1. Các tình trạng đau mắt do trang điểm
Đau mắt do trang điểm thường gặp là do kỹ thuật trang điểm, sử dụng nhiều lớp mỹ phẩm, nhất là khi dùng sản phẩm kém chất lượng.
Các tình huống đau mắt khi trang điểm thường gặp:
- Viêm bờ mi: Tình trạng này thường xảy ra khi sử dụng sản phẩm mắt kém chất lượng, mất vệ sinh hoặc dùng chung mỹ phẩm với người khác. Viêm bờ mi xảy ra khi tuyến dầu bị tắc làm mắt sưng, mẩn đỏ, gây ra chắp, lẹo, mủ ở bờ mi… Nếu không xử lý khéo và triệt để có thể để lại sẹo xấu, lông mi mọc quặp vào trong gây xước giác mạc.
- Khô da mắt: Lớp phấn trang điểm mắt có thể khiến vùng da xung quanh mắt có thể bị sẩn ngứa, khô, ảnh hưởng đến mắt… Khi da vùng quanh mắt bị khô, ngứa, vô tình sẽ đưa tay lên gãi, sờ, dụi mắt… từ đó có thể dẫn tới da bị tổn thương, thậm chí ảnh hưởng tới trong mắt.
- Viêm kết mạc: Khi trang điểm, đặc biệt là lúc dùng phấn màu và chải mascara, nếu để phấn rơi vào trong mắt hoặc mascara chạm vào mi mắt sẽ gây đỏ mắt, chảy nước mắt hoặc sản phẩm mắt kém chất lượng có thể gây ra viêm kết mạc. Tình trạng viêm nhiễm kết mạc này thường đi kèm với đỏ, sưng, ngứa và cảm giác kích ứng trong mắt. Viêm kết mạc, nhiễm trùng giác mạc cũng là một trong những hậu quả của viêm bờ mi trên, do lông mi mọc lệch hoặc khô mắt từ đó tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Dị ứng mắt: Một số người, nhất là người có cơ địa dị ứng sẽ dễ phản ứng với các thành phần trong mỹ phẩm mắt như mascara, phấn mắt hoặc bút kẻ viền mắt. Đặc biệt nếu sử dụng mỹ phẩm mắt có chứa chất phụ gia giúp bám bền màu hoặc hợp chất kim loại như chì cũng là nguyên nhân gây kích ứng cho mắt. Dị ứng mắt có thể gây ngứa, sưng, đỏ và chảy nước mắt, tổn thương mắt, khô mắt...
Khi bị đau mắt do trang điểm, có thể gặp các triệu chứng:
- Cảm giác cộm, nóng, chảy nước mắt, mờ mắt.
- Đau, ngứa mi mắt đỏ, sưng, hạy cảm với ánh sáng, có nhu cầu chớp mắt nhiều.
- Bong da quanh mắt, quanh gốc lông mi, rụng lông mi, lông mi mọc lệch
- Nhiều chất nhờn tiết ra ở mi mắt, dính mắt vào buổi sáng khi mới ngủ dậy...
2. Cách hạn chế đau mắt do trang điểm
Khi trang điểm, đôi mắt thường được chú ý trang điểm kỹ nhất, nhưng mắt cũng là nơi dễ bị tổn thương do mỹ phẩm, nếu chúng ta lạm dụng trang điểm. Để phòng ngừa viêm bờ mi, tránh đau mắt thì giữ vệ sinh mắt là điều ưu tiên hàng đầu. Mắt được vệ sinh sạch sẽ giúp phòng ngừa tắc nghẽn tuyến mebomian, loại bỏ bã nhờn, da chết. Chúng ta cần biết cách trang điểm và các thói quen vệ sinh mắt với các bước:
- Sử dụng kem dưỡng dành riêng cho mắt trước khi trang điểm 5-10 phút.
- Lựa chọn phấn mắt, chì kẻ mắt, mascara có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng sản phẩm tốt. Chì kẻ mắt cần lựa chọn loại mềm, dễ tẩy trang. Mascara lựa chọn sản phẩm khi chải lên mi mắt có độ bám dính đều, không dày, không vón cục.
- Không lạm dụng quá nhiều lớp mỹ phẩm lên mắt.
- Nên vệ sinh mắt sớm nhất sau khi trang điểm, massage bờ mi.
- Dùng sản phẩm tẩy tế bào chết dành riêng cho mắt, mỗi tuần 2 lần để giúp giảm gàu trên lông mi và số lượng vi khuẩn trên da mí mắt. Quy trình thực hiện cần thận trọng, tránh để sản phẩm rơi vào trong mắt.
- Nhỏ nước mắt nhân tạo để hỗ trợ tình trạng khô mắt do viêm bờ mi, giúp giảm triệu chứng nóng, rát, chảy nước mắt và nhạy cảm với ánh sáng.
3. Điều trị đau mắt do mỹ phẩm
Khi đã bị viêm bờ mi, đau mắt mà các bước vệ sinh, chăm sóc tại nhà không đạt hiệu quả, có triệu chứng nặng lên cần đi khám để chuyển sang biện pháp dùng thuốc. Các thuốc được chỉ định trong điều trị đau mắt do mỹ phẩm, nhiễm khuẩn ưu tiên kháng sinh, kháng viêm dùng tại chỗ.
- Thuốc mỡ kháng sinh như bacitracin, erythromycin là kháng sinh có hoạt tính kháng khuẩn phổ rộng, được dung nạp và giảm triệu chứng viêm bờ mi bằng cách giảm số lượng vi khuẩn ở mi mắt và kết mạc.
Bôi thuốc trực tiếp lên mi mắt 1 lần/ngày trước khi đi ngủ trong 2 tuần. Ngoài ra vẫn thực hiện cùng biện pháp chăm sóc mắt như các bước trên. Sau 2 tuần các triệu chứng được cải thiện và khỏi hẳn có thể ngừng kháng sinh, nhưng vẫn tiếp tục các biện pháp vệ sinh mi mắt.
- Dung dịch nhỏ mắt azithromycin 1% là thuốc cho tình trạng viêm bờ mi dưới. Nhỏ mỗi bên mắt 1 giọt, 2 lần/ngày, thời gian điều trị từ 10 đến 14 ngày.
- Kháng viêm: Các glucocorticoid nhẹ như rimexolone, loteprednol etabonate, và fluorometholone được ưu tiên sử dụng để giảm nguy cơ tác dụng phụ. Thuốc phải có chỉ định của bác sĩ nhãn khoa. Không dùng quá 2 tuần để giảm nguy cơ tác dụng phụ gây đục thủy tinh thể hoặc tăng nhãn áp. Bệnh nhân sau đợt dùng glucocorticoid nên đi khám lại mắt để đánh giá tình trạng nhãn áp và thủy tinh thể.
- Cyclosporine: Đây là loại thuốc nhỏ mắt hàm lượng 0,05% và do bác sĩ kê đơn, bệnh nhân không tự ý mua sử dụng. Thuốc này có tác dụng giảm viêm, ngăn chặn phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể.
Khi đã sử dụng các biện pháp nêu trên theo đúng phác đồ bác sĩ hướng dẫn, nhưng tình trạng đau mắt không đỡ, bệnh nhân cần đến bệnh viện để khám và có thể phải điều trị bằng các biện pháp phối hợp khác.
Trong quá trình điều trị, cần lưu ý:
- Tránh trang điểm mắt cho đến khi tình trạng viêm nhiễm, dị ứng, đau mắt được kiểm soát tốt.
- Chườm ấm: Lấy miếng gạc y tế, nhúng nước ấm rồi vắt khô rồi đặt lên mí mắt đến khi nhiệt độ hạ xuống. Ngày làm 2-3 lần.
- Bổ sung omega-3: Omega-3 giúp các tuyến trong mắt hoạt động tốt hơn, giúp giảm nhanh tình trạng đau mắt. Thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá thu, các trích, hàu, hạt lanh…
- Hạn chế dụi tay lên mắt để bệnh không tiến triển nặng hơn.
- Không dùng kính áp tròng, do kính áp tròng làm ảnh hưởng đến việc trao đổi lớp phim nước mắt ở giữa kính và bề mặt giác mạc, đặc biệt với kính áp tròng mềm có tỷ lệ ngậm nước khá cao nên nếu đeo thường xuyên sẽ gây khô mắt. Người bệnh sẽ có những triệu chứng như cộm rát, chói mắt, chảy nước mắt.
Mời độc giả xem thêm video:
Tự ý mua thuốc chữa đau mắt đỏ, người đàn ông tử vong do sốc phản vệ I SKĐS