Chiêu dọa cắt điện rồi lấy hết tiền trong tài khoản
Chị Ngô Thị Lan Hương (Hà Nội) vừa mất một khoản tiền lớn do chiêu lừa đảo của "nhân viên điện lực". Chị chia sẻ trên facebook cá nhân: "Em bị lừa ạ! Hết sạch số tài khoản vì nó (kẻ lừa đảo) bảo người của điện lực, tháng trước không đóng tiền điện, từ 1/1/2025 phải xác thực và đồng bộ gì đó. Vì hệ thống không nhận được tiền đóng và 10 rưỡi có lịch cắt điện.
Em nhắc lại: Đây không phải là tiền điện, mà nó hướng dẫn em xác thực, đồng bộ tài khoản ngân hàng với tài khoản điện lực - (chỗ này là bị lộ thông tin tài khoản ngân hàng với số định danh) do đóng rồi mà vẫn có giấy báo cắt điện…
Nó hướng dẫn em làm nhiều khâu, chỗ này em bị rối tinh lên nên cứ làm theo thôi. Không phải 1 người mà 2 người, tổng đài gọi trước, sau đó mới đến người hỗ trợ. Khi mình bị thao túng tâm lý, kiểu bị dẫn dắt mình làm theo mà đến lúc chuyển rồi nó vẫn nói chuyện với em rất tử tế...".
Tổng số tiền chị Hương bị mất là hơn 50 triệu đồng. Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa tiếp tục đưa ra cảnh báo về tình trạng gần đây xuất hiện hàng loạt các đối tượng xấu giả mạo nhân viên điện lực để lừa đảo người dân. Những đối tượng này thường sử dụng phương thức gọi điện hoặc nhắn tin qua Zalo, SMS để yêu cầu người dân thanh toán tiền điện ngay lập tức, đồng thời đe dọa sẽ cắt điện nếu không thanh toán.
Với hình thức lừa đảo này, đối tượng lừa đảo thường giả danh là nhân viên điện lực gọi điện đến khách hàng, thông báo rằng có vấn đề về hóa đơn tiền điện như: quá hạn, số tiền nợ lớn, hoặc lỗi kỹ thuật trong hệ thống.
Các đối tượng lừa đảo có thể giả mạo số điện thoại của nhân viên công ty điện lực, sử dụng công nghệ làm giả số điện thoại (caller ID spoofing) để số điện thoại của chúng hiện lên như là số điện thoại chính thức của công ty điện lực. Điều này làm tăng độ tin cậy của cuộc gọi và khiến nạn nhân dễ dàng tin tưởng.
Tiếp đó, chúng yêu cầu thanh toán ngay lập tức qua các kênh không chính thức như Zalo hoặc chuyển khoản qua ngân hàng. Để gây thêm áp lực, chúng có thể đe dọa sẽ cắt điện ngay nếu không thanh toán nhanh chóng, khiến người dân hoang mang và dễ dàng thực hiện theo yêu cầu.
Bên cạnh chiêu trò gọi điện trực tiếp, đối tượng lừa đảo còn gửi tin nhắn qua SMS hoặc Zalo với nội dung giả mạo từ phía công ty điện lực, yêu cầu người dân thanh toán tiền điện, đồng thời cung cấp các thông tin như số tài khoản ngân hàng hoặc đường link giả để người dân truy cập vào và thực hiện thanh toán.
Sau khi gửi tin nhắn hoặc gọi điện, kẻ lừa đảo có thể gửi đường dẫn đến website thanh toán giả mạo hoặc ứng dụng giả mạo của công ty điện lực) để khách hàng truy cập vào. Khi người dân nhập thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP, hoặc các thông tin cá nhân vào, kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạt được tiền và thông tin của họ. Để làm tăng độ tin cậy, đối tượng lừa đảo còn điều tra tên, địa chỉ, hóa đơn điện,... của khách hàng được đánh cắp từ các nguồn khác.
Tinh vi hơn, chúng còn gửi mã QR thanh toán được thiết kế tinh vi với logo của Tổng Công ty điện lực EVN, khiến nạn nhân không chút nghi ngờ, thực hiện quét mã với số tiền được đối tượng nhập sẵn.
Người dân phải luôn luôn cảnh giác
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và hợp tác quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng cho biết, dù không mới, song những hình thức lừa đảo liên quan điện lực vẫn diễn ra. Nhiều người rất cảnh giác, tỉnh táo trước các chiêu lừa qua điện thoại, mà vẫn sập bẫy của kẻ xấu.
Nhiều người dù có hiểu biết hoặc đã từng nghe về hình thức lừa đảo này, tuy nhiên khi nghe các đối tượng trao đổi lại có tâm lý sợ liên quan đến pháp luật, không kiểm tra thông tin do ngại liên hệ cơ quan chức năng để xác minh. Các đối tượng lừa đảo thường yêu cầu nạn nhân hành động nhanh để đảm bảo quyền lợi hoặc không vi phạm quy định. Tâm lý tin tưởng và hành động nhanh chóng trước các lời đe dọa giả mạo càng khiến người dân dễ rơi vào bẫy.
"Để giải quyết tình trạng này, việc cần làm vẫn là liên tục tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, không chỉ 1 lần mà phải thành hành động thường xuyên", chuyên gia Vũ Ngọc Sơn nêu quan điểm.
Chuyên gia khuyến nghị, khi có nhu cầu thanh toán tiền điện trực tuyến, người dân cần tra cứu thông tin, truy cập website chính thống của EVN. Người dân cũng cần cảnh giác trước những thông tin nhận được từ người lạ, chưa được xác thực nhằm tránh 'sập bẫy' lừa đảo.
Ngoài ra, người dân cần lưu lại tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo để làm bằng chứng nhằm phản ánh và doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao điện thoại của mình, hỗ trợ xử lý.
Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị Điện lực thành viên vẫn đang hợp tác với ngân hàng và các tổ chức thanh toán trung gian để cung cấp dịch vụ thanh toán hóa đơn tiền điện không dùng tiền mặt. EVN và các tổng công ty điện lực cũng không ra mắt thêm bất cứ app (ứng dụng) chăm sóc khách hàng nào; không yêu cầu người dân phải cài app CSKH mới.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn đến từ đối tượng không rõ danh tính. Nếu nhận được yêu cầu thanh toán, hãy kiểm tra lại thông tin qua các kênh chính thức của công ty điện lực như website, tổng đài hỗ trợ khách hàng. Tuyệt đối không tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc từ những website do đối tượng lạ gửi đến. Đảm bảo thanh toán qua các phương thức mà công ty điện lực công nhận như qua các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử, hoặc thanh toán trực tiếp tại các điểm thu tiền chính thức...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thực hư ăn trứng vịt lộn, cút lộn thường xuyên giúp giảm đau đầu? | SKĐS