Giám định ADN hài cốt liệt sĩ ngày càng khó khăn

23-07-2024 07:31 | Xã hội

SKĐS - Trước số lượng mẫu hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính rất lớn trong khi chất lượng mẫu ngày càng giảm, buộc phải áp dụng các công nghệ giám định ADN tiên tiến nhất mới cho kết quả chính xác.

Xúc động trao di ảnh liệt sĩ được phục hồi dịp 27/7Xúc động trao di ảnh liệt sĩ được phục hồi dịp 27/7

SKĐS - Di ảnh các liệt sĩ sau khi được phục hồi đã được trao cho thân nhân, gia đình nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.

Mẫu hài cốt càng lâu năm càng khó giám định

Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 gần kề, câu chuyện về giám định ADN hài cốt liệt sĩ luôn là nỗi niềm trăn trở của các nhà khoa học làm về giám định gen. Trung tâm Giám định ADN của Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là một trong 3 đơn vị giám định đầu ngành của cả nước tham gia vào đề án tìm kiếm, quy tập, định danh hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

TS Hoàng Hà, Trung tâm Giám định ADN cho biết, theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 300.000 mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin chưa được xác định danh tính. Trung tâm Giám định ADN đang lưu gần 6.000 mẫu, trong đó khoảng 4.000 mẫu đã từng được phân tích và 2.000 mẫu đang chờ phân tích.

Giám định ADN hài cốt liệt sĩ ngày càng khó khăn- Ảnh 2.

Giám định hài cốt liệt sĩ ngày càng nhiều khó khăn, thách thức.

Chuyên gia cho biết, quy trình giám định ADN với hài cốt khá phức tạp. Từ mẫu xương, các kỹ thuật viên phải làm sạch bề mặt, phơi khô rồi cắt nhỏ, sau đó lấy máy đánh cao răng tiếp tục làm sạch bề mặt. Công việc làm sạch kéo dài cả tuần. Mẫu vật sau đó được ngâm hóa chất rồi nghiền nhỏ, lấy ADN khuếch đại rồi giải trình tự.

Hơn nữa, các mẫu hài cốt được quy tập, an táng tại nhiều nghĩa trang dọc đất nước, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở các vùng khác nhau có thể gây ra những ảnh hưởng khác nhau đến chất lượng mẫu.

Các liệt sĩ hi sinh đã lâu nên phần lớn mẫu bị phân huỷ nặng nề và chất lượng mẫu suy giảm nhanh chóng, rất nhiều mẫu phải lặp lại phân tích nhiều lần. Do đó, không thể sử dụng một hay một vài quy trình công nghệ để áp dụng cho tất cả các mẫu mà luôn cần sự phát triển, tối ưu, thử nghiệm các quy trình mới.

Ngoài ra, sự thiếu hụt cơ sở dữ liệu tập trung khiến quá trình so khớp với dữ liệu hài cốt chưa hiệu quả. Hiện tại, các đơn vị giám định tại Việt Nam chủ yếu sử dụng phương pháp so sánh đối khớp 1-1 giữa hồ sơ ADN ty thể của mẫu hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ trong từng trường hợp cụ thể.

Định danh hài cốt liệt sĩ quy mô lớn có yêu cầu việc xây dựng cơ sở dữ liệu để lưu trữ và khai thác không chỉ dữ liệu ADN ty thể mà còn dữ liệu ADN nhân (ví dụ STR, SNP). Ngoài ra, dữ liệu về thân nhân liệt sĩ còn rất hạn chế, chủ yếu là từ các trường hợp đơn lẻ. Nhiều thân nhân liệt sĩ đã cao tuổi, nhiều người đã mất nên cần đẩy nhanh tiến độ giám định.

TS Hoàng Hà cho hay hiện nay, phương pháp giám định gen chính áp dụng cho mẫu hài cốt đang sử dụng tại Trung tâm và các đơn vị giám định khác tại Việt Nam là phân tích ADN ty thể.

Mặc dù phương pháp này đã hỗ trợ nhiều kết luận xác định danh tính nhưng quá trình giám định ADN hài cốt gặp không ít thách thức khi số lượng mẫu lớn và chất lượng mẫu giảm. Tính hiệu quả của các phương pháp tách chiết ADN hiện tại đối với những mẫu phân huỷ mạnh ngày càng giảm. Do đó, dịch tách ADN thu được có thể không đủ về lượng và chất để sử dụng cho phản ứng giải trình tự gen.

Ngoài ra, ADN ty thể có khả năng phân biệt cá thể thấp do xác suất trùng hợp ngẫu nhiên của hồ sơ ADN ty thể trong quần thể cao, vì vậy dữ liệu ADN ty thể không thể được sử dụng độc lập mà cần kết hợp các bằng chứng khác trước khi đưa ra kết luận định danh.

Cải tiến công nghệ cũ để khắc phục khó khăn

PGS.TS Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học cho hay tính từ năm 2019 đến nay, Trung tâm giám định ADN phát triển 13 quy trình phân tích ADN từ mẫu xương lâu năm.

Trung tâm thực hiện 800 đợt tách chiết ADN nhân, tương đương khoảng 8.000 mẫu hài cốt liệt sĩ. Tỷ lệ tách thành công và bàn giao đạt 22%, tương đương khoảng 1.600 mẫu bàn giao cho Cục Người có công, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Viện đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình mẫu và 2 quy trình giám định ADN thường quy, tức là cải tiến trên nền tảng công nghệ cũ vốn được công nhận và áp dụng.

Theo PGS Tiến, trước đây các đơn vị đang sử dụng công nghệ giám định ADN cho mẫu hài cốt liệt sĩ dựa trên phân tích ADN ty thể. Tuy nhiên với chất lượng mẫu ngày càng khó khăn, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu ứng dụng giám định công nghệ ADN ty thể vào quy trình giám định thường quy.

Nhưng nay xu hướng thế giới với sự phát triển công nghệ phân tích hiện đại với máy giải trình tự gene thế hệ mới kết hợp công nghệ phân tích vi sinh học, việc giám định ADN từ mẫu xương cổ được phân tích theo gene nhân. 

Làm rõ hơn việc giám định ADN từ mẫu xương cổ được phân tích theo gen nhân sử dụng công nghệ mới, PGS.TS Phí Quyết Tiến cho biết, Trung tâm Giám định ADN đã phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhằm xác định nguồn gốc di truyền với mẫu xương có niên đại vài trăm năm đến một nghìn năm. Đây là cơ sở để phát triển giám định mẫu ADN xương cổ các liệt sĩ có thời gian chôn lấp 40-80 năm đưa vào giám định.

Ngày 29/3 vừa qua, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phê duyệt dự án "Nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh thông qua hợp tác phát triển, chuyển giao công nghệ và tiếp nhận trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao", nhằm cụ thể hóa các nội dung của Bản ghi nhớ về việc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực giám định hài cốt trong chiến tranh giữa Giám đốc Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích và USAID.

Theo đó, các nhà khoa học tại Ủy ban quốc tế về Tìm kiếm người mất tích và Viện Công nghệ sinh học sẽ triển khai các nghiên cứu tối ưu hóa công nghệ tách chiết ADN nhân từ mẫu hài cốt liệt sĩ Việt Nam, phát triển các kỹ thuật phân tích đa hình, xây dựng cơ sở dữ liệu hướng tới xây dựng quy trình công nghệ hoàn chỉnh, giúp xác định danh tính của những người mất tích trong chiến tranh trên quy mô lớn.

Triển khai dự án này, 100 mẫu hài cốt liệt sĩ đã được đưa sang Hà Lan tách chiết ADN nhân và giám định ADN. Theo Tổng Giám đốc Ủy ban quốc tế về Tìm kiếm người mất tích Kathryne Bomberge, đến nay, các nhà khoa học 2 bên đã thu được ADN nhân từ các mẫu xương bị phân hủy nặng. Các kết quả này có thể so sánh với các mẫu do họ hàng xa của những người mất tích hiến tặng và cung cấp ADN trùng khớp. Từ đó có thể áp dụng một cách có hệ thống để tạo ra số lượng nhận dạng lớn. Trong số các mẫu xương được xử lý đến nay, 70% đã tạo ra hồ sơ, ADN nhân để có thể nhận dạng nếu so sánh với hồ sơ tham chiếu phù hợp.

Trong tương lai, Ủy ban quốc tế về Tìm kiếm người mất tích sẽ giúp Viện Công nghệ sinh học phát triển các phương pháp trích xuất ADN tiên tiến, từ đó có thể thiết lập một hệ thống tự động để xử lý số lượng lớn mẫu.

Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ Cầu siêu cho anh linh 512 liệt sĩ nhà báoHội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ Cầu siêu cho anh linh 512 liệt sĩ nhà báo

SKĐS - Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu thắp nén tâm nhang, dâng lên các anh hùng liệt sĩ nhà báo lời tri ân, tôn kính và lòng biết ơn vô hạn. Những người đã không quản ngại gian khổ, hy sinh cả tuổi thanh xuân để thông tin kịp thời về cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập, hòa bình và tự do của Tổ quốc.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 22/7.


Tô Hội
Ý kiến của bạn