Các hội nhóm "đen" ngày càng thu hút nhiều người tham gia
Chỉ bằng một thao tác đơn giản, sau khi tìm kiếm trên Facebook, hàng loạt các hội nhóm như: Hội những người muốn tự tử, hội những người từng đi tù, hội ghét cha mẹ, hội hay bỏ nhà đi bụi… với hàng nghìn thành viên tham gia.
Chỉ cần một cú click chuột, người dùng có thể dễ dàng tham gia vào các hội nhóm trên mạng xã hội để chia sẻ, trao đổi, trò chuyện. Mỗi ngày, những hội nhóm tiêu cực này đăng hàng chục bài viết mới với những nội dung độc hại. Đối tượng tham gia các hội nhóm trên chủ yếu là do áp lực trong cuộc sống, công việc, học hành, gia đình…
Điển hình trong hội nhóm những người muốn tự tử, có nhiều bài đăng với nội dung như: Tìm cách ra đi nhẹ nhàng; Tìm mua xyanua; Rất cần bác nào bán thuốc ngủ e cần 100 viên… Với những dòng trạng thái tiêu cực trên, các thành viên trong nhóm không những không động viên, an ủi mà còn hướng dẫn, trợ giúp các thành viên khác tìm đến cái chết.
Hay như hội nhóm Sugar baby – Sugar daddy là một hình thức trá hình của dịch vụ bán dâm. Trên hội nhóm có những thông tin công khai trao đổi về giá cả, hình thức và cả thông tin của người cung cấp dịch vụ.
Cách thức hoạt động của các hội nhóm này tương đối giống nhau, khởi đầu là những dòng trạng thái câu "Like" đơn giản, những lý lẽ nhân văn cao đẹp hay thể hiện quan điểm rõ ràng. Tuy nhiên, sau đó lại là những quan điểm lệch lạc, sở thích quái đản, đi ngược lại văn hóa dân tộc được cổ vũ bằng sự đồng tình, cùng chung sở thích hay hướng dẫn phương pháp đi ngược lẽ tự nhiên.
Những nội dung trao đổi ở các hội nhóm trên không chỉ là lệch quy chuẩn đạo đức thậm chí còn vi phạm pháp luật. Hơn nữa, khi việc trao đổi thông tin trên mạng xã hội đang trở nên quá dễ dàng, việc các hội nhóm trên hoạt động công khai với hàng nghìn thành viên là "điều kiện thuận lợi" để lôi kéo những người có tâm lý không vững vàng tham gia. Từ đó, số lượng người vi phạm pháp luật, đi lệch với quy chuẩn đạo đức ngày một tăng lên.
Dưới góc độ tâm lý , BSCK I Đoàn Sơn Tùng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết, đây là một hiện tượng tâm lý xã hội. Tính chất của mạng xã hội là sự tự do ngôn luận, thể hiện quan điểm cá nhân, thậm chí là nghĩ gì nói đấy, không suy xét. Trong đó, những hội nhóm có tên gây sốc hoặc phù hợp với nhu cầu thể hiện khám phá và đề cao nội tâm bản thân của giới trẻ sẽ trở nên rất dễ nổi bật, thu hút nhiều người.
"Sự tiêu cực biểu hiện ở các hội nhóm cũng là một hiện tượng tất yếu trong quá trình phát triển xã hội, nhiều người thích tham gia hội nhóm tiêu cực có thể vì hiếu kỳ, hoặc có thể tìm kiếm điều gì đó sâu sắc, những trái nghiệm đau khổ. Những chủ đề càng được đông người quan tâm thì lại càng dễ tiếp cận nhiều người hơn", BSCK I Đoàn Sơn Tùng cho biết.
Lo ngại những hội nhóm "đen" ảnh hướng tới thanh, thiếu niên
Trao đổi với Báo Sức khoẻ và Đời sống, Thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục (Hà Nội) cho rằng, hiện nay việc tham gia vào các hội nhóm online trên mạng xã hội quá dễ dàng và đặc biệt với lứa tuổi vị thành niên rất dễ bắt chước nhau do vậy việc lôi kéo vào các hội nhóm càng thuận tiện hơn.
"Ở lứa tuổi vị thành niên, trẻ thường có xu hướng làm ngược lại để chứng tỏ bản thân đã lớn. Đối với các bậc phụ huynh, những hành vi của trẻ vị thành niên được xem là vớ vẩn, hỗn láo. Tuy nhiên, với trẻ vị thành niên, đây lại là những hành động chống đối, thể hiện bản thân không phải lứa tuổi "bảo gì nghe nấy. Rất nhiều phụ huynh cảm thấy sốc khi phát hiện con tham gia vào các hội nhóm tiêu cực", Thạc sĩ tâm lý Lã Linh Nga cho biết.
Việc tham gia vào các hội nhóm "đen" như trên có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ vị thành niên. Bởi vì dưới góc nhìn của trẻ vị thành niên, khi có rất nhiều người tham gia vào hội nhóm, việc tham gia của trẻ vị thành niên không còn cảm thấy đó là hành động không đúng.
Thậm chí, trẻ vị thành niên cảm thấy đây là hành động "hay ho" và bị cuốn theo vào những thông tin lệch chuẩn. Dần dần, điều này dẫn tới những thói quen, lệch lạc về tính cách và nhân cách cho trẻ vị thành niên. Do đó, càng ngày, trẻ vị thành niên càng khó để có thể giữ được cách ứng xử phù hợp.
Đồng quan điểm, chia sẻ với Báo Sức khỏe và đời sống, PGS.TS Dương Hải Hưng (Khoa Quản lý giáo dục Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, lứa tuổi vị thành niên là độ tuổi đang hình thành và phát triển tâm lý mạnh mẽ nên rất dễ bị ảnh hưởng, lôi kéo từ các yếu tố bên ngoài.
"Giáo dục tác động đến con người theo 2 phương thức tự phát và tự giác. Việc các hội nhóm trên xuất hiện ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tâm lý của mọi người trong xã hội, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên. Đây là độ tuổi đang hình thành và phát triển tâm lý mạnh mẽ, đặc biệt ở lứa tuổi này, hoạt động chủ đạo bên cạnh hoạt động học tập là hoạt động giao tiếp với bạn bè. Do đó, lứa tuổi này rất dễ bị ảnh hưởng hoặc bạn bè lôi kéo vào các hội nhóm", PGS.TS Dương Hải Hưng cho biết.
Ở độ tuổi vị thành niên, các bạn trẻ thường gặp khá nhiều vấn đề liên quan đến tâm lý và cảm xúc làm cho chúng nhạy cảm hơn với mọi thứ xung quanh. Bên cạnh những khó khăn trong việc điều chỉnh để thích nghi trong mối quan hệ với mọi người và "tập làm quen" với những vấn đề khó khăn trong cuộc sống thì những áp lực vô hình như: thi cử, học hành, tình cảm... vô hình chung khiến giới trẻ có xu hướng suy nghĩ tiêu cực, ngại chia sẻ.
Nếu gia đình và nhà trường không có sự định hướng, quan tâm đúng mức, các bạn trẻ có thể có thể sẽ bị lôi kéo vào các hội nhóm trên, dẫn đến sự phát triển lệch lạc về nhận thức, nhân cách hay thậm chí có những hành động tự sát hoặc gây hại cho bản thân và những người xung quanh.
Xem thêm video được quan tâm:
Chân dung “ông trùm” điều hành băng nhóm chuyên đòi nợ thuê cho các ngân hàng, công ty tài chính | SKĐS