Thuế thu nhập cá nhân quá lạc hậu, sửa thế nào cho sát với thực tiễn?

03-11-2023 12:10 | Xã hội

SKĐS - Luật Thuế thu nhập cá nhân được áp dụng từ năm 2007, sau hai lần điều chỉnh vẫn bộc lộ nhiều bất cập khi chưa theo sát thực tế mức sống của người chịu thuế.

Đề xuất giảm 2% thuế VAT cho tất cả hàng hoáĐề xuất giảm 2% thuế VAT cho tất cả hàng hoá

SKĐS - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý Bộ Tài chính về việc giảm thuế giá trị gia tăng 6 tháng đầu năm 2024.

Thuế thu nhập cá nhân đã quá lạc hậu

Tổng cục Thuế mới đây đã công bố thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2022 cả nước đạt 166.733 tỉ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 138% dự toán, tức vượt thu tới 48.658 tỉ đồng. Trong 10 năm qua, số thu thuế TNCN đã tăng gấp 3,6 lần, đạt mức kỷ lục vào năm 2022. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn, thu nhập giảm, giá cả hàng hóa tăng, các chuyên gia chỉ ra rằng một số quy định về thuế TNCN hiện nay không còn phù hợp, đơn cử là mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu.

Nộp thuế sẽ là niềm tự hào nếu người nộp thuế có mức sống dư giả, tuy nhiên, cuộc sống người lao động luôn gặp khó khăn. Nguyên nhân là do chính sách thuế lạc hậu, không thay đổi kịp thời, không theo kịp với trượt giá. Cụ thể, Luật Thuế thu nhập cá nhân được áp dụng từ năm 2007, sau 2 lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế (từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và 11 triệu đồng/tháng vào năm 2020) thì mức tăng chưa đến 3 lần. Trong khi đó, bình quân mỗi người chi tiêu năm 2008 khoảng 792.000 đồng/tháng thì tới năm 2020 lên hơn 2,8 triệu đồng/tháng, tương ứng tăng gần 3,6 lần.

Thuế thu nhập cá nhân: Sửa thế nào cho sát với thực tiễn? - Ảnh 2.

Thuế thu nhập cá nhân đã quá lỗi thời, cần chỉnh sửa.

Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận về thực hiện ngân sách 2023 và dự toán, kế hoạch phân bổ ngân sách 2024. Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách, dẫn chứng Luật Thuế thu nhập cá nhân để cho thấy chính sách chậm thay đổi, nhiều bất cập.

Cụ thể, các quy định trong tính Thuế thu nhập cá nhân như khởi điểm thu nhập chịu thuế, mức chiết trừ gia cảnh, bậc chịu thuế... không được cập nhật theo biến động của lương tối thiểu, giá cả và lạm phát. Một trong những bất cập được nêu nhiều nhất là mức giảm trừ gia cảnh. Hiện, mức giảm trừ gia cảnh là 15,4 triệu (gồm giảm trừ cá nhân 11 triệu và giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu) duy trì từ tháng 7/2020. Trong khi hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ đều tăng, khoảng 20-30% từ sau dịch COVID-19, khiến chi phí sinh hoạt của người dân đội lên. Thậm chí có quy định đã lạc hậu, chậm điều chỉnh cả chục năm 7 bậc chịu thuế áp dụng từ 2007 đến nay.

Nói về những bất cập của thuế TNCN, PGS. TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là quá thấp và không phù hợp với thực tế. Hơn chục năm qua, giá cả sinh hoạt, đặc biệt tại các thành phố lớn, người dân có thể dễ dàng cảm nhận được giá cả phải tăng gấp đôi. Trong khi đó, mức thu nhập nộp thuế chỉ tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng, tăng 2.000.000, tương đương 20%. Mức tăng không tương xứng với CPI, dù CPI chưa phản ánh hết giá cả của nền kinh tế.

Nên linh hoạt điều chỉnh mức thu nhập chịu thuế

Ông Phạm Thế Anh cho rằng, cần phải nâng mức thu nhập nộp thuế và mức giảm trừ gia cảnh đối với phụ thuộc để hỗ trợ người có thu nhập thấp đủ để trang trải cuộc sống. "Nếu như một gia đình tại thành phố cho con học trường tư thì mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng này không thể đủ, trong khi hệ thống trường công không đủ. Những người phải nộp thuế thu nhập cá nhân mà con học trường tư rất thiệt thòi vì không được hưởng giáo dục miễn phí từ các cấp học phổ thông trong khi khoản chi phí cho con học trường công đó cũng không được giảm trừ khi tính thuế", TS. Phạm Thế Anh nói.

Do vậy cần phải sửa luật, cần nâng mức giảm trừ gia cảnh. Một trong những nội dung cần sửa đổi của Luật Thuế thu nhập cá nhân là phải linh hoạt điều chỉnh mức thu nhập chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh. Việc thay đổi này có thể thực hiện hàng năm và có thể gắn nó với sự thay đổi của CPI. Ví dụ, sau mỗi năm chỉ số giá tiêu dùng tăng 5% thì mức giảm trừ gia cảnh phải tự động tăng 5% thì mới phù hợp với thực tiễn. 

PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, nên sớm nghiên cứu, điều chỉnh chính sách thuế này cho phù hợp với những biến động của tình hình kinh tế, xã hội. Biểu thuế lũy tiến hiện nhiều mức thuế suất quá, trong thời gian tới nên giảm mức thuế suất cao nhất trong biểu thuế, nên giảm xuống còn 30%, đồng thời giãn cách các bậc thuế, giảm xuống còn 5 bậc để thu hút nguồn lao động chất lượng cao, đồng thời không làm ảnh hưởng quá tới người có thu nhập trung bình và trung bình khá.

Theo chuyên gia, hiện đa phần người làm công ăn lương đều có thu nhập tính thuế rơi vào bậc 3, 4, 5 với mức lương không quá cao nhưng lại đóng thuế suất khá cao. Vì thế, Luật Thuế TNCN (sửa đổi) nên bỏ ba bậc thuế có thuế suất 15%, 25% và 35%, nên điều chỉnh giãn cách thành bốn bậc thuế 5% (thu nhập tính thuế dưới 10 triệu đồng/tháng), 10% (trên 10-30 triệu đồng/tháng), 20% (trên 30-60 triệu đồng/tháng) và cao nhất là 30% (trên 60 triệu đồng/tháng).

Cũng theo PGS.TS Lê Xuân Trường, điều hành thuế TNCN theo lạm phát cũng không hợp lý, vì mỗi năm mức sống của người dân lại tăng lên. Một bất hợp lý hiện nay là mức lương tối thiểu theo bốn vùng chênh nhau gần 1,5 lần nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau. Vì thế, mức giảm trừ gia cảnh nên căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng. Cụ thể, mỗi năm khi tăng lương tối thiểu vùng thì mức giảm trừ gia cảnh cũng tự động tăng theo (nhân với hệ số nhất định), thay vì quy định cứng ở mức cố định.

Kéo dài thời gian giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ được nhiều hơn mấtKéo dài thời gian giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ được nhiều hơn mất

SKĐS - Chuyên gia cho rằng đề xuất kéo dài thời gian giảm 50% thuế bảo vệ môi trường xăng dầu là cần thiết, nếu kéo dài chính sách sẽ được nhiều hơn là mất bởi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Dự báo thời tiết hôm nay ngày 3/11: Không khí lạnh sắp ồ ạt tràn về Bắc Bộ; Trung Bộ tan hoang sau lũ / SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn