Sáng 19/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, lại có thêm một trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia về. Cụ thể, ngày 17/5/2020, Trung tâm Y tế quận Tân Bình (TP.HCM) đã nhận được thông báo có 1 trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia bằng đường bộ đến lưu trú trên địa bàn phường 5 quận Tân Bình. Trung tâm Y tế quận Tân Bình đã thực hiện điều tra xác minh trường hợp này.
Theo đó, người này tối 13/05/2020 đã đi từ Camphuchia về Việt Nam bằng đường bộ qua Kênh Đào - Châu Đốc, đến nhà hai người thân chơi và lưu trú tại đây. Sáng ngày 16/5/2020 người này di chuyển vào TP.HCM bằng xe khách. Sau khi xác minh thông tin, quận Tân Bình đã thực hiện cách ly tập trung trường hợp này và lấy mẫu xét nghiệm.
Cơ quan chuyên môn đã tiến hành điều tra dịch tễ những người tiếp xúc với trường hợp trên. Người sống trong cùng hộ gia đình gồm: chồng và hai con được hướng dẫn cách ly theo quy định. Đồng thời, tiến hành khử trùng hộ gia đình. Kết quả xét nghiệm lần 1 của người này và các trường hợp tiếp xúc gần là âm tính.
Trung tâm y tế Quận Tân Bình tiếp tục tăng cường truyền thông các biện pháp phòng chống COVID-19, sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống dịch khi có trường hợp nhiễm trên địa bàn.
Khử khuẩn tại hộ gia đình người từ Campuchia về. Ảnh: Kiều Loan.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã thông báo ca bệnh 315 là người từ Campuchia về nước và nhập cảnh trái phép qua đường mòn vào lúc 15h30 ngày 2/5, đến nhà người dì ruột tại ấp Tân Đông, xã Tân Thành, huyện Tân Châu (Tây Ninh). Sau đó, theo yêu cầu của người dì, người đàn ông này mới tới công an xã trình báo, được giữ cách ly tại xã tới sáng 3/5. Sáng 3/5 được đưa đi cách ly tập trung tại K71.
Ngày 5/5, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Tối 15/5, mẫu xét nghiệm lần 2 của bệnh nhân tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân được điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh. 17 người tiếp xúc gần với bệnh nhân này đã được cách ly theo dõi tại Trung tâm Y tế huyện Tân Châu và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh.
Tiếp tục phòng bệnh theo khuyến cáo để không có "làn sóng thứ 2"
Thực tế này cho thấy, mặc dù đã sang ngày thứ 33 Việt Nam không ghi nhận trường hợp mắc mới lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất thấp nhưng vẫn còn tiềm ẩn. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trên thế giới diễn biến vẫn rất phức tạp, số mắc bệnh không ngừng tăng, việc người dân qua lại biên giới đường bộ thông qua đường mòn, lối mở gây nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây nhiễm cho cộng đồng. Bởi lẽ, chỉ một người nhập cảnh trái phép không được phát hiện kịp thời, nếu họ nhiễm virus SARS-CoV-2 thì đây chính là khởi điểm lây lan cho những người trong gia đình, làng xóm, từ đó lan rộng ra cộng đồng.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Việt Nam kiên định nguyên tắc phòng dịch từ đầu là: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch triệt để. Chúng ta đã thực hiện những nguyên tắc này một cách triệt để, triển khai sớm, quyết liệt. Nhờ đó, dịch bệnh được kiểm sát tốt, số ca nhiễm ít, tạo điều kiện tích cực để tập trung điều trị cho bệnh nhân, chưa có ca tử vong. Nếu tiếp tục làm tốt sẽ không bị "làn sóng thứ 2", trường hợp có ca bệnh mới thì chỉ là ổ dịch nhỏ, có thể khống chế được.
PGS.TS Trần Đắc Phu.
Theo nhận định, dịch COVID-19 có thể kéo dài 1-2 năm nữa. Bởi lẽ, khác với dịch SARS thường là các ca bệnh nặng, vào bệnh viện cách ly và điều trị ngay, nhưng nhiều ca bệnh COVID-19 không có triệu chứng, nên khó phát hiện, dễ lây lan cộng đồng. Như ca bệnh 315 ở Tây Ninh nhập cảnh trái phép vừa được phát hiện, cũng không có triệu chứng. Điều may mắn là hệ thống quốc phòng an ninh, y tế đã vào cuộc mạnh mẽ, phát hiện được ngay, cách ly được 17 người tiếp xúc gần với người này.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho biết, hiện nay tuy số bệnh nhân từ nước ngoài về có tăng lên nhưng đều đã được cách ly ngay khi nhập cảnh nên không có khả năng lây lan ra cộng đồng. Về vấn đề cách ly, điều trị, chúng ta vẫn có đủ năng lực ứng phó.
"Năng lực cách ly, xét nghiệm, phát hiện ca bệnh của Việt Nam vẫn bảo đảm. Tất cả những người nhập cảnh, cách ly, đều xét nghiệm ít nhất 2 lần, khi về nhà thì vẫn phải theo dõi sức khỏe. Ngành Y tế vẫn đang áp dụng phương châm "4 tại chỗ" vì thế những ca bệnh nhẹ được điều trị tại tuyến dưới, chỉ những ca nặng mới chuyển tuyến trên"- chuyên gia y tế dự phòng cho hay.
Tuy nhiên PGS. Phu nhấn mạnh, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, phải phát hiện sớm, khoanh vùng dập dịch ngay, không để "đốm lửa nhỏ" bùng phát thành "đám cháy lớn”. Trong trạng thái "bình thường mới", mọi người cần nâng cao cảnh giác, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh đã được Ngành Y tế khuyến cáo.