Hà Nội

Cần xây dựng hệ thống lão khoa trên toàn quốc để bắt kịp xu hướng "già hóa" dân số

22-12-2021 17:42 | Xã hội
google news

SKĐS - Để thích ứng với xu hướng "già hóa" dân số, theo các chuyên gia, cần xây dựng hệ thống lão khoa trên toàn quốc nhằm bắt kịp sự biến đổi nhân khẩu học và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn của NCT.

Triển khai mô hình chăm sóc người cao tuổi phù hợp xu hướng "già hóa" dân số - Ảnh 1.

 Người cao tuổi trung bình mắc 6,9 bệnh

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ "già hóa" dân số nhanh nhất thế giới. Các nước trên thế giới phải trải qua nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ, nhưng Việt Nam chỉ mất khoảng 15 năm để chuyển từ giai đoạn "già hóa" dân số sang giai đoạn dân số già. Dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ là quốc gia có dân số "siêu già".

Thông tin từ Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho thấy, một NCT trung bình mắc 6,9 bệnh, trong đó chủ yếu là bệnh mạn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, ung thư, đột quỵ… cần nhiều thời gian điều trị hay thậm chí phải điều trị suốt đời. Mặt khác, NCT sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc, do đó, chi phí y tế cho người già cao gấp 7 - 10 lần so với người trẻ tuổi.

Đồng quan điểm, đại diện Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng (Hà Nội) cho hay, bên cạnh những bệnh mạn tính trên, một trong những bệnh người già rất hay gặp phải đó là bệnh suy giảm trí nhớ hay dân gian vẫn hay gọi nôm na là bệnh lú lẫn tuổi già.

Thực tế, trong tổng số 60 cụ ông, cụ bà đang được chăm sóc tại Diên Hồng, rất nhiều người mắc vấn đề về trí nhớ. Trước khi được con cái đưa đến Trung tâm, nhiều cụ đã trong tình trạng bệnh khá nặng.

Khi bố mẹ già yếu kèm theo bệnh tật, tính tình thay đổi hay có những thú vui riêng mà con cháu không đáp ứng được, người nhà đôi khi rất lúng túng. Hơn nữa, họ bận rộn với công việc mà bản thân cũng không có kinh nghiệm trong chăm sóc người bệnh. Do đó, việc gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão là nhu cầu hết sức bình thường trong xã hội phát triển hiện đại ngày nay.

Thực tế, nhiều cụ khi đến viện dưỡng lão hoặc các trung tâm chăm sóc sức khỏe NCT lúc mới đầu đều cảm thấy buồn, nhớ nhà. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, họ đã hòa nhịp được với cuộc sống tại các trung tâm. Thậm chí, có người trở nên thích ở viện dưỡng lão hơn vì được chăm sóc sức khỏe cả về thể chất và tinh thần một cách toàn diện.

Người cao tuổi cần phát huy hiệu quả

Thực tế cho thấy, hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe NCT bước đầu được hình thành và phát triển từ Trung ương cho tới địa phương. Nhiều mô hình chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng được nhân rộng. Tuy nhiên, việc tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng trong chăm sóc sức khỏe NCT còn hạn chế như việc cung cấp các dịch vụ chuyên về lão khoa chưa nhiều; các mô hình chăm sóc NCT ngắn hạn, trung hạn và dài hạn chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong muốn.

Việc nhân rộng mô hình chăm sóc NCT tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe NCT đang gặp rất nhiều khó khăn. Một phần là do nhiều người dân còn nặng tư tưởng người già phải sống gần con cháu hay con cháu phải có nghĩa vụ phụng dưỡng ông bà, bố mẹ khi về già. Do đó, không ít người bị coi là bất hiếu khi "trót" gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão. Điều này vô hình chung tạo ra rào cản khiến những người đang có ý định đưa người thân vào chăm sóc tại các viện dưỡng lão phải phân vân, lưỡng lự vì sợ thiên hạ dị nghị.

Thứ hai, hiện có khá nhiều mô hình chăm sóc NCT tại cộng đồng do Nhà nước và nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện. Thế nhưng, những mô hình này vẫn còn nhiều thách thức do cơ sở hạ tầng còn hạn chế; nguồn nhân lực chưa ổn định; chi phí dịch vụ khá cao. Mặt khác, việc chăm sóc vẫn còn mang tính chất tự nguyện, chưa được lồng ghép trong các hoạt động chung ở cộng đồng.

Do đó, Nhà nước nên mở rộng chính sách dành cho những đơn vị, cá nhân có ý định thành lập các trung tâm chăm sóc sức khỏe NCT, chẳng hạn, cho họ thuê quỹ đất của Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm bớt các chi phí dịch vụ. Từ đó, tăng cơ hội để những NCT có nhu cầu được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện với mức chi phí hợp lý nhất.

Để thích ứng với xu hướng "già hóa" dân số, theo các chuyên gia, cần xây dựng hệ thống lão khoa trên toàn quốc nhằm bắt kịp sự biến đổi nhân khẩu học và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn của NCT, bao gồm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, đội ngũ y bác sĩ lão khoa; xây dựng các mô hình chăm sóc tại gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của NCT để NCT đầu tư sản xuất, kinh doanh, đồng thời xem xét lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu nhằm phát huy vai trò của NCT, nhất là NCT có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, năng lực quản lý tốt.


T.H
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn