩ gồm 1 công trình Đài tưởng niệm liệt sĩ ở cấp huyện (ở huyện Đakrông) và 11 công trình Đài tưởng niệm liệt sĩ ở cấp xã.
Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đặc biệt quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị. Tỉnh ưu tiên dành mọi nguồn lực để chăm lo về đời sống, vật chất đối với người có công cũng như để tôn tạo và nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ...