Người phụ nữ mang khối u tuyến giáp 'khủng' suốt 30 năm

17-10-2023 22:05 | Y tế
google news

SKĐS - Khối u tuyến giáp có kích thước khoảng 87mm, đoạn lớn nhất là 158mm chèn ép, đẩy khí quản cổ sang một bên khiến bệnh nhân khó thở.

Tối 17/10, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho biết, đơn vị này vừa thực hiện phẫu thuật thành công cho một phụ nữ bị bướu cổ hơn 30 năm với kích thước lớn. Đây là khối u tuyến giáp bị đóng vôi bên trong gây biến dạng vùng cổ bên trái có kích thước khoảng 87mm, đoạn lớn nhất là 158mm.

Người phụ nữ mang khối u tuyến giáp 'khủng' suốt 30 năm  - Ảnh 1.

Khối u tuyến giáp của bệnh nhân L.T.K.H. Ảnh: BVCC

Đầu tháng 10/2023, bệnh nhân L.T.K.H., 58 tuổi, nhập Bệnh viện Gia Định trong tình trạng bướu to chèn ép gây cho người bệnh có cảm giác khó thở nhất là khi nằm. Bà H. đa bị bướu cổ to dần trên 30 năm, nhưng không điều trị.

Tại đây, các bác sĩ khám bệnh và chỉ định siêu âm, xét nghiệm chức năng tuyến giáp. Kết quả cho thấy người bệnh có hormon giáp tăng cao, được chẩn đoán cường giáp, đa nhân giáp thùy trái to, dùng thuốc kháng giáp và chuẩn bị cho phẫu thuật.

Sáng 12/10, bệnh nhân được chuyển lên khoa Gây mê Hồi sức để tiến hành phẫu thuật với kết quả chụp CT-scan cổ ngực ghi nhận khối bướu cổ to biến dạng vùng cổ trái, có khả năng chèn ép vào các cấu trúc xung quanh nhất là khí quản và có khả năng thòng trung thất.

BS.CKII Trần Như Hưng Việt - Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực Mạch máu – Bướu cổ Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết, để thực hiện ca phẫu thuật người bệnh có bướu giáp to này, bệnh viện đã huy động sự tham gia của các khoa: Gây mê hồi sức, Tai mũi họng và Nội hô hấp.

"Do khối u lớn nên trong quá trình gây mê, việc đặt nội khí quản là một thách thức rất lớn đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kỹ năng thành thục và cần sự phối hợp nhịp nhàng của ê-kíp", bác sĩ Hưng Việt nói.

Bệnh nhân trước và sau phẫu thuật khối u tuyến giáp khổng lồ. Ảnh: BVCC

Để đặt nội khí quản gây mê thuận lợi, bác sĩ Nội hô hấp đã chuẩn bị sẵn sàng nội soi hỗ trợ tại phòng mổ khi cần.

Sau khi đặt nội khí quản thành công, các bác sĩ thấy phần bướu giáp đa nhân thùy trái to, vôi hóa, chèn ép và đẩy lệch khí quản sang phải và thòng 1 phần xuống trung thất gây khó khăn cho quá trình bóc tách bướu, bảo tồn những cấu trúc quan trọng lân cận như thần kinh quặt ngược thanh quản, khí quản và mạch máu lớn.

Ca phẫu thuật tiến hành thành công kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ đã cắt trọn thùy trái tuyến giáp, chừa lại mô giáp lành thùy phải.

"Bệnh nhân được rút ống nội khí quản và chuyển xuống khoa Ngoại lồng ngực – Mạch máu trong đêm ngày 12/10. Kích thước khối u sau mổ có cân nặng 600gram, 84x81x158mm (ngang x trước sau x cao).

Chỉ một ngày sau mổ, người bệnh nói chuyện được to rõ, không tê tay, vết mổ khô. Bệnh nhân được xuất viện vào ngày 17/10/2023 trong tình trạng sức khỏe ổn định", bác sĩ Trần Như Hưng Việt thông tin.

Sau khi phẫu thuật cắt tuyến giáp người bệnh sẽ đối mặt với những vấn đề gì?Sau khi phẫu thuật cắt tuyến giáp người bệnh sẽ đối mặt với những vấn đề gì?

SKĐS - Khi được chẩn đoán u tuyến giáp, nhiều người lo lắng ung thư nên thường đề nghị bác sĩ phẫu thuật ngay cho "yên tâm". Tuy nhiên, theo các bác sĩ việc cân nhắc thời điểm quyết định mổ cần được tính toán kỹ lưỡng, không thể vội vàng . Bởi sau mổ cắt tuyến giáp người bệnh sẽ đối mặt với nhiều vấn đề.



Kim Vân
Ý kiến của bạn