Theo tìm hiểu, ngày 11/11/2023, UBND TP Huế (Thừa Thiên Huế) ban hành Quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình Khơi thông kênh (hói) Phát Lát.
Công trình có tổng mức đầu tư hơn 5,6 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế làm chủ đầu tư. Mục tiêu nhằm khơi thông dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chỉnh trang đô thị xung quanh khu vực hai bên hói Phát Lát.
Các hạng mục triển khai gồm vớt rác, bèo, phát quang cây dại lòng hói và hai bên bờ hói. Nạo vét toàn bộ lòng hói từ cửa vào tại sông An Cựu đến cửa ra tại sông Như Ý với chiều dài 1.746km… và sửa chữa các vị trí mái kè bị hư hỏng.
Tuy nhiên, đầu tháng 4/2024, khi triển khai việc nạo vét, đơn vị thi công cho phương tiện vận chuyển bùn thải từ hói Phát Lát lên đổ tại khu vực hồ nước thuộc thôn Bằng Lãng, xã Thủy Bằng (TP Huế). Bùn thải được đổ xuống hồ khiến nhiều người lo ngại gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.
Có mặt tại khu vực đổ thải, theo ghi nhận của phóng viên, một lượng lớn bùn thải được đổ thẳng xuống ao hồ ngay bên cạnh đường giao thông có nhiều người và phương tiện đi lại. Cạnh đó, một số hộ dân còn sử dụng hồ nước để nuôi ếch lồng và thả cá.
Theo biên bản làm việc giữa các cơ quan chức năng TP Huế và chủ đầu tư công trình, khu vực đổ bùn thải là khu vực Bàu Năng (thôn Bằng Lãng) có sức chứa khoảng 56.000 m³ do UBND xã Thủy Bằng quản lý. Khu đất này hiện đang bỏ trống, do địa hình trũng sâu tạo thành hố nước.
Ngoài ra, theo Quyết định 1202/QĐ-UBND ngày 21/5/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt và công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, khu vực Bàu Năng không thuộc danh mục niêm yết.
Do đó, chủ đầu tư công trình đề xuất vị trí trên làm bãi đổ bùn thải của dự án Khơi thông hói Phát Lát, với khối lượng bùn đổ thải ước khoảng 11.000 m³.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Quốc Khánh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế cho biết, bùn nạo vét đã được lấy mẫu trước khi phê duyệt dự án. Kết quả không phải chất thải nguy hại nên được thành phố thống nhất cho đổ tại vị trí địa phương đề xuất ở xã Thủy Bằng.
"Trình tự thực hiện dự án cũng như vị trí đổ thải đều tuân thủ các quy định của pháp luật", ông Khánh nói.
Cơ quan chức năng đang tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm, yêu cầu tạm dừng việc đổ thải.
Theo ông Khánh, hiện nay việc triển khai đang phải tạm dừng để các cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu kiểm chứng lại một lần nữa trước khi tiếp tục thực hiện. Khoảng tầm sau 10 ngày sẽ có kết quả nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ dự án.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Phước Bình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngay khi nắm được thông tin, đơn vị có văn bản yêu cầu UBND TP Huế tiến hành kiểm tra, rà soát.
"Lực lượng cảnh sát kinh tế cũng như Sở TN&MT tiến hành lấy mẫu thải để đi kiểm nghiệm. Do thời gian gửi mẫu đi các nơi nên mất khoảng 10 ngày để có kết quả. Nếu kết quả ở mức cho phép đơn vị tiếp tục được phép đổ thải", ông Bình nói.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT, khu vực tiến hành đổ thải nằm trong phạm vi quy hoạch cây xanh, đã được phê duyệt.
Trước đó, Báo Sức khỏe & Đời sống phản ánh, kênh (hói) Phát Lát nối sông An Cựu và sông Như Ý (thuộc phường An Đông và Xuân Phú, TP. Huế) dài hơn hơn 2km có vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt đối với nhiều hộ dân sống hai bên bờ. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, con hói này xuất hiện tình trạng ô nhiễm, bốc mùi hôi thối gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân sinh sống hai bên bờ.
Để đánh giá chất lượng nước hói Phát Lát, năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành khảo sát thực địa đồng thời lấy 5 mẫu nước mặt để đo đạc, phân tích. Kết quả cho thấy, chất lượng nguồn nước mặt tại hói Phát Lát có 2 thông số Amoni và Coliform vượt quy chuẩn.