Tại Quảng Ninh, Cục Khoa học, công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) và Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã tổ chức hội thảo góp ý văn bản quy phạm pháp luật về khoa học và công nghệ ngành y tế.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Trương Việt Dũng – Chủ tịch Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia cùng nhiều thầy cô giáo trong Hội đồng, các tổ chức nghiên cứu về khoa học, công nghệ y tế; các đối tác đã tham dự hội nghị diễn ra ngày 28/6.
Tại hội thảo, các địa biểu đã nghe tổng quan thực trạng hoạt động nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng và hoạt động của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học tại Việt Nam; đồng thời góp ý sửa đổi, hoàn thiện các dự thảo sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật về khoa học và công nghệ ngành y tế.
Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Ngô Quang – Quyền Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, lĩnh vực khoa học công nghệ về y tế thời gian qua đã có nhiều phát triển. Các phương pháp mới, kỹ thuật mới, công nghệ mới và thuốc mới liên tục ra đời, biến đổi.
"Tuy nhiên từ thực tiễn phòng công tác chống dịch COVID-19 cho thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho nghiên cứu khoa học công nghệ của ngành y tế vẫn còn những khoảng trống. Do vậy, rất cần phải hoàn thiện để giúp hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ được phát triển, phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân"- TS Ngô Quang nói.
Theo TS Ngô Quang, thời gian qua thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, sự định hướng và góp ý của các thầy, cô Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, Cục Khoa học, công nghệ và Đào tạo đã nỗ lực tiến hành các hoạt động tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm về nghiên cứu khoa học, công nghệ ngành y tế.
TS Quang cũng thẳng thắn cho rằng "sự nỗ lực của Cục chưa thể thúc đẩy hoạt động này nhanh có kết quả như mong muốn", do đó rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức quốc tế, y tế (hỗ trợ, ủng hộ cho công tác nghiên cứu khoa học công nghệ y tế) và các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ (các bệnh viện, viện, trường đại học) để cùng chung tay, chung sức hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm về nghiên cứu khoa học, công nghệ ngành y tế.
Thông tin tại hội thảo, Quyền Cục trưởng Nguyễn Ngô Quang cho hay, hệ thống văn bản pháp luật nghiên cứu khoa học, công nghệ ngành y tế khá rộng, tuy nhiên trước hết trong giai đoạn hiện nay cần tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản hết sức quan trọng quy định về khoa học, công nghệ y tế để làm cốt lõi cho triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi)…
Thông tin tại hội thảo cho biết, trong thời gian qua, công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và thử nghiệm lâm sàng của nhiều đơn vị ngành y tế đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận.
Thông qua việc phê duyệt đề cương nghiên cứu cho thấy các đơn vị thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam đã tham gia rất tích cực và đã được các tổ chức quốc tế tin tưởng lựa chọn là các điểm nghiên cứu.
Nhiều bệnh viện ở Việt Nam đã vượt qua các quy trình thẩm định khắt khe của các công ty dược phẩm lớn, các cơ quan, tổ chức quản lý y khoa, quản lý nghiên cứu lâm sàng uy tín (FDA, các đơn vị thanh tra độc lập...) để đạt được những yêu cầu về triển khai nghiên cứu lâm sàng, cũng như đánh giá kết quả nghiên cứu lâm sàng, từ năng lực tuyển bệnh, chất lượng dữ liệu nghiên cứu, và việc tuân thủ Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng (GCP) và các nguyên tắc đạo đức trong nghiên cứu y sinh học...
Nhiều bệnh viện ở Việt Nam đã tham gia triển khai thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm, tiến hành theo các tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm tuân thủ Thực hành lâm sàng tốt và các nguyên tắc đạo đức trong nghiên cứu y sinh học...
Thông tin tại hội thảo cho thấy, trong giai đoạn 2018-2023, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đã xét duyệt đề cương 259 thử nghiệm lâm sàng về hóa dược, đã nghiệm thu kết quả 55 đề cương; xét duyệt đề cương 16 thử nghiệm lâm sàng về vaccine, kiểm tra và giám sát 17 đề cương thử nghiệm lâm sàng về vaccine, nghiệm thu kết quả 19 đề cương;
Hội đồng cũng đã xét duyệt đề cương 14 nghiên cứu lâm sàng về y học cổ truyền, nghiệm thu 10 kết quả đề cương; xét duyệt 24 nghiên cứu lâm sàng kỹ thuật mới, phương pháp mới, nghiệm thu kết quả 10 phương pháp, kỹ thuật mới; xét duyệt đề cương 4 nghiên cứu lâm sàng về thiết bị y tế, nghiệm thu kết quả 2 nghiên cứu.huật mới, phương pháp mới…