Cách chăm sóc vết mổ cho bệnh nhân tuyến giáp

30-11-2024 13:11 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất trong cơ thể. Hầu hết các bệnh nhân được mổ tuyến giáp bằng phương pháp mổ mở nên việc chăm sóc vết mổ là điều quan trọng để có sẹo mổ đẹp.

Chức năng của tuyến giáp đối với cơ thể

Tuyến giáp nằm ở phía trước cổ tương đương với đốt sống cổ số 5 đến đốt sống ngực số 1, được cấu tạo bởi 2 thùy: thùy phải và thùy trái, chúng được nối với nhau bởi eo tuyến giáp.

Tuyến giáp có nhiều chức năng như:

  • Làm tăng hoạt động của tế bào, tăng cường chuyển hóa glucid giúp tăng đường huyết, tăng cường chuyển hóa lipid và tạo năng lượng cần thiết cho cơ thể.
  • Tăng nhịp tim, tăng lưu lượng máu, tăng cường sự co bóp để cung cấp oxy cho sự chuyển hóa giữa các mô cơ quan.
  • Tăng trưởng và phát triển của cơ thể.
  • Giúp duy trì sự ổn định lượng canxi có trong máu.
  • Có tác động tới quá trình hoạt động của tuyến sữa và tuyến sinh dục.
  • Điều tiết lượng photpho và canxi trong máu và luôn duy trì nồng độ 1%.
Cách chăm sóc vết mổ cho bệnh nhân tuyến giáp- Ảnh 1.

Không phải tất cả trường hợp viêm tuyến giáp đều được chỉ định can thiệp phẫu thuật.

Khi nào cần phải mổ tuyến giáp?

Phẫu thuật chỉ được chỉ định trong trường hợp điều trị nội khoa bệnh viêm giáp do vi trùng không thể khống chế được tình trạng nhiễm trùng, hoặc cổ người bệnh xuất hiện bướu to gây chèn ép họng, khí quản, ảnh hưởng đến ngoại hình và tâm lý người bệnh.

Tùy vào tình trạng và dạng viêm tuyến giáp, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Đó là:

  • Nếu khối u lớn, gây ảnh hưởng đến chức năng hô hấp, nuốt, thay đổi giọng nói, gây chèn ép. Kiểm tra chức năng giáp: kết quả kiểm tra cho thấy tình trạng chức năng không ổn định, có biểu hiện suy giảm chức năng thì có thể chỉ định mổ.
  • Đánh giá nguy cơ ác tính: Một số u tuyến giáp lành tính có khả năng phát triển tiềm ẩn thành ung thư nên những trường hợp này, việc mổ có thể được xem như một biện pháp phòng ngừa bệnh lý ác tính đe dọa người bệnh.

Chăm sóc vết mổ sau mổ tuyến giáp

Đường rạch da thường ở trước cổ, cách khoảng 2 khoát ngón tay so với hõm ức, có thể trùng với 1 nếp lằn cổ dưới và khi sẹo lành lại nó có thể được che dấu.

Độ lớn (chiều dài) của đường mổ phụ thuộc vào mức độ rộng của ca phẫu thuật, phụ thuộc vào kích thước khối u, kích thước tuyến giáp, có vét hạch cổ bên hay không, hoặc phẫu thuật lại,… Thông thường hầu hết chiều dài đường rạch da vào khoảng từ 4-8cm.

Cách chăm sóc vết mổ cho bệnh nhân tuyến giáp- Ảnh 2.

Vết mổ tuyến giáp có thể gây mất thẩm mỹ nếu chăm sóc không đúng cách.

Vết mổ cần được băng bằng 1 chiếc gạc sạch để đảm bảo vệ sinh tránh nhiễm trùng, bạn sẽ cần được thay băng hàng ngày sau mổ cho đến khi vết mổ khô và liền tốt. Một số trường hợp có thể cần cắt hoặc rút chỉ sau 5-7 ngày nếu khâu đóng da bằng chỉ không tiêu. Một số trường hợp được khâu đóng da bằng chỉ tiêu, nên có thể không cần cắt hoặc rút chỉ.

Khi vết mổ chưa liền hẳn, việc để nước nhất là nước không đảm bảo sạch, vô trùng thấm vào vết mổ khiến nguy cơ nhiễm trùng tăng lên, dẫn đến khó liền. Nếu bạn tắm hoặc gội đầu, hãy đảm bảo không bị ướt vào vết mổ bằng cách tránh xa nước vào vùng cổ, hoặc có thể sử dụng 1 miếng dán nilon bọc vùng cổ để không cho nước thấm vào.

Các vết sẹo thường mất 12-18 tháng để hoàn toàn trưởng thành. Hầu hết các vết sẹo trong 1 vài tháng đầu trông sẽ không đẹp do chúng có màu sẫm và nổi gồ hơn so với da thường, sau đó chúng sẽ mềm, mỏng hơn và nhạt màu hơn cho đến 9-10 tháng.

Để cải thiện tình trạng sẹo, có các cách chăm sóc như sau:

  • Vết sẹo cần được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời. Vì thế hãy bôi kem chống nắng ở tất cả các vết sẹo, đặc biệt là các sẹo mới chưa trưởng thành để ngăn chặn tia UV
  • Masage nhẹ nhàng có thể giúp làm phẳng các mô sẹo, tạo vẻ mềm mại hơn. Thông thường, sau mổ khoảng 2 tuần, bạn có thể tiến hành masage lúc này vết mổ đã liền và đã được cắt hoặc rút chỉ.
  • Laser: Những vết sẹo còn màu hồng và nổi lên có thể đáp ứng với liệu pháp laser. Ánh sáng được hấp thụ bởi các mạch máu trong sẹo và làm cho sẹo mềm hơn và nhạt màu hơn.
  • Tiêm steroid vào sẹo: Kenalog (triamcinolone) là một loại corticoid có tác dụng làm mềm và có thể giúp thu nhỏ các sẹo phì đại hoặc sẹo lồi.

Xem thêm video được quan tâm:

Dấu hiệu âm thầm khó nhận biết của bệnh suy giáp | SKĐS


BS Nguyễn Xuân
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn