Trong một tháng trở lại đây, số bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội tăng nhanh. 3 ngày gần đây, mỗi ngày Thủ đô phát hiện thêm gần 3.000 ca dương tính SARS-CoV-2 mới.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế cập nhật tới ngày 14/1, cả nước hiện có hơn 147.000 F0 đang điều trị tại nhà. Riêng tại Hà Nội, con số này là hơn 47.300, chiếm hơn 83% tổng số các bệnh nhân dương tính đang điều trị và theo dõi ở Thủ đô.
Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Điều trị F0 tại nhà: Làm gì để hiệu quả cho bệnh nhân, an toàn với gia đình và cộng đồng?" do Báo Gia đình Việt Nam tổ chức ngày 14/1, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - đánh giá việc F0 được điều trị tại nhà sẽ giảm tải cho hệ thống y tế, chính quyền và chính các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã thực hiện điều trị F0 tại nhà từ lâu.
Trong quá trình cách ly, điều trị F0 tại nhà, ông Phu nhấn mạnh các F0 cần hết sức bình tĩnh để xử lý những vấn đề như tâm lý, quan hệ với gia đình, phòng vệ bản thân, cách ly với gia đình.
"Tâm lý tạo thêm sức mạnh để chống chọi với bệnh tật"
Liên quan đến vấn đề tâm lý của F0, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho hay hỗ trợ tâm lý là yếu tố rất quan trọng trong điều trị. Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, sức khỏe của một người "khỏe về mặt tinh thần, sau đó khỏe về mặt thể chất".
Theo vị chuyên gia này, F0 điều trị tại nhà sẽ có không khí của gia đình và người thân xung quanh, tránh cảm giác cô đơn nếu cách ly F0 với những người xa lạ khác.
"Tâm lý tạo thêm sức mạnh để chống chọi với bệnh tật" - ông Hoà nhấn mạnh và khuyên những người trong gia đình cần tăng cường giao lưu tình cảm để hỗ trợ F0 không cảm thấy cô đơn, lo âu, mất niềm tin hay stress. Bản thân F0 cũng phải nắm được những thông tin chính thống để không gây hoang mang, ông nói.
"Bình thường chúng ta ốm đau, nếu có người đến thăm thì được động viên nhiều, bớt tủi thân. Nay với COVID-19 thay vì tiếp xúc trực tiếp thì có thể tiếp xúc qua ngôn ngữ, tình cảm qua các phương tiện liên lạc" - ông Hoà lưu ý việc giao lưu giữa F0 với thế giới xung quanh rất quan trọng, nếu người ở ngoài (người nhà, người thân, nhân viên y tế hay chính quyền...) hờ hững hoặc có thái độ không phù hợp thì sẽ là khó khăn với F0.
Ông Hoà thông tin, nếu F0 bị cách ly quá lâu, ít giao lưu bên ngoài có thể để lại di âm tâm lý nặng nề sau khi khỏi bệnh. Có những người bị căng thẳng thần kinh, rối loạn giấc ngủ...
Rất nguy hiểm suy nghĩ "ai rồi cũng dương tính"
Một khía cạnh khác của vấn đề tâm lý trong đại dịch COVID-19, chuyên gia Trịnh Trung Hoà cảnh báo tình trạng chủ quan "ai rồi cũng dương tính". Thậm chí có người còn nghĩ, bị dăm ba bữa sẽ khỏi bệnh vì bản thân không bị bệnh nền, vì thế nhiễm trước để... "ăn Tết cho ngon".
"Có người nông nổi đến mức chủ động nhiễm, không cần đeo khẩu trang, tiếp xúc thoải mái..." - ông Hoà thông tin và khẳng định điều này rất nguy hiểm bởi một người bị nhiễm COVID-19 sẽ là nguồn lây cho những người khác có tiếp xúc.
Đồng tình với nhận định này, PGS.TS Trần Đắc Phu đặt vấn đề nếu không may F0 trở nặng thì sao? Thêm vào đó, một người phát hiện dương tính sẽ là nguồn lây cho những người xung quanh, đặc biệt là người cao tuổi có bệnh nền hoặc nhóm trẻ chưa được tiêm vaccine. "Đó là lý do tôi vẫn khuyến cáo những người trở về quê nhà vào dịp Tết phải cẩn trọng, không chủ quan để giữ gìn cho nhóm đối tượng nhạy cảm trên" - ông Phu nói.
Chưa kể, nếu nhiễm COVID-19, có thể trong quá trình điều trị dương tính, F0 không triệu chứng, cảm thấy bình thường, nhưng vẫn có thể chịu những di chứng hậu COVID-19. Vấn đề thứ 4 là tái nhiễm, bởi không phải một người đã nhiễm rồi thì mãi mãi không bị nữa, chuyên gia Trần Đắc Phu nói.