Hà Nội

Cách để phòng tránh được biến chứng nguy hiểm của căn bệnh 7 triệu người Việt mắc

28-06-2024 08:08 | Y tế

SKĐS - Tại Việt Nam, số người mắc bệnh đái tháo đường đang ngày một gia tăng, tỷ lệ người bệnh tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Trong số đó, hơn một nửa chưa được chẩn đoán, nghĩa là không được điều trị. Trong số những người đã được chẩn đoán và điều trị, chỉ có khoảng 1/3 đạt được mục tiêu điều trị...

Đây là những thông tin được GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế cho biết tại hội thảo khoa học diễn ra chiều 27/6 do Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam tổ chức nhằm giới thiệu hướng dẫn quy trình đầu tiên về theo dõi đường huyết liên tục đến các chuyên viên y tế.

Hướng dẫn này được kỳ vọng sẽ góp phần mang lại những thay đổi lớn đối với quản lý đái tháo đường trong nước.

Cách để phòng tránh được biến chứng nguy hiểm của căn bệnh 7 triệu người Việt mắc- Ảnh 1.

GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế nhấn mạnh: Với bệnh nhân đái tháo đường, việc kiểm soát đường huyết ổn định, gần mức bình thường là rất quan trọng để giúp họ phòng tránh được các biến chứng của bệnh.

Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới đang gia tăng nhanh chóng và trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần đặc biệt quan tâm. Bệnh đái tháo đường là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay, làm gia tăng gánh nặng y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, hiểu biết của cộng đồng về "kẻ giết người thầm lặng" này còn nhiều hạn chế.

Theo số liệu của Hiệp hội Phòng, chống đái tháo đường thế giới, năm 2021 trên toàn cầu, cứ 10 người trưởng thành thì có hơn một người mắc bệnh đái tháo đường. Các quốc gia có trên 20% dân số trưởng thành mắc bệnh bệnh này cũng ngày càng nhiều hơn.

Thống kê từ năm 2000 tới nay cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở người từ 20 đến 79 tuổi đã tăng hơn gấp ba lần và trong vòng 15 năm qua; chi phí về y tế cho bệnh đái tháo đường cũng tăng lên gấp ba lần.

Tại Việt Nam hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường. Đáng chú ý, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.

Bộ Y tế đã có khuyến nghị theo dõi đường huyết liên tục (continuous glucose monitoring – CGM) đối với những người mắc đái tháo đường tuýp 2 muốn quản lý đường huyết tốt hơn và những người nhập viện cần theo dõi sát đường huyết.

Hướng dẫn quy trình đầu tiên về theo dõi đường huyết liên tục được Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam ban hành trong đó nêu rõ những bước cụ thể để chuyên viên y tế và người mắc đái tháo đường thực hiện theo dõi đường huyết liên tục.

"Nhìn tổng thể, vận dụng công nghệ theo dõi đường huyết liên tục không chỉ giúp quản lý đái tháo đường hiệu quả hơn mà còn làm giảm gánh nặng chi phí cho người dân và cả hệ thống y tế. Do đó, việc xây dựng hướng dẫn theo dõi glucose máu liên tục vô cùng quan trọng" - GS.TS Trần Hữu Dàng cho biết.

Kiểm soát đường huyết ổn định rất quan trọng để giúp phòng tránh được các biến chứng của bệnh

Theo hướng dẫn của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, hệ thống theo dõi đường huyết liên tục sử dụng một cảm biến được đưa vào dưới da để đo lượng đường trong dịch mô kẽ trong suốt một khoảng thời gian nhất định, từ đó thể hiện mức đường huyết ước tính liên tục theo thời gian.

Hướng dẫn này hỗ trợ y bác sĩ bằng cách liệt kê các thiết bị theo dõi đường huyết liên tục và hướng dẫn sử dụng; chỉ định và chống chỉ định; các chỉ số quan trọng, đặc biệt ở người già và phụ nữ mang thai; cũng như các phân tích dữ liệu.

Hướng dẫn cũng giúp người bệnh đái tháo đường hiểu tổng quan về theo dõi đường huyết liên tục, cách thiết bị hoạt động và cách sử dụng thiết bị theo dõi đường huyết liên tục.

Dựa trên hướng dẫn này, các cán bộ y tế sẽ tiếp tục xây dựng quy trình triển khai theo dõi đường huyết liên tục cho bệnh viện trên toàn quốc, đặc biệt là ở khu vực Hà Nội và TPHCM.

"Với bệnh nhân đái tháo đường, việc kiểm soát đường huyết ổn định, gần mức bình thường là rất quan trọng để giúp họ phòng tránh được các biến chứng của bệnh" - GS.TS Trần Hữu Dàng chia sẻ và nói thêm: Theo dõi đường huyết liên tục cung cấp bức tranh toàn diện về thực trạng đường huyết theo thời gian thực, giúp bác sĩ nắm bắt tình trạng của bệnh nhân để đưa ra quyết định điều trị phù hợp hơn, nâng cao hiệu quả điều trị.

Đồng thời, công nghệ này giúp người bệnh hiểu rõ tình trạng đường huyết của bản thân, thay đổi lối sống, từ đó quản lý tình trạng đái tháo đường tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cách để phòng tránh được biến chứng nguy hiểm của căn bệnh 7 triệu người Việt mắc- Ảnh 2.

Ông Douglas Kuo, Phó chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Abbott Việt Nam, Campuchia, Lào và Myanmar phát biểu tại hội thảo giới thiệu hướng dẫn quy trình đầu tiên về theo dõi đường huyết liên tục.

Một trong những thiết bị theo dõi đường huyết liên tục được nêu trong hướng dẫn của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam là FreeStyle Libre, công nghệ theo dõi glucose liên tục. Công nghệ này được sử dụng cho cả người lớn và trẻ em từ bốn tuổi trở lên.

Hệ thống FreeStyle Libre giúp theo dõi mức đường huyết mỗi phút thông qua một cảm biến nhỏ đeo ở mặt sau cánh tay với kích thước chỉ bằng một đồng xu. Cảm biến được sử dụng liên tục trong 14 ngày, là thiết bị đo và theo dõi glucose có thời gian sử dụng lâu nhất thế giới hiện nay.

Được biết công nghệ này đã giúp thay đổi cuộc sống của khoảng 6 triệu người bệnh đái tháo đường ở hơn 60 quốc gia trên thế giới.

Theo Bộ Y tế hơn 77% số ca tử vong tại Việt Nam liên quan đến bệnh không lây nhiễm và tỷ lệ này có xu hướng tăng. Cùng với bệnh tim mạch, ung thư, COPD, đái tháo đường là những bệnh thuộc nhóm này. Bộ Y tế và các Hội chuyên ngành, các đối tác công - tư, tổ chức quốc tế hoạt động về sức khỏe đã và đang đồng hành, nỗ lực truyền thông, triển khai nhiều giải pháp phòng, chống đái tháo đường.

Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cùng tất cả đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực quản lý đái tháo đường kỳ vọng hướng dẫn này sẽ giúp mang lại những thay đổi tích cực, ý nghĩa cho cuộc sống của hàng triệu bệnh nhân đái tháo đường tại Việt Nam"- GS.TS. Trần Hữu Dàng nhận định

Trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1 có xu hướng tăng, Bộ Y tế hướng dẫn chẩn đoán và điều trịTrẻ mắc đái tháo đường tuýp 1 có xu hướng tăng, Bộ Y tế hướng dẫn chẩn đoán và điều trị

SKĐS - Bộ Y tế cho biết, đái tháo đường tuýp 1 chiếm 90% bệnh đái tháo đường ở trẻ em. Hiện tại cả nước ta có khoảng gần 2.000 trẻ được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1... Bộ Y tế đã xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên...




Bài và ảnh Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn