Tràn lan quảng cáo trá hình
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, chỉ với một chiếc smartphone, người dân có thể dễ dàng tra cứu hàng loạt thông tin, tư liệu, kiến thức liên quan đến khám, chữa bệnh trên mạng. Chính sự tiện lợi ấy đã mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thông tin y tế nhanh chóng, linh hoạt cho người dân.
Tuy nhiên, lợi dụng sự thuận tiện này, một số cơ sở khám chữa bệnh trá hình tại Thanh Hóa như: "Phòng khám EMC Healthcare – Khoa Tai Mũi Họng", "Incheon Healthcare", "Phòng khám Điều trị Viêm xoang Công nghệ cao Thanh Hóa"... đã sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo để đăng tải quảng cáo sai sự thật, thực hiện hành vi lừa đảo nhằm trục lợi.

Những lời quảng cáo "có cánh" trên mạng xã hội khiến nhiều người dân sập bẫy.
Tung hô "giáo sư – bác sĩ" để gài bẫy
Bằng những lời lẽ hoa mỹ, hình ảnh được dàn dựng công phu, máy móc được giới thiệu là “hiện đại”, cùng sự xuất hiện của các “giáo sư”, “tiến sĩ”, “bác sĩ” tự xưng là đang công tác tại các bệnh viện lớn ở trung ương và địa phương, các đối tượng dễ dàng chiếm được lòng tin của người dân.
Để kiểm chứng, chúng tôi thử gõ các cụm từ như: 'chữa bệnh yếu sinh lý', 'viêm xoang', 'xương khớp' trên các công cụ tìm kiếm. Chỉ ít phút sau, trang Facebook cá nhân đã liên tục hiển thị hàng loạt quảng cáo từ các cơ sở như 'Phòng khám EMC Healthcare – Khoa Tai Mũi Họng', 'Incheon Healthcare', 'Phòng khám Điều trị Viêm xoang Công nghệ cao Thanh Hóa'...

Cơ sở Incheon Healthcare, có địa chỉ tại số 15 Nguyễn Cẩn, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa.
Khi thử nhấp vào một trong các quảng cáo này, ngay lập tức nhận được tin nhắn tự động qua Messenger với nội dung: "Phòng khám chuyên khoa chào anh/chị... Để được tư vấn trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa, xin vui lòng để lại số điện thoại hoặc Zalo, cùng với triệu chứng đang gặp. Tặng ngay voucher giảm 70%, chỉ còn từ 499.000 đồng dành cho khách hàng đăng ký".
Khi để lại số điện thoại, chỉ ít lâu sau, người bệnh sẽ nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là nhân viên của "phòng khám". Những người này giới thiệu mình là chuyên viên tư vấn, tiến hành chẩn đoán sơ bộ qua điện thoại và đưa ra mức chi phí điều trị.
Tuy nhiên, khi được yêu cầu cung cấp bảng giá dịch vụ cụ thể, hầu hết đều né tránh, chỉ trả lời chung chung và liên tục khuyến khích người bệnh đến trực tiếp cơ sở để được “bác sĩ chuyên khoa” tư vấn, thăm khám và nhận các “ưu đãi đặc biệt”.

Những bác sĩ "rởm" tư vấn nhiệt tình cho người dân. Ảnh: Công an Thanh Hóa
Theo kết quả kiểm tra của Công an tỉnh và Sở Y tế Thanh Hóa, các cơ sở như “Phòng khám EMC Healthcare – Khoa Tai Mũi Họng”, “Incheon Healthcare” đều do những người không có bằng cấp chuyên môn y tế đứng ra thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh, hoàn toàn chưa được cấp phép theo quy định. Trái ngược với những lời quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, tại đây không hề có sự tham gia của các bác sĩ nổi tiếng như đã giới thiệu, tất cả chỉ là chiêu trò nhằm đánh lừa người dân.
Tại cơ sở "Incheon Healthcare", dù quảng cáo rầm rộ về sự có mặt của bác sĩ "Minh Hùng", được giới thiệu là đang công tác tại bệnh viện lớn ở Hà Nội, nhưng qua xác minh, người này thực chất là Nguyễn Xuân Cường (trình độ Đại học Văn hóa, hoàn toàn không liên quan đến chuyên môn y tế) đã tự xưng là bác sĩ để khám và điều trị cho bệnh nhân.
Tương tự, tại cơ sở "EMC Healthcare", nhân vật "bác sĩ Sơn" được giới thiệu là đang công tác tại Hà Nội, nhưng thực chất là do Nguyễn Trung Kiên – người chỉ học hết lớp 12 – thủ vai.
Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa khẳng định, các cơ sở này hoàn toàn không được cấp phép hoạt động khám, chữa bệnh. Các đối tượng đã sử dụng hình ảnh và video được dàn dựng công phu, kết hợp với những lời quảng cáo mập mờ cùng các dẫn chứng có vẻ thuyết phục, nhằm đánh trúng vào tâm lý cả tin của người dân.
Những nạn nhân trong "vòng xoáy" lừa đảo
Ông T.V.C. (trú tại xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn) cho biết, ông biết đến phòng khám "EMC Healthcare" đóng tại số 04 Bùi Khắc Nhất, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa qua quảng cáo trên Facebook.
"Khi xem các video của họ, tôi thấy nhiều người nói đã chữa khỏi viêm xoang mãn tính hơn 20 năm, lại được bảo hành, nếu không khỏi sẽ hoàn tiền. Tin tưởng, ngày 21/11/2024, tôi đến trụ sở của họ và được đưa lên tầng 3, gặp một người phụ nữ tự giới thiệu là ‘bác sĩ’ từ một bệnh viện lớn ở Hà Nội về thăm khám", ông C. chia sẻ.
Sau khi soi họng, soi mũi bằng đèn, "bác sĩ" này kết luận ông bị viêm đa xoang và viêm cấp. Để điều trị, nữ "bác sĩ" tư vấn gói 5 buổi trị liệu giá 5 triệu đồng, nhưng chỉ có tác dụng trong 2–3 năm, không có cam kết hiệu quả. Thấy ông C. còn băn khoăn, người này liền đưa ra "phương án 2" – gói điều trị trọn gói tái tạo niêm mạc mũi với giá 25 triệu đồng, cam kết trị dứt điểm trong 25 năm.

Hóa đơn nộp tiền lên đến 25 triệu đồng của một người dân khi sử dụng dịch vụ tại cơ sở EMC Healthcare. Ảnh: Công an Thanh Hóa
Thấy được tư vấn cam kết sẽ khỏi bệnh, ông C. đã đồng ý ký hợp đồng điều trị trọn gói theo "phương án 2". Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, phòng khám này bất ngờ yêu cầu ông nộp thêm 15 triệu đồng với lý do phát hiện có nấm mũi cần điều trị bổ sung. Ông C. không đồng ý. Sau khi tiêm (không biết thuốc gì) và điều trị một buổi, ông C. thấy đỡ hơn, nhưng cảm giác là do tác dụng của thuốc giảm đau.
Không chỉ ông C., ông T.X.N. (58 tuổi, trú tại xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc) cũng là nạn nhân. Qua quảng cáo trên Facebook, ông thấy "EMC Healthcare" giới thiệu có thể điều trị dứt điểm bệnh yếu sinh lý. Tin tưởng, ông đã đến phòng khám để được tư vấn và tiến hành điều trị.
Sau 5 buổi điều trị với tổng chi phí lên đến 14 triệu đồng, ông N. nhận thấy tình trạng sức khỏe không cải thiện. Khi ông liên hệ lại theo số điện thoại của phòng khám để phản ánh, phía bên kia không nghe máy và sau đó chặn liên lạc hoàn toàn.

Nhiều người dân vì tin tưởng đã đến điều trị và phải bỏ ra số tiền khá lớn. Ảnh: Công an Thanh Hóa
Không chỉ khám và điều trị bệnh, các cơ sở này còn ngang nhiên bán thuốc, vật tư y tế và thực phẩm chức năng. Bà B.T.C. (trú tại huyện Triệu Sơn) cho biết, ngoài việc đã nộp 13 triệu đồng để điều trị viêm xoang, bà còn phải mua thêm 4 triệu đồng tiền thuốc. Các loại thuốc này bao gồm những hộp viên uống dạng nén hình bầu dục và một lọ thuốc xịt, được bán ngay tại cơ sở khám bệnh – nơi bà tìm đến sau khi xem quảng cáo trên Facebook. Tuy nhiên, cũng như nhiều trường hợp khác, sau quá trình điều trị và sử dụng thuốc, bệnh tình của bà không thuyên giảm, trong khi số tiền bỏ ra là không hề nhỏ.
Những hoạt động khám, chữa bệnh trái phép cùng với hình thức quảng cáo lập lờ, tinh vi – thông qua các video, hình ảnh được dàn dựng công phu, sắc nét, có dẫn chứng tưởng như thuyết phục – chính là nguyên nhân khiến không ít người dân sập bẫy.
Vì tin tưởng vào các "giáo sư", "bác sĩ", được giới thiệu là chuyên gia đầu ngành do các đối tượng tự dựng lên, không ít người dân đã sẵn sàng rút hầu bao với hy vọng chữa khỏi bệnh, nhưng cuối cùng lại rơi vào chiếc bẫy lừa đảo được sắp đặt tinh vi từ trước. Kết cục, không chỉ bệnh không khỏi mà tiền cũng không còn – "tiền mất, tật mang".
Xử lý nghiêm các vi phạm
Từ những sai phạm trên, Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa đã xử phạt hai cơ sở: "Incheon Healthcare", có địa chỉ 15 Nguyễn Cẩn, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa, do ông Tống Văn Hưng làm chủ và "EMC Healthcare" tại số 04 Bùi Khắc Nhất, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa, do bà Lê Thị Nga Dung làm chủ, mỗi cơ sở 45 triệu đồng vì hành vi vi phạm: cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh. Đồng thời đình chỉ hoạt động của hai cơ sở này trong 18 tháng.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 2519 yêu cầu Sở Y tế và các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở hành nghề y dược tư nhân (HNYDTN), xử lý vi phạm đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trá hình.

Nguyễn Trung Kiên (x) tuy học vấn mới 12/12, nhưng vẫn mạo danh là bác sĩ công tác ở bệnh viện lớn ở Hà Nội để lừa dối người dân. Ảnh: Công an Thanh Hóa
Theo đó, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu trên địa bàn quản lý có cơ sở hành nghề y dược tư nhân không phép hoạt động; các cơ sở cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ, spa thực hiện các dịch vụ trái quy định.
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Lê Anh Hiếu, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân – Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ sở HNYDTN. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, để hoạt động của các cơ sở HNYDTN trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp, luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Ông Hiếu nhấn mạnh: “Cần xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật, đồng thời yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ chính quyền địa phương các cấp. Người dân nên lựa chọn những cơ sở khám, chữa bệnh uy tín, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động”.
Cũng theo ông Hiếu, các cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp phải có biển hiệu rõ ràng với đầy đủ thông tin như: tên cơ sở, hình thức tổ chức, số giấy phép hoạt động, địa chỉ, số điện thoại, thời gian hoạt động… đúng theo nội dung ghi trong giấy phép do cơ quan chức năng cấp.