Tại hội thảo góp ý Danh mục bài thuốc cổ truyền miễn thử lâm sàng do Cục Quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) phối hợp với Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam tổ chức chiều qua - 25/4, đại diện Cục Quản lý Y Dược cổ truyền nhấn mạnh tiêu chí và nguyên tắc xây dựng Danh mục bao gồm: Bài thuốc không có thành phần dược liệu có độc tính mạnh để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều trị;
Bài thuốc không có thành phần dược liệu cấm sử dụng; Bài thuốc thường xuyên sử dụng trong điều trị bằng y học cổ truyền;
Bài thuốc có tăng hoặc giảm về số vị thuốc, hàm lượng của từng vị thuốc để làm tăng hiệu quả điều trị, giảm độc tính của bài thuốc phù hợp với bệnh hoặc chứng bệnh theo lý luận của y học cổ truyền;
Cùng đó, bài thuốc có tài liệu, dữ liệu chứng minh hoặc phân tích, biện giải việc gia giảm phù hợp với lý luận của y học cổ truyền
"Cục Quản lý Y Dược cổ truyền phối hợp với Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam; Trường Đại học Y Hà Nội; Trường Đại học Y Dược TPHCM; Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã tập hợp được 183 bài thuốc thuộc 22 chương theo y lý và tác dụng của y học cổ truyền"- đại diện Cục Y Dược học cổ truyền cho biết.
Tại hội thảo, các đại biểu đã quan tâm thảo luận về các dược liệu có nguồn gốc từ động vật, thực vật quý hiếm cần bảo vệ, bảo tồn (như tê giác, xuyên sơn giáp, trầm hương…) có thay thế bằng các dược liệu khác được không?
Bổ sung mục chống chỉ định, tương tác tương kỵ, sử dụng trên các đối tượng đặc biệt; Phương án thực hiện gia giảm theo guyên tắc chung hay nguyên tắc cụ thể từng bài thuốc; Đồng thời thống nhất quy đổi hàm lượng theo gram: Có công thức, hàm lượng: tiền, quả, lạng…
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quốc Huy – Giám đốc Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam cho biết trong thời gian qua, ngay khi được sự chỉ đạo của Cục Quản lý Y Dược cổ truyền về việc phối hợp xây dựng nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn và danh mục bài thuốc cổ truyền tham khảo miễn thử lâm sàng và miễn thử một số giai đoạn trên lâm sàng, Học viện đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp học viện để thực hiện các nghiên cứu và cử các thầy cô là chuyên gia về phương tễ, bài thuốc cổ phương, bài thuốc cổ truyền thực hiện.
"Chúng tôi xác định hoạt động này là ưu tiên không chỉ để ban hành sớm tiêu chí và danh mục quan trọng này làm tài liệu quan trọng cho Hội đồng thuốc của Bộ Y tế và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các đơn vị liên quan;
Đồng thời Học viện cũng xác định tiêu chí và danh mục này giúp cho chuyên ngành y học cổ truyền trong đào tạo đại học, sau đại học nghiên cứu và áp dụng trong thực tiễn khám bệnh chữa bệnh bằng y học cổ truyền"- PGS.TS Nguyễn Quốc Huy nói.
Để phục vụ sự phát triển của chuyên ngành y học cổ truyền cũng như nhu cầu ngày càng tăng về khám chữa bệnh, điều trị bằng y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam hiện đang đào tạo tất cả các mã ngành về y học cổ truyền từ trình độ đại học đến sau đại học gồm đào tạo nhân lực bác sĩ y học cổ truyền; BSCK I y học cổ truyền, BSCKII y học cổ truyền, bác sĩ nội trú y học cổ truyền, Thạc sĩ y học cổ truyền và tiến sĩ y học cổ truyền.
Mới đây trong định hướng đào tạo các chuyên khoa sau đại học ngành y học cổ truyền, Học viện trở thành cơ sở giáo dục đại học đầu tiên trên cả nước mở mã đào tạo chuyên khoa I ngành châm cứu. Theo chủ trương này, Học viện đã mở mã đào tạo chuyên khoa I dược liệu – dược học cổ truyền cho nhân lực tại các khoa dược của các cơ sở khám bệnh chữa bệnh y học cổ truyền về sử dụng thuốc an toàn hợp lý hiệu quả…
Cùng đó, Học viện hiện còn có mã ngành Y khoa và Dược học trình độ Đại học theo định hướng y dược cổ truyền kết hợp y học hiện đại...