Có nên uống nước ép thay thế bữa ăn không?

22-07-2025 12:09 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Nghe theo trào lưu uống nước ép để thanh lọc cơ thể, nhiều người đã bỏ bữa, chỉ uống nước rau củ với hy vọng "đào thải độc tố" và làm đẹp da. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, nếu áp dụng sai cách sẽ lợi bất cập hại.

Trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp các bài viết, video chia sẻ công thức nước ép “thải độc” cùng lời giới thiệu hấp dẫn. Trong một video có hàng nghìn lượt xem, chị Minh Anh (25 tuổi, trú tại TPHCM) nói: “Tôi đã thử uống nước ép rau củ thay bữa sáng suốt một tuần. Da căng hơn, bụng nhẹ nhõm và cảm giác cơ thể sạch sẽ hơn hẳn. Đây là phương pháp thanh lọc tự nhiên, không cần thuốc thang gì cả”.

Bài viết và video của chị Minh Anh nhận được nhiều bình luận tán đồng, nhiều người bày tỏ ý định thử ngay “detox 7 ngày” chỉ bằng nước ép.

Có nên uống nước ép thay thế bữa ăn không?- Ảnh 1.

Nhiều chị em chia sẻ những công thức uống nước ép thay bữa ăn trên mạng xã hội. Ảnh: MXH.

Tại Hà Nội, chị Thu Chúc (phường Cầu Giấy) cũng duy trì thói quen uống nước ép mỗi ngày. “Tôi thường dùng táo, dứa, cần tây và thêm một lát gừng mỏng. Uống vào thấy mát ruột, da dẻ sáng hơn. Mỗi lần ép chỉ mất vài phút là có ly nước ngon, cảm giác rất tốt cho cơ thể”, chị Chúc chia sẻ.

Không có phương pháp thải độc “thần kỳ”

Không phủ nhận lợi ích của nước ép trái cây, rau củ đối với cơ thể, tuy nhiên các chuyên gia khẳng định không thể coi đây là phương pháp thay thế hoàn toàn bữa ăn. 

TS Lê Thị Hương Giang – Trưởng khoa Tiết chế Dinh dưỡng, Bệnh viện 19-8, Bộ Công an cho biết: “Nước ép có thể cung cấp vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa tốt cho cơ thể. Nhưng nếu chỉ uống nước ép thay cơm trong nhiều ngày, cơ thể sẽ bị thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng, dẫn đến mệt mỏi, rối loạn chuyển hóa, thậm chí suy giảm miễn dịch”.

TS Giang nhấn mạnh, cơ thể con người đã có sẵn các cơ quan thải độc là gan và thận. Thay vì tìm kiếm những giải pháp “cấp tốc” hay “thần kỳ”, người dân cần xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng, sinh hoạt điều độ để giúp cơ thể hoạt động đúng chức năng.

Ngoài ra, lạm dụng nước ép chúng ta đã bỏ qua thành phần dinh dưỡng quan trọng đó là chất xơ, chất xơ cũng là thành phần không thể thiếu đối với hệ tiêu hóa, giảm táo bón. Nếu uống nhiều nước ép trái cây, chúng ta sẽ vô tình nạp vào cơ thể quá nhiều đường.

Có nên uống nước ép thay thế bữa ăn không?- Ảnh 2.

Nước ép trái cây là thức uống ngon và có giá trị dinh dưỡng, tuy nhiên không thể coi đây là phương pháp thay thế hoàn toàn bữa ăn.

Để thanh lọc cơ thể một cách an toàn và hiệu quả, các chuyên gia đưa ra những lời khuyên cụ thể:

- Uống đủ nước mỗi ngày. Ưu tiên nước lọc, nước canh rau, nước dừa tươi và có thể bổ sung điện giải tự nhiên vào những ngày nắng nóng.

- Ăn uống đa dạng, đủ chất: Tăng cường rau xanh, trái cây nguyên quả, ngũ cốc nguyên cám, đạm lành mạnh từ cá, trứng, thịt nạc, đậu phụ…

- Bổ sung thực phẩm hỗ trợ gan thận: như rau họ cải (bông cải xanh, cải xoăn), trái cây họ cam chanh (giàu vitamin C), chuối, yến mạch, sữa chua (giàu prebiotic giúp tiêu hóa tốt).

- Duy trì lối sống lành mạnh: Ngủ đủ giấc, vận động đều đặn, kiểm soát căng thẳng – những yếu tố quan trọng giúp gan thận hoạt động tối ưu.

Việc uống nước ép không xấu, nhưng thần thánh hóa công dụng rồi lạm dụng sai cách lại là một vấn đề đáng lo ngại. “Không có chế độ ăn nào có thể giúp cơ thể thải độc trong vài ngày. Giải pháp thực sự là lối sống lành mạnh được duy trì lâu dài”, TS Giang khẳng định.

Xem thêm bài viết được quan tâm:

Bún để qua đêm có vị chua nhẹ: Ăn được hay nên bỏ?Bún để qua đêm có vị chua nhẹ: Ăn được hay nên bỏ?

SKĐS - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, không nên sử dụng bún có vị chua, trắng sáng bất thường vì có thể chứa hóa chất độc gây hại cho sức khỏe.


Đan Tâm
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn