Thông thường, các triệu chứng dị ứng thực phẩm có thể xảy ra trong vòng hai giờ sau khi ăn, từ nhẹ đến nặng:
- Nổi mề đay hoặc phát ban trên da.
- Sưng môi hoặc mí mắt.
- Ngứa miệng và cổ họng, sưng lưỡi.
- Khàn giọng, khó nuốt.
- Ho, thở khò khè hoặc khó thở
- Đau bụng, nôn, tiêu chảy
- Choáng váng hoặc mất ý thức…
Phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất với thực phẩm là sốc phản vệ. Đây là một phản ứng nguy hiểm, tiến triển nhanh chóng gây khó thở hoặc không thể thở được. Nếu không điều trị y tế kịp thời, sốc phản vệ có thể đe dọa tính mạng.
Dị ứng thực phẩm xảy ra khi cơ thể phản ứng quá mức với protein trong một số loại thực phẩm cụ thể.
1. Một số thuốc dùng trị dị ứng thực phẩm
Tùy từng trường hợp, mức độ dị ứng, có thể dùng một hoặc phối hợp các thuốc sau:
1.1 Thuốc kháng histamin H1
Các loại thuốc kháng histamin phổ biến như diphenhydramine (benadryl), chlorpheniramine (chlor-tripolon) và loratadine (claritin) được sử dụng để điều trị các triệu chứng dị ứng và ngứa.
Đối với những bệnh nhân có phản ứng nhẹ, chẳng hạn như nổi mày đay cục bộ, ngứa miệng hoặc đau bụng nhẹ, việc điều trị có thể chỉ giới hạn ở thuốc kháng histamine đường uống.
Các thuốc này hoạt động bằng cách ức chế cạnh tranh histamine ở thụ thể H1 - trung gian cho các phản ứng sưng tấy, co thắt phế quản, tiết chất nhầy, co cơ trơn, phù nề, hạ huyết áp, ức chế thần kinh trung ương và rối loạn nhịp tim.
- Diphenhydramine: Là thuốc kháng histamine thế hệ đầu tiên có tác dụng kháng cholinergic liên kết với thụ thể H1 trong hệ thần kinh trung ương và cơ thể; được sử dụng để giảm triệu chứng do giải phóng histamine trong các phản ứng dị ứng (như trong dị ứng thực phẩm).
- Cetirizine: Thuốc đối kháng thụ thể histamine H1 thế hệ thứ hai, cạnh tranh với histamine trên các tế bào tác động ở đường tiêu hóa, mạch máu và đường hô hấp. Thuốc có sẵn ở nhiều dạng bào chế qua đường uống (viên nén, chất lỏng, dạng nhai, dạng tan trong miệng) để dễ dàng sử dụng.
Tác dụng phụ: Ở trẻ em, thuốc kháng histamine có thể gây buồn ngủ hoặc có thể kích thích hệ thần kinh, gây tăng động. Do đó, không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng histamine khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Trong một số ít trường hợp, diphenhydramine (đặc biệt là dạng bôi lên da) có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng ở trẻ em, chẳng hạn như ảo giác, run và hôn mê.
Ở trẻ lớn và người lớn, thuốc kháng histamine có thể gây buồn ngủ, yếu đuối, mờ mắt, khô mũi, miệng và cổ họng, bí tiểu hoặc đau dạ dày cũng có thể xảy ra.
Nếu bạn gặp tác dụng phụ, hãy ngừng dùng thuốc và gọi cho bác sĩ.
1.2 Thuốc cấp cứu epinephrine
Epinephrine tiêm là thuốc được lựa chọn để xử lý ban đầu phản ứng phản vệ do thực phẩm gây ra, giúp giảm các triệu chứng sốc phản vệ bằng cách tăng sức cản mạch máu toàn thân, tăng huyết áp tâm trương, tạo ra sự giãn phế quản, tăng hoạt động co bóp và điều hòa nhịp tim.
Ngoài ra, epinephrine còn giúp giảm nổi mề đay, phù mạch, phù thanh quản và các biểu hiện toàn thân khác của sốc phản vệ. Các sản phẩm có sẵn dưới dạng dụng cụ tiêm tự động để giúp người chăm sóc dễ dàng hoặc tự quản lý.
Bệnh nhân phải luôn có sẵn epinephrine tự tiêm và cần được đào tạo đúng cách về cách sử dụng thuốc. Đây là một loại thuốc cấp cứu, cứu sống ngay lập tức, đảo ngược các triệu chứng sốc phản vệ.
Ngoài ra, có thể dùng phối hợp các thuốc gồm thuốc kháng histamine, thuốc giãn phế quản, thuốc chẹn histamine 2 (H2), corticosteroid và truyền dịch tĩnh mạch, glucagon và oxy. Trong trường hợp sốc phản vệ nặng, có thể cần hỗ trợ thông khí và tuần hoàn.
Trong trường hợp dị ứng nhẹ có thể dùng thuốc chống dị ứng kháng histamin H1.
1.3 Corticosteroid
Đây cũng là nhóm thuốc được sử dụng để giảm sưng nếu bạn bị dị ứng nặng. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng phụ nên người bệnh không nên tự ý dùng. Các tác dụng phụ phụ thuộc vào liều lượng, loại thuốc và thời gian điều trị, có thể bao gồm:
- Tăng cân.
- Thay đổi tâm trạng.
- Yếu cơ.
- Nhìn mờ.
- Tăng sự phát triển của lông trên cơ thể.
- Dễ bầm tím.
- Khả năng chống nhiễm trùng thấp hơn.
- Khuôn mặt sưng tấy, "sưng húp".
- Mụn.
- Loãng xương.
- Đục thủy tinh thể hoặc tăng nhãn áp.
- Giữ nước, sưng tấy…
1.4 Một số thuốc mới
Liệu pháp miễn dịch đầu tiên điều trị dị ứng đậu phộng đã được FDA phê duyệt vào năm 2020. Năm 2024, FDA đã phê duyệt loại thuốc đầu tiên (tức là omalizumab) để giảm dị ứng thực phẩm qua trung gian IgE. Omalizumab (xolair) được chỉ định để giảm phản ứng dị ứng (Loại I), bao gồm sốc phản vệ, có thể xảy ra khi vô tình tiếp xúc với thực phẩm ở bệnh nhân người lớn và trẻ em từ 1 tuổi trở lên dị ứng thực phẩm qua trung gian IgE…
2. Lưu ý khi dùng thuốc
- Nếu bị dị ứng thực phẩm, bạn cần cẩn thận tránh tất cả các loại thực phẩm và thành phần gây dị ứng.
- Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng hoặc làm theo chỉ dẫn của bác sĩ về lượng thuốc cần dùng và thời gian tiếp tục dùng thuốc. Không tự ý ngừng thuốc hoặc cắt giảm chỉ vì bạn cảm thấy khỏe hơn hoặc lo ngại về các tác dụng phụ không mong muốn.
- Nếu gặp tác dụng phụ của thuốc hãy liên lạc với bác sĩ, để có cách xử trí thích hợp, an toàn.
Dị ứng thực phẩm xảy ra khi cơ thể kích hoạt nhầm phản ứng miễn dịch với một số loại thực phẩm. Phản ứng miễn dịch hoặc phản ứng dị ứng này có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau như nổi mề đay, sưng tấy hoặc khó thở... Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể gặp phản ứng đe dọa tính mạng gọi là sốc phản vệ.
Khi biết mình bị dị ứng với loại thực phẩm nào, cách tốt nhất là tránh những loại thực phẩm cụ thể đó. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn thuốc làm giảm phản ứng phản vệ và các triệu chứng dị ứng khác.
Mời độc giả xem thêm: