Nhiều người nổi tiếng chụp ảnh "tự sướng" để khoe khoang cuộc sống giàu có của mình, còn những người bình thường chụp ảnh "tự sướng" để ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc sống rồi khoe nó lên mạng xã hội.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng, việc chụp ảnh "tự sướng" có ảnh hưởng đến tâm thần. Việc mọi người thường hướng thẳng ống kính vào mặt để tạo ra những bức ảnh cận cảnh thực chất lại có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Chụp ảnh "tự sướng" nhiều là dấu hiệu của mặc cảm ngoại hình (ảnh minh họa)
Một trong các bác sĩ tâm thần cho biết, phần lớn bệnh nhân mắc chứng bệnh “mặc cảm ngoại hình” đều chụp ảnh "tự sướng" rất nhiều.
Giáo sư David Veale, một cố vấn về bệnh tâm thần tại bệnh viện phía nam London và bệnh viện Maudsley NHS Trust (Anh) cho biết: “Các bệnh nhân ở đây, trong ba người mắc bệnh mặc cảm ngoại hình thì có 2 người xuất phát từ nguyên nhân dùng điện thoại chụp ảnh "tự sướng" quá nhiều”.
Giáo sư cho biết: “Chụp ảnh "tự sướng" không phải là nghiện, đó là dấu hiệu của chứng mặc cảm ngoại hình”.
Những bệnh nhân mắc bệnh này thường dùng hàng giờ để chụp ảnh "tự sướng", họ cố gắng che giấu tất cả những lỗi hay những thứ không hoàn hảo trên khuôn mặt của họ. Đối với họ, việc đó rất quan trọng, còn đối với những người bình thường khác thì đó không phải là vấn đề nghiêm trọng.
Một trong những trường hợp nổi bật của chứng bệnh này là Danny Bowman, một thanh niên người Anh, cố tìm cách tự tử vì không cảm thấy thoải mái với bức ảnh "tự sướng" vừa chụp.
Anh chàng cảm thấy không thể thu hút các cô gái, và chụp 200 bức ảnh "tự sướng" mỗi ngày trong thời gian hơn 10 tiếng đồng hồ. Thói quen của Danny bắt đầu từ năm 15 tuổi, sau đó anh ta bỏ học nhiều và giảm gần 20 cân do buồn rầu vì những bức ảnh "tự sướng" không vừa mắt.
Anh ta không rời khỏi nhà trong vòng 6 tháng, và khi không chụp được tấm hình hoàn hảo, anh ta cố gắng tự tử bằng cách uống thuốc quá liều.
Mẹ của Danny tên là Penny đã cố gắng cứu con mình bằng cách ép buộc anh ta đến trung tâm y tế. Danny nói: “Tôi cố gắng tìm cách chụp 1 tấm hình "tự sướng" thật đẹp nhưng khi nhận ra rằng, tôi không làm được thì tôi muốn tự sát. Tôi đã mất hết bạn bè, sự nghiệp, sức khỏe và gần như mọi thứ trong đời tôi. Điều duy nhất tôi quan tâm đó là chiếc điện thoại giúp tôi chụp những tấm hình đẹp”.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Psychology Today, bác sĩ Pamela Rutledge, giám đốc của trung tâm nghiên cứu tâm thần tại Boston Massachusetts (Mỹ) cho biết: “Việc chụp ảnh "tự sướng" với mục đích gây chú ý sẽ có ảnh hướng lớn đến sức khỏe nếu nó động chạm đến sự tự ái và lòng tự trọng”
Bác sĩ cho rằng việc chụp ảnh "tự sướng" quá nhiều sẽ khiến mức độ ảnh hưởng trở nên nghiêm trọng.