Bình ổn mặt hàng thịt lợn trong giai đoạn chống dịch, kiểm soát việc đầu cơ trục lợi

19-05-2020 08:06 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo lượng Quản lý thị trường, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc đầu cơ trục lợi, vận chuyển lợn trái phép kể cả có hiện tượng việc xuất khẩu lợn ra nước ngoài.

Liên quan đến vấn đề giá thịt lợn, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (TTTN) thông tin, giá thịt lợn “nóng” từ năm 2019 tới nay, được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, quan tâm và vào cuộc. Từ cuối 2019, lồng ghép với công tác bình ổn thị trường, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản gửi các địa phương về công tác bình ổn thị trường dịp Tết, cũng như trong giai đoạn chống dịch để bình ổn các mặt hàng thiết yếu cũng như mặt hàng thịt lợn.

Ngày 17/3, Vụ TTTN đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trung ương về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn mặt hàng thịt lợn, theo đó, đề nghị các địa phương chỉ đạo và có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng thịt lợn trên địa bàn tập trung nguồn lực, tiết giảm chi phí, giảm giá thành, bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn.

Theo bà Lê Việt Nga, thịt lợn là mặt hàng có chuỗi cung ứng rất đặc biệt, có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, nhiều loại hình doanh nghiệp, vì vậy, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 21/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành.

Ảnh minh họa.

Giải thích thêm về biến động giá thịt lợn hiện nay trên thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, bản chất của thịt lợn hiện nay là vấn đề cung cầu, nguồn cung thiếu rất rõ. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, riêng năm 2019 so với năm 2018 đã thiếu 20-21% tổng thể đàn lợn cũng như sản lượng thịt cung cấp cho thị trường.

“Chúng ta phải theo cơ chế thị trường giữa cung và cầu” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo đó, Bộ Công Thương vẫn phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong nhiều nội dung, nhiệm vụ, kể cả nguồn nhập khẩu. Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương vụ Việt Nam tại các nước giới thiệu những đầu mối nhập khẩu đảm bảo chất lượng, giá cả phong phú, có sự chọn lựa để doanh nghiệp trong nước có thể nhập khẩu.

Ông Hải khẳng định, các doanh nghiệp nhập khẩu chỉ cần duy nhất qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y, Chi cục thú y vùng để làm giấy phép, mang ra hải quan để làm thủ tục nhập khẩu.

Người phát ngôn Bộ Công Thương chia sẻ, hy vọng cuối năm nay, tình hình về giá thịt lợn sẽ ổn định, như thời điểm năm 2018.


D.Hải
Ý kiến của bạn