Thách thức đặt ra cho các cơ sở y tế nước ta là làm sao vừa chống dịch an toàn lại vừa đẩy mạnh hoạt động hiến máu để giảm thiểu nguy cơ thiếu máu cho điều trị.
Dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động truyền máu
Năm nay, sau kỳ nghỉ Tết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khởi phát trong nước và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng công bố đại dịch toàn cầu, nhiều lịch hiến máu đã được lên kế hoạch từ trước nhưng đã bị các đơn vị từ chối, trì hoãn trước nỗi lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh. Hàng trăm lịch hiến máu bị hủy trên toàn quốc.
Việc này dẫn đến lượng máu dự kiến tiếp nhận mỗi ngày cũng chỉ vài chục đến vài trăm đơn vị mỗi ngày, gần như toàn bộ chỉ tiếp nhận được ở các cơ sở truyền máu. Con số này quá ít so với nhu cầu 2.500 – 3.000 đơn vị máu cần cung cấp cho các bệnh viện mỗi ngày ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chưa kể các địa phương khác trong cả nước.
Xe vận chuyển máu của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vượt hàng trăm km cung cấp máu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai trong mùa dịch
Có thời điểm Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chỉ tiếp nhận được 50 – 60 đơn vị máu mỗi ngày. Lượng máu dự trữ của Viện có lúc chỉ còn 8.000 đơn vị máu; trong đó, máu nhóm A còn chưa đến 1.000 đơn vị máu (chiếm 12% tổng lượng máu dự trữ)
Bên cạnh việc chưa có hướng dẫn chính thức của Bộ Y tế về đảm bảo an toàn truyền máu trong dịch COVID-19, nhiều người cũng hoài nghi, băn khoăn về liệu hiến máu hay truyền máu có bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng là khó khăn ảnh hưởng đến hoạt động truyền máu. Tất cả những khó khăn đó đã tạo nên một cuộc khủng hoảng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tiếp nhận, cung cấp máu án toàn trong mùa dịch.
Đảm bảo an toàn công tác truyền máu
Ngay trong thời gian khó khăn về máu do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động hiến máu tình nguyện đã có sự quan tâm, chỉ đạo và vào cuộc tích cực của lãnh đạo đảng, nhà nước, các bộ, ngành, đoàn thể từ trung ương đến các địa phương. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có Thư gửi đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước tích cực hiến máu tình nguyện; Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đã có công văn về việc đẩy mạnh hoạt động hiến máu tình nguyện để giảm thiểu nguy cơ thiếu máu cho điều trị trong thời gian phòng, chống dịch bệnh do virus corona.
Ngoài ra, nhiều ngành, đoàn thể, địa phương đã xây dựng kế hoạch, văn bản chỉ đạo hiến máu tình nguyện giúp cho ngành y tế khắc phục tình trạng thiếu nguồn người hiến máu như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Công an, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh,…
Trước tình hình đó, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã xác định cần đảm bảo công tác tiếp nhận và cung cấp máu trong thời điểm chống dịch với tiêu chí 3A: Đó là An toàn cho người hiến máu, An toàn cho người bệnh nhận máu và An toàn cho nhân viên y tế. Qua đó đã đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế, hàng ngàn tình nguyện viên phục vụ công tác tiếp nhận máu và đặc biệt là đảm bảo an toàn cho hàng triệu người dân đến tham gia hiến máu trên toàn quốc.
Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng đã triển khai các hoạt động truyền thông, mời gọi người đủ tiêu chuẩn tham gia hiến máu, các chiến lược chăm sóc khách hành, email mời hiến máu và khẳng định an toàn trong mùa dịch, tin nhắn… thật sự đã phát huy tác dụng.
Ngoài ra, tổ chức tiếp nhận máu hiệu quả và phân phối, sử dụng máu hợp lý là chìa khóa thành công của Viện trong việc đảm bảo đủ số lượng máu dự trữ, đáp ứng nhu cầu truyền máu của các bệnh viện.
Với vị thế là đơn vị đầu ngành, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tham mưu cho các cơ quan, bộ ngành có liên quan để ban hành các văn bản hướng dẫn về tiếp nhận máu an toàn trong mùa dịch. Các điểm hiến máu của Viện đã tuân thủ tốt quy định chống dịch và đảm bảo an toàn nên không để xảy ra bất kỳ một sự cố lây nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng.
Có thể khẳng định, trong hoàn cảnh khó khăn, tinh thần dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam lại trỗi dậy, nhằm phát huy được tinh thần tương thân tương ái, tính tự giác trong cộng đồng người Việt, từ đó đã có những đơn vị máu an toàn, quý giá phục vụ cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bệnh trong suốt mùa dịch.
Đông đảo người dân Thủ đô chung tay hiến máu cứu người bệnh giữa dịch bệnh COVID -19
Đến thời điểm hiện tại Viện Huyết học - Truyền máu đã có những biện pháp ứng phó kịp thời trong công tác tiếp nhận, cung cấp máu an toàn. Đây chính là mô hình hoạt động hiệu quả để các trung tâm, cơ sở truyền máu trên toàn quốc áp dụng trong trong mùa dịch.
Đặc biệt, khi Bộ Y tế triển khai các phương án lấy huyết tương của những người bị mắc COVID -19 đã được chữa khỏi để điều trị cho những bệnh nhân khác thì Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã rất tích cực trong việc tham mưu, đề xuất các hướng dẫn, cũng như cơ chế chính sách để triển khai nội dung này.
Tính đến nay, Viện đã đáp ứng cung cấp khá đầy đủ cho các bệnh viện, mặc dù một năm dịch bệnh hoành hành nhưng năm 2020 đã đạt 98% so với dự trù từ các bệnh viện. Trong đó, lượng máu cung cấp vẫn đáp ứng cơ bản các nhu cầu của người bệnh.
Sự chủ động, năng động và linh hoạt của các Trung tâm truyền máu trong việc thực hiện tổng hợp các biện pháp đảm bảo nguồn người hiến máu, hoạt động truyền thông, tổ chức hiến máu an toàn, sử dụng máu hợp lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo duy trì công tác truyền máu ổn định.
Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của báo chí truyền thông, đặc biệt là sự chia sẻ, hưởng ứng của cộng đồng đã giúp cho ngành y tế cho ngành y tế giải quyết được nguồn máu phục vụ người bệnh trong khó khăn dịch bệnh.
TS.BS Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương chia sẻ: Năm 2020 là một năm đầy biến động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chính vì thế công tác tiếp nhận, cung cấp máu an toàn cho người bệnh cũng gặp không ít những khó khăn thách thức. Tuy nhiên nhờ những quyết sách đúng đắn và kịp thời của Đảng, Nhà nước, với sự quyết tâm, đoàn kết của toàn dân, đặc biệt là sự sáng tạo, chung tay nỗ lực của cán bộ chuyên khoa Huyết học - Truyền máu chúng ta đã chiến thắng và giải quyết được tình trạng khan hiếm máu góp phần cứu chữa người bệnh trong mùa dịch. Bên cạnh đó, các cán bộ của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị thực tiễn liên quan đến truyền máu với dịch bệnh Covid -19 và được báo cáo, chia sẻ và đăng tải tại nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế.
Đây là Hội nghị khoa học lớn nhất của ngành Huyết học - Truyền máu được tổ chức định kỳ, góp phần vào sự phát triển của chuyên ngành và sự nghiệp bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Các đại biểu sẽ có cơ hội cập nhật kiến thức mới, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn thông qua gần 100 bài chuyên luận và báo cáo chuyên môn có chất lượng về các lĩnh vực: Huyết học lâm sàng, Huyết học cận lâm sàng, Truyền máu, Ghép tế bào gốc, Di truyền - Sinh học phân tử... cùng với các gian triển lãm và các hoạt động bên lề có ý nghĩa…