Các biện pháp điều trị tắc tia sữa

15-05-2024 07:52 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tắc tia sữa xảy ra ở các bà mẹ trong thời kỳ hậu sản. Tắc tia sữa gây sưng và đau đớn, nghiêm trọng có thể hình thành áp xe vú, vậy có cách nào điều trị?

1. Tắc tia sữa là gì?

Tắc tia sữa là sự ứ đọng sữa trong ống dẫn sữa ở các khu vực cục bộ, dẫn đến sưng tấy mô vú. Trường hợp nặng có thể gây ra bệnh thứ phát như u nang vú, viêm vú cấp tính, áp xe vú

Nguyên nhân tắc tia sữa phổ biến nhất là do tư thế ngậm bắt vú của trẻ không đúng, hoặc mẹ mới chỉ cho bú một tư thế (ví dụ, mẹ luôn nằm để cho con bú dễ khiến ống dẫn sữa bị ép vào cơ thể gây tắc sữa). Mẹ ăn quá nhiều đồ ăn nhiều dầu mỡ sẽ làm thay đổi tỷ lệ thành phần chất béo trong sữa, dễ hình thành ứ đọng trong ống dẫn sữa. Mệt mỏi, tinh thần căng thẳng nhiều cũng rất dễ bị tắc tia sữa.

Tắc tia sữa rất phổ biến, chỉ cần được xử lý đúng cách và kịp thời thì hầu hết các mẹ đều có thể tự xử trí tại nhà.

Các biện pháp điều trị tắc tia sữa- Ảnh 1.

Tắc tia sữa gây sưng và đau đớn, nghiêm trọng có thể hình thành áp xe vú.

2. Cách điều trị tắc tia sữa

2.1 Cách giảm đau ngực

- Uống thuốc giảm đau nếu cần thiết: Tắc tia sữa gây sưng, đau. Để giảm đau có thể sử dụng thuốc giảm đau nếu cần thiết. Tốt nhất nên sử dụng thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen hoặc thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol. Hai loại thuốc này tương đối an toàn, nhưng cần sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và tránh sử dụng liều lượng lớn trong thời gian dài, tối đa là một tuần. Đồng thời cần chú ý theo dõi bé xem có dấu hiệu phản ứng bất lợi nào không, như thay đổi thói quen ăn hoặc ngủ, khóc hoặc phát ban. Nếu có dấu hiệu bất thường, ngừng dùng thuốc ngay và tham khảo ý kiến bác sĩ.

- Chườm lạnh: Chườm lạnh lên ngực sau khi cho con bú và giữa các cữ cho bú có thể giảm sưng tấy. Cẩn thận không chườm trực tiếp nước đá. Trên thị trường cũng có những loại túi chườm lạnh dạng vòng đặc biệt thích hợp cho việc cho con bú. Không mặc áo ngực quá chật hoặc có dây vì sẽ cản trở dòng sữa mẹ.

2.2 Cách thông tia sữa

Nguyên tắc quan trọng nhất sau khi tắc sữa là phải cho trẻ bú thường xuyên, cứ 2 đến 3 giờ lại cho trẻ bú càng nhiều càng tốt. Nếu không thể cho con bú, phải thường xuyên vắt sữa bằng tay hoặc dùng máy hút sữa để hút hết sữa. Một số mẹ có thể nhờ chồng "hút" giúp nhưng trên thực tế, cách bú của người lớn khác với cách bú của trẻ sơ sinh, rất có thể sẽ không hút được nhiều và sẽ khiến cơn đau trầm trọng hơn.

Thay đổi tư thế cho bú khác nhau, như nằm nghiêng, nằm ngửa nhưng hãy giữ tư thế thoải mái và đảm bảo bé ngậm vú đúng cách. Nếu trẻ không muốn bú từ vú bị tắc thì mẹ cần vắt hoặc hút sữa thường xuyên và khoảng cách giữa mỗi lần hút không quá 4 giờ để duy trì sự tiết sữa và lưu thông.

Các biện pháp điều trị tắc tia sữa- Ảnh 2.

Mệt mỏi, tinh thần căng thẳng nhiều cũng rất dễ bị tắc tia sữa, nên bà mẹ cần nghỉ ngơi hợp lý.

Trước khi cho con bú hoặc hút sữa, có thể sử dụng các phương pháp sau để kích thích phản xạ tiết sữa và giúp sữa chảy ra:

- Tiếp xúc da kề da với trẻ (đặt trẻ lên ngực mẹ): Nếu trẻ không muốn bú vú bị tắc thì hãy cho trẻ bú vú không bị tắc trước. Khi sữa bắt đầu chảy, hãy cho trẻ chuyển sang vú bị tắc.

- Massage ngực nhẹ nhàng nhưng không quá mạnh: Massage mạnh khi tắc sữa không những không thúc đẩy tiết sữa mà còn làm tổn thương vú và mô bạch huyết, trường hợp nặng có thể dẫn đến viêm vú mủ.

- Dùng khăn nóng chườm nóng lên ngực vài phút trước khi cho con bú, tránh chạm vào núm vú. Điều này có thể thúc đẩy quá trình tạo sữa và đẩy nhanh quá trình tiết sữa. Tránh chườm quá lâu và quá nóng sẽ làm tăng tình trạng sưng tấy. Cũng cần lưu ý, nếu sau khi chườm nóng mà không cho bú, tình trạng tắc sữa có thể sẽ trầm trọng hơn.

3. Lưu ý gì khi bị tắc tia sữa

- Để hạn chế tắc tia sữa, mẹ nên học cách cho con bú đúng cách, bao gồm tư thế cho con bú đúng và thói quen cho con bú. Cho trẻ bú thường xuyên, có thể sử dụng máy hút sữa để hút hết sữa còn đọng lại trong ngực.

- Đảm bảo nghỉ ngơi, cung cấp đủ nước và dinh dưỡng là những biện pháp hỗ trợ quan trọng. Gia đình cũng nên hỗ trợ nhiều hơn vào thời điểm này, giúp chia sẻ việc nhà. Cảm xúc có thể ảnh hưởng đến cơ thể. Nếu người mẹ luôn thức khuya khi cho con bú, hoặc thần kinh căng thẳng kéo dài, khả năng bài tiết của cơ thể sẽ bị rối loạn, dễ bị tắc sữa hơn. Vì vậy, điều quan trọng là mẹ phải có thời gian nghỉ ngơi hợp lý và duy trì tâm trạng vui vẻ.

- Khi sử dụng các phương pháp kể trên mà tình trạng tắc tia sữa không cải thiện sau 24 giờ hoặc các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn và có các triệu chứng giống cảm lạnh như sốt, mệt mỏi bất thường, cảm thấy có cục u rất đau, đỏ và sưng tấy… cần phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt để điều trị cho phù hợp.

- Nếu nhiệt độ cơ thể > 38,5 độ C, có thể đã xuất hiện nhiễm trùng do vi khuẩn. Lúc này cần xét nghiệm máu và điều trị bằng kháng sinh thích hợp. 

Các triệu chứng đỏ và sưng cục bộ ở vú không được điều trị đúng cách có thể hình thành áp xe vú. Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể phải phẫu thuật.

Một số người khuyên các bà mẹ bị tắc nghẽn tiết sữa tái phát nên bổ sung lecithin bằng đường uống, vì về mặt lý thuyết, nó có thể làm thay đổi độ đặc của sữa, khiến sữa ít có khả năng làm tắc ống dẫn sữa. Tuy nhiên tác dụng của việc bổ sung lecithin chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Giúp mẹ thoát khỏi nỗi khổ tắc tia sữaGiúp mẹ thoát khỏi nỗi khổ tắc tia sữa

SKĐS - Tắc tia sữa (tắc tuyến sữa) bản chất là tình trạng ứ đọng sau khi sữa được sản xuất ra nhưng không được giải thoát ra ngoài tại vú của mẹ nuôi con. Nếu tình trạng này không được giải quyết sẽ dẫn đến viêm, áp xe vú làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Tắc tia sữa, áp xe vú có ảnh hưởng đến lần mang thai sau?


BS. Nguyễn Thanh Sang
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn