Hà Nội

"Căng não" chọn nguyện vọng vào lớp 10 để tránh trượt oan

17-04-2023 08:56 | Thời sự
google news

SKĐS - Thời điểm này, nhiều phụ huynh và học sinh lớp 9 đang "căng não" để chọn trường. Theo nhiều giáo viên, bên cạnh việc chạy đua với thời gian để ôn luyện thì học sinh cần cân nhắc kỹ trước khi đặt bút đăng ký nguyện vọng để tăng cơ hội đỗ vào ngôi trường mong muốn.

Tại sao học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố không được cộng điểm ưu tiên khi thi vào lớp 10?Tại sao học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố không được cộng điểm ưu tiên khi thi vào lớp 10?

SKĐS - Phụ huynh và giáo viên cho rằng, việc học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố không được cộng điểm ưu tiên khi thi vào lớp 10 là một thiệt thòi rất lớn cho các thí sinh.

Lo lắng phân chia nguyện vọng để có thể giành "tấm vé" vào trường công

Mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, Hà Nội tiếp tục tuyển sinh theo khu vực. Thành phố chia 30 quận, huyện, thị xã thành 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi học sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng (NV) vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự ưu tiên.

Trong đó, NV 1 và 2 bắt buộc đăng ký tại trường thuộc khu vực mà thí sinh đăng ký thường trú, NV 3 được đặt ở bất kỳ trường nào. Học sinh đã trúng tuyển NV 1 không được xét tuyển các NV sau. Nếu trượt, các em được xét NV 2, 3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV 1 của trường ít nhất 2,0 điểm. Các NV đã đăng ký không được thay đổi.

Chị Nguyễn Lan Anh (huyện Đông Anh) cho biết, gia đình dự định đăng ký cho con vào hai trường THPT trên địa bàn huyện, tuy nhiên vì con có học lực chưa tốt nên gia đình rất lo lắng. "Năm nay, số lượng thí sinh tăng vọt mà cơ hội vào trường công lập rất thấp nên cả gia đình không biết chọn trường nào. Tôi lo con mình không có "cửa" vào trường công lập gần nhà nên đã phải tính đến cả phương án dự phòng là sẽ nộp hồ sơ cho con vào một vài trường THPT tư thục".

"Căng não" chọn nguyện vọng vào lớp 10 để tránh trượt oan - Ảnh 2.

Học sinh cần cân nhắc kỹ trước khi đặt bút ký đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 để tăng cơ hội đỗ vào ngôi trường mong muốn.

Cũng có con năm nay thi vào lớp 10, chị Trương Thùy Trang có hộ khẩu thường trú ở quận Nam Từ Liêm. Khu vực tuyển sinh của con chị là Trường THPT Trung Văn và THPT Đại Mỗ, nhưng con lại muốn học Trường THPT Kim Liên thuộc quận Đống Đa. "Để con có thể được học tập trong ngôi trường mơ ước thì gia đình dự định chỉ đặt một NV duy nhất vào Trường THPT Kim Liên. Gia đình cũng rất lo lắng nên bên cạnh việc động viên con phải nỗ lực ôn tập thì gia đình cũng đã "sơ cua" thêm một bộ hồ sơ vào trường tư thục cho con".

Cần cân nhắc nguyện vọng một cách an toàn

Là giáo viên có kinh nghiệm trong ôn tập, tư vấn cho học sinh nhiều năm qua, cô Nguyễn Hải Huệ - giáo viên lớp 9 tại một trường THCS thuộc quận Thanh Xuân cho biết, theo quy chế tuyển sinh mà Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành, mỗi học sinh được lựa chọn 3 NV; trong đó điểm trúng tuyển của NV2 phải cao hơn tối thiểu 1 điểm so với NV1; NV3 thì phải có điểm xét tuyển cao hơn 2 điểm so với NV1.

Vì vậy, để tăng cao khả năng trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập, khi đăng ký các nguyện vọng, học sinh và phụ huynh nên chọn các trường có cách biệt xa nhau về điểm trúng tuyển của năm học trước. Các em học sinh cần ưu tiên cho NV1 và NV1 nên là một lựa chọn an toàn.

Theo cô Huệ, đối với học sinh lớp 9, áp lực của kỳ thi rất lớn. Các em rất cần sự đồng hành, hỗ trợ về mặt kiến thức, tư duy, đồng thời cần cả sự tư vấn của giáo viên, nhà trường trong lựa chọn trường học, tổ hợp môn học. Tuy nhiên, tư vấn lựa chọn NV thế nào để không bị áp lực, học sinh không bị ảnh hưởng tâm lý. Hiện nay, số lượng học sinh dự thi rất đông, tỉ lệ các em đỗ chỉ có 55,7% nên những em có năng lực yếu, kém rất khó có thể đạt mục tiêu.

"Việc lựa chọn trường THPT cho con không chỉ đơn thuần là chuyển cấp, chuyển trường, mà đây là giai đoạn quan trọng mang tính chất chuẩn bị để bước vào giai đoạn học sau phổ thông. Vì vậy, bên cạnh ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh lớp 9, một nội dung vô cùng quan trọng hiện nay nữa là giới thiệu cho các em chương trình lớp 10. Từ năm ngoái, học sinh lớp 10 học chương trình, sách giáo khoa mới, trong đó các em học 4 môn bắt buộc và một số môn tự chọn. Để không chọn sai, nhà trường nên giới thiệu chương trình để học sinh hình dung và có sự định hướng của mình, tránh việc lên THPT lại bỡ ngỡ dẫn đến chọn sai"", cô Huệ tư vấn.

Chia sẻ với tâm lý lo lắng của các bậc phụ huynh có con thi vào lớp 10, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh cho rằng, cuộc đua vào lớp 10 công lập của Hà Nội năm nào cũng "nóng", nhưng năm nay thì lại "nóng" hơn bao giờ hết. Mỗi năm, ở Hà Nội, không biết bao nhiêu chung cư mọc lên, trong khi không có trường nào được xây dựng tương xứng. Chỉ tiêu của các trường dù cố gắng nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh.

Về việc đặt NV, thầy Nguyễn Quốc Bình lưu ý, chính cha mẹ và học sinh phải đánh giá đúng được năng lực, trình độ của con em mình. Bên cạnh đó, cần lấy thêm ý kiến của thầy cô giáo, nhà trường để đặt NV cho đúng, chứ không chủ quan, ảo tưởng dẫn đến việc chọn sai trường. "Cha mẹ và học sinh cần cân nhắc giữa chuyện đi lại là khoảng cách đi học giữa nhà và trường học, cũng như định hướng nghề nghiệp sau này sao cho phù hợp. Nếu học sinh không có khả năng vào một trường công lập, cũng có thể lựa chọn trường tư thục hay trường quốc tế, nhưng phải phụ thuộc vào tài chính của gia đình".

Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) cho rằng, để chọn trường và xếp NV hợp lý, các gia đình nên tham khảo ý kiến giáo viên chủ nhiệm, kết quả các bài kiểm tra thử, so sánh với điểm chuẩn năm ngoái của các trường để biết sức con đang ở mức nào. Ngoài ra, phụ huynh và học sinh cần cân nhắc các yếu tố khác như khoảng cách từ nhà đến trường, tổ hợp tự chọn môn lớp 10.

Theo thầy Cường, học sinh nên đăng ký theo đúng quy định về khu vực tuyển sinh, phân bố NV theo 3 mức để an toàn. Chẳng hạn trường NV1, NV2 nên cách xa về điểm chuẩn an toàn từ 3-5 điểm trở lên, trường NV3 nên là một trường có thể cùng hoặc không cùng khu vực nhưng điểm chuẩn ở mức không cao, thậm chí thấp.

Năm nay, kỳ thi vào lớp 10 của Hà Nội bắt đầu sáng 10/6 với môn Ngữ văn, chiều cùng ngày, học sinh thi Ngoại ngữ. Ngày 11/6, thí sinh thi Toán buổi sáng, nghỉ chiều. Hai bài thi Toán và Ngữ văn theo hình thức tự luận với thời gian 120 phút mỗi môn. Với môn Ngoại ngữ, thí sinh thi trắc nghiệm trong 60 phút, chọn một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn. Điểm chuẩn lớp 10 của Hà Nội năm 2023 được công bố vào ngày 8-9/7, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến hoặc trực tiếp. Từ ngày 18/7, những trường chưa đủ chỉ tiêu bắt đầu xét tuyển bổ sung.

Biến động điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập Hà Nội 5 năm gần đâyBiến động điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập Hà Nội 5 năm gần đây

SKĐS - Trong nhiều năm liền, trường có điểm đầu vào lớp 10 cao nhất tại Hà Nội là Trường THPT Chu Văn An.


Đỗ Vi
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn