Hà Nội

Chia sẻ kinh nghiệm đổi mới quản trị đại học khối ngành sức khoẻ trong cơ chế tự chủ

03-05-2024 06:48 | Y tế

SKĐS - Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam được Bộ Y tế đề xuất Bộ GD&ĐT đưa vào danh mục cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia ngành y học cổ truyền và được Chính phủ đồng ý triển khai Dự án cơ sở 2. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu bức thiết phải đổi mới quản trị trong cơ chế tự chủ.

PGS.TS Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã nhấn mạnh thông tin này khi trao đổi với phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống tại hội thảo "chia sẻ kinh nghiệm quản trị đại học trong cơ chế tự chủ và công bố bài báo quốc tế, nâng cao chất lượng tạp chí khoa học" diễn ra ngày 2/5 do Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam phối hợp với Trường ĐH Y dược Cần Thơ tổ chức.

Chia sẻ kinh nghiệm đổi mới quản trị đại học khối ngành sức khoẻ trong cơ chế tự chủ
- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Huy, trung bình mỗi năm học nhà trường tiếp nhận khoảng 1.300 học viên và sinh viên các chuyên ngành đào tạo về y dược học cổ truyền; Cùng đó nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân bằng y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại tăng lên;

Đồng thời phải đảm bảo ổn định đời sống, thu nhập cho gần 500 thầy cô giáo, giảng viên, người lao động, các y bác sĩ của Học viện và Bệnh viện Tuệ Tĩnh... là những yếu tố bắt buộc Học viện phải học tập kinh nghiệm của các mô hình đã thành công trong thực hiện tự chủ, đặc biệt là cơ sở đào tạo khối ngành sức khoẻ như Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.

Hội thảo gồm các nội dung: Chia sẻ kinh nghiệm quản trị đại học trong cơ chế tự chủ, xây dựng công cụ quản trị, cách quản lý công việc hiệu quả, mô hình chi trả thu nhập tăng thêm...; Việc triển khai thực hiện các bài báo công bố quốc tế để lan toả thành quả nghiên cứu khoa học...

"Chúng ta phải thay đổi tư duy, muốn đổi mới quản trị trong cơ chế tự chủ thì không thể là ý chí của lãnh đạo đơn vị mà còn hành động của cả tập thể, từ những cán bộ, người lao động, giảng viên... đến lãnh đạo khoa, phòng, trung tâm... Có như thế mới nhất quán trong triển khai thực hiện"- PGS.TS Nguyễn Quốc Huy nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đã chia sẻ kinh nghiệm quản trị đại học đang được áp dụng thành công tại đây. Đến thời điểm này, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ là cơ sở giáo dục đại học duy nhất thuộc khối sức khỏe trên cả nước thực hiện cơ chế tự chủ.

GS.TS Nguyễn Trung Kiên – Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ cho rằng chỉ có tự chủ mới giúp trường phát triển và hội nhập.

Thông tin tại hội thảo cho biết năm 2020, bước ngoặt mới của Trường ĐH Y dược Cần Thơ là thay đổi mô hình quản trị. Có hai phương thức: quản trị theo mục tiêu và quản trị theo quá trình. Theo đó, các trường lựa chọn phương thức tối ưu để đạt được mục tiêu tổ chức.

Theo GS.TS Nguyễn Trung Kiên, cả hai phương thức trên đều có ưu, nhược điểm riêng nên cần tính toán, dung hòa khi áp dụng vào thực tiễn để đạt được kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, cần lấy quản trị theo mục tiêu là chính.

Theo đó, phải đặt ra mục tiêu theo từng giai đoạn chiến lược. Muốn quản trị theo mục tiêu cần bảo đảm các điều kiện: Phải xác định được khung thời gian và xây dựng được mục tiêu; phải có công cụ quản lý; phải sử dụng được kết quả đánh giá.

Chia sẻ kinh nghiệm đổi mới quản trị đại học khối ngành sức khoẻ trong cơ chế tự chủ
- Ảnh 2.

Các diễn giả đến từ Trường ĐH Y Dược Cần Thơ chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện tự chủ đại học khối ngành đào tạo sức khoẻ.

Thông tin thêm, PGS.TS Nguyễn Quốc Huy cho biết để phục vụ sự phát triển của chuyên ngành y học cổ truyền, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam hiện đang đào tạo tất cả các mã ngành về y học cổ truyền từ trình độ đại học đến sau đại học gồm đào tạo nhân lực bác sĩ y học cổ truyền; BSCK I y học cổ truyền, BSCKII y học cổ truyền, bác sĩ nội trú y học cổ truyền, Thạc sĩ y học cổ truyền và tiến sĩ y học cổ truyền.

Mới đây trong định hướng đào tạo các chuyên khoa sau đại học ngành y học cổ truyền, Học viện trở thành cơ sở giáo dục đại học đầu tiên trên cả nước mở mã đào tạo chuyên khoa I ngành châm cứu. Theo chủ trương này, Học viện đã mở mã đào tạo chuyên khoa I dược liệu – dược học cổ truyền cho nhân lực tại các khoa dược của các cơ sở khám bệnh chữa bệnh y học cổ truyền về sử dụng thuốc an toàn hợp lý hiệu quả…

Cùng đó, Học viện hiện còn có mã ngành Y khoa và Dược học trình độ Đại học theo định hướng y dược cổ truyền kết hợp y học hiện đại.

"Hiện Học viện Y Dược học cố truyền Việt Nam đang đề xuất Bộ Y tế, Hội đồng Y Khoa Quốc gia về danh mục các chuyên khoa sau đại học ngành y học cổ truyền và mô hình cũng như chuẩn bị các điều kiện để thi chứng chỉ hành nghề cho đối tượng bác sĩ y học cổ truyền từ năm 2027" - PGS.TS Nguyễn Quốc Huy thông tin.

Chưa nhận bằng tốt nghiệp, 300 vị trí việc làm đã chờ sẵn học viên Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam Chưa nhận bằng tốt nghiệp, 300 vị trí việc làm đã chờ sẵn học viên Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam

SKĐS - Chiều 29/8, Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức Ngày hội tư vấn việc làm cho sinh viên chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp của Học viện. Sự kiện đã thu hút 12 đơn vị tuyển dụng là các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa và các công ty dược phẩm với hơn 300 vị trí việc làm được tuyển dụng.

Bài và ảnh Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn