Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có văn bản về việc nhiều cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhiều cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện vẫn hoạt động 'chui', lừa dối khách hàng
TS Nguyễn Trọng Khoa - phó Cục trưởng Phụ trách, quản lý, điều hành Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết Cục đã nhận được thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng về việc nhiều cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn.
Theo phản ánh, có nhiều cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện vẫn đang hoạt động 'chui', không ít cơ sở làm đẹp đã mạo danh các bệnh viện lớn lừa dối khách hàng và nhiều người đã là nạn nhân của các cơ sở mạo danh này (đối với các tên gọi của dịch vụ thẩm mỹ như "Thẩm mỹ viện", "Viện thẩm mỹ", "Trung tâm thẩm mỹ"…
Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung, cụ thể:
Khẩn trương kiểm tra, xác minh trên địa phương thuộc Sở Y tế quản lý đối với phản ánh của phương tiện thông tin đại chúng đã nêu trên.
Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan phát hiện, xử lý vi phạm đối với các cơ sở thẩm mỹ mạo danh bệnh viện, mập mờ chuyên môn, không đủ điều kiện vẫn hoạt động "chui", gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội và ngành Y tế, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.
Đồng thời xử lý theo quy định của pháp luật và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 15/11/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Cùng đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền giáo dục về pháp luật cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm việc khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Nhiều người phải nhập viện vì làm đẹp ở cơ sở thẩm mỹ không đảm bảo
Thời gian qua, Sức khoẻ và Đời sống đã nhiều lần phản ánh tình trạng tại nhiều địa phương không ít cơ sở làm đẹp mang tên "Thẩm mỹ viện" hay "Viện thẩm mỹ"... nhưng lại hoạt động 'chui' hoặc hành nghề quá phạm vi cho phép, quảng cáo 'nổ'... gây ra những hệ luỵ không nhỏ cho ngời sử dụng dịch vụ.
Đã có không ít người sử dụng dịch vụ làm đẹp ở những cơ sở này phải nhập viện điều trị. Trên thực tế Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 108, Bệnh viện Da liễu Trung ương... và nhiều cơ sở y tế khác đã tiếp nhận điều trị không ít bệnh nhân bị biến chứng do làm đẹp ở những cơ sở mang tên "Viện thẩm mỹ" hay "Thẩm mỹ viện" không an toàn.
Đơn cử tại TPHCM, theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện trên địa bàn có hơn 7.000 cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn; trong đó có 598 cơ sở do Bộ Y tế và Sở Y tế Thành phố thẩm định, cấp phép hoạt động.
Có đến 6.489 cơ sở (chiếm 85%) bao gồm chăm sóc da, phun xăm thêu thẩm mỹ, dịch vụ gội đầu làm móng... do UBND quận, huyện, thành phố cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; các cơ sở này hoạt động không cần cơ quan chuyên môn y tế thẩm định, cấp phép.
Do những cơ sở này không thuộc thẩm quyền thẩm định và cấp phép của Sở Y tế nên không quản lý được các họat động chuyên môn liên quan. Đây là thách thức không nhỏ bởi thời gian qua, nhiều cơ sở quảng cáo không đúng phạm vi hoạt động trên các phương tiện thông tin đại chúng và quảng cáo trái phép trên mạng xã hội, rất dễ gây hiểu nhầm cho người dân. Cùng đó, hoạt động hậu kiểm các cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ này chưa thật sự được quan tâm, chú trọng đúng mức.
Ngoài ra, theo ông Tăng Chí Thượng, các cơ sở thẩm mỹ chui ngày càng trở nên tinh vi hơn khi né tránh các cơ quan quản lý nhà nước bằng cách thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trong khu dân cư, nhà trọ, khách sạn... Hậu quả là đã gây ra những tai biến y khoa đáng tiếc. Cụ thể như mới đây có một trường hợp tử vong liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ chui trái phép trong một khách sạn trên địa bàn TPHCM...