Tiêu chuẩn xét công nhận tốt nghiệp THCS
Từ nay đến trước ngày 14/5, các trường THCS, TTGDNN-GDTX trên địa bàn Hà Nội phải hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, lập danh sách, thực hiện xét công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2022-2023 cho học sinh lớp 9.
Tiêu chuẩn xét công nhận tốt nghiệp THCS với học sinh đang học lớp 9 gồm: Xếp loại hạnh kiểm cả năm học lớp 9 từ trung bình trở lên; xếp loại học lực cả năm học lớp 9 từ trung bình trở lên, nếu không thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích.
Trong trường hợp thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích, học sinh đủ tiêu chuẩn xét công nhận tốt nghiệp THCS nếu xếp loại học lực yếu nhưng các môn học tính điểm trung bình đạt từ 3,5 điểm trở lên, trong đó, môn toán hoặc môn ngữ văn đạt từ 5,0 trở lên. Học sinh sẽ được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS tạm thời vào trước ngày 21/5.
Học sinh nộp phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 vào ngày nào?
Theo hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023 - 2024 của Sở GD&ĐT Hà Nội, để được đăng ký dự tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập năm học 2023 - 2024, học sinh (hoặc bố, hoặc mẹ, hoặc người giám hộ của học sinh) phải có nơi thường trú tại Hà Nội.
Ngày 24/4, các trường THCS, TTGDNN-GDTX sẽ thu "Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024" của học sinh. Đây cũng là thời hạn các nhà trường, trung tâm phải hoàn thành việc cấp mã học sinh (mã định danh trên cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo), mật khẩu cho học sinh lớp 9.
Ngày 26/4, các trường nộp "Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024" của học sinh về phòng GD&ĐT. Từ 26/4 đến 4/5, các phòng GD&ĐT nhập dữ liệu tuyển sinh, in danh sách thí sinh chuyển về các trường THCS, TTGDNN-GDTX để tổ chức cho học sinh kiểm tra, sửa chữa dữ liệu.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng giao các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường thông tin đầy đủ, chính xác về điểm ưu tiên của học sinh; tổ chức kiểm tra chéo giữa các trường về việc tính điểm ưu tiên, điểm sơ tuyển, khu vực tuyển sinh của học sinh.
Không được đổi nguyện vọng sau khi đăng ký dự thi
Theo quy định, toàn thành phố có 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển tối đa vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. Trong đó, nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải vào trường THPT thuộc cùng một khu vực tuyển sinh mà học sinh (hoặc bố, hoặc mẹ, hoặc người giám hộ của học sinh) có nơi thường trú; nguyện vọng 3 có thể thuộc một trường THPT thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Tuy nhiên, Hà Nội cho phép những học sinh thuộc vùng giáp ranh giữa các khu vực tuyển sinh hoặc có chỗ ở thực tế khác với nơi thường trú được đổi khu vực tuyển sinh với điều kiện: nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải đăng ký dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong khu vực tuyển sinh đã thay đổi; nguyện vọng 3 (nếu có) thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh có nguyện vọng đổi khu vực tuyển sinh thì làm đơn (có mẫu), trong đơn nêu rõ lý do đổi khu vực tuyển sinh và được thủ trưởng đơn vị nơi tiếp nhận phiếu đăng ký dự thi xác nhận.
Cuối tháng 5, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của từng trường THPT công lập để học sinh xác định được tỷ lệ chọi. Sở GD&ĐT lưu ý học sinh không được đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã biết tỷ lệ chọi như trước đây. Do vậy, thí sinh cần phải cân nhắc rất kỹ khi đăng ký dự thi.
Công thức tính điểm xét tuyển
Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT công lập vào ngày 10 và 11/6. Thí sinh phải làm ba bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Thí sinh lưu ý công thức tính điểm xét tuyển như sau: Điểm xét tuyển = (Điểm bài thi môn toán + Điểm bài thi môn ngữ văn) x 2 + Điểm bài thi môn ngoại ngữ + Điểm ưu tiên (nếu có). Trong đó, điểm bài thi của các môn tính theo thang điểm 10,0.
Về nguyên tắc tuyển sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội quy định rõ: Tuyển những thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường, lấy theo điểm xét tuyển từ cao xuống thấp đến khi hết chỉ tiêu. Sở chỉ xét tuyển đối với học sinh có đủ bài thi theo quy định, không vi phạm quy chế thi đến mức hủy kết quả bài thi, không có bài thi bị điểm 0.
Các vi phạm có thể khiến thí sinh bị đình chỉ, hủy kết quả
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội sẽ áp dụng các quy định của quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành. Điều 54 của quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT ban hành nêu rõ: Mọi vi phạm quy chế thi đều bị lập biên bản, xử lý kỷ luật và thông báo cho thí sinh. Tùy theo mức độ vi phạm, thí sinh có thể bị xử lý theo một số hình thức.
Thứ nhất, khiển trách. Hình thức này áp dụng đối với thí sinh phạm lỗi một lần khi nhìn bài hoặc trao đổi bài với người khác.
Thứ hai, cảnh cáo, đối với thí sinh vi phạm một trong các lỗi: Đã bị khiển trách một lần nhưng trong giờ thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách; trao đổi bài làm hoặc giấy nháp với thí sinh khác; chép bài của thí sinh khác hoặc để thí sinh khác chép bài của mình.
Thứ ba, đình chỉ thi, đối với thí sinh vi phạm một trong các lỗi: Đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; mang vật dụng trái phép vào phòng thi, phòng chờ hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ; đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; có hành động gây gổ, đe dọa những người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác; không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển trong khu vực thi và trong thời gian ở phòng chờ. Thí sinh bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi trong kỳ thi năm đó.
Ngoài các hình thức này, căn cứ vào mức độ vi phạm, thí sinh còn có thể bị trừ điểm bài thi; hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; truy cứu trách nhiệm hình sự...