Hà Nội

Chuyện nhặt trong phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nặng

Bác sĩ Lê Văn Thiệu

Bác sĩ Lê Văn Thiệu

Bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu

17-08-2021 16:42 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - "Nếu thiếu máy thở tôi xin nhường máy thở cho ông ấy," câu nói của bà – một bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện nơi tôi làm việc tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã khiến tôi giật mình suy ngẫm.

Người phụ nữ đến cuối cùng vẫn chọn cách hi sinh cho gia đình, hi sinh cho chồng, cho con dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào....

Câu nói ấy của bà với bác sĩ là lúc bà cũng đang không ra hơi, não bà cũng đang thiếu oxy bà vẫn thều thào nói với chúng tôi vậy. Ông bà ở tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Hai ông bà được phát hiện dương tính SARS-CoV-2 hôm 26/7, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Đến ngày 2/8, bà chuyển nặng, sau đó ông cũng chuyển nặng và phải chuyển tuyến lên Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

***

COVID-19 có yếu tố gia đình, một người bị là cả nhà bị. Gia đình ông bà cũng không ngoại lệ và cùng vào viện trong bệnh cảnh rất nặng.

Qua những ngày hỗ trợ hô hấp không xâm nhập tình trạng của cả 2 ông bà đều xấu đi... và bà có chỉ định cần can thiệp đặt ống thở máy. Sau khi giải thích cho bà cần là bà phải can thiệp để đảm bảo mức oxy cho cơ thể. Ngay lúc đó bà nghĩ và nói ngay đến việc sẽ nhường viêc đó cho ông.

Chúng tôi phải cố giải thích cho bà rằng mỗi bệnh nhân cần một cách tiếp cận điều trị khác nhau và oxy cũng giống như việc dùng thuốc,cần đúng liều lượng, đúng thời gian, không nhiều quá mà cũng không ít quá. 

Trường hợp của ông cần tiếp tục theo dõi chứ không cần can thiệp ngay như bà. Có vẻ bà chưa được thuyết phục vì điều đó. Chúng tôi đành chỉ cho bà nhìn về nơi góc phòng máy.

"Bà yên tâm ! Chúng cháu không thiếu bà ạ. Chúng cháu sẽ cứu cả 2 ông bà. " thoáng chốc tôi thấy sự an tâm trên nét mặt của bà. An thần cũng có tác dụng , bà cũng đi vào giấc ngủ để mặc cho chúng tôi thể hiện tài năng của mình.

Vài ngày sau bệnh tình của ông trở nặng. Ông cũng cần an thần thở máy. Có lẽ cũng tốt hơn việc hằng ngày nhìn thấy bà mà ko giúp được gì...

Số phận trớ trêu thay, bệnh tình của ông lại tiến triển rất tốt. Ông được cai thở máy và rút ống nội khí quản chuyển sang chế độ thở oxy như trước.

Ông như được sống lại lần nữa nhưng nhìn giường bà bên cạnh, nước mắt ông vẫn lăn dài trên má.

Hôm nay, trời mưa khá to nhưng có lẽ là một ngày đẹp trời với cả 2 ông bà khi đều được rút ống thở máy chuyển sang thở oxy thường.

Bà được can thiệp sau ông nửa ngày. Khi được hỏi ông có muốn nói gì với bà không ông nguệch ngạc những dòng chữ gửi đến bà tình yêu thương vô bờ bến với người phụ nữ đã đầu gối tay kề với mình suốt 71 năm qua.

Trong cuộc đời làm nghề của mình, tôi gặp không ít hoàn cảnh không ít những câu chuyện vui có, buồn có, cảm động có, tự hào có…Nhưng ở trong giai đoạn cam go về dịch bệnh như thế này, mỗi câu chuyện lại như một đoạn phim ngắn lưu lại trong tôi. Nó cũng cho những cảm xúc mãnh liệt để cứ mỗi ngày ở một góc nào đó giúp tôi vượt qua…Thời gian cũng chẳng nhiều và có quá nhiều việc phải làm, vì thế tôi viết vội, đôi khi chỉ là để thoả mãn chính mình.

Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:

Gọi tên những "thiên thần"



Bác sĩ Lê Văn Thiệu
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn