Thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị di sản đặc trưng
Ngày 6/4, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức "Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung đô thị đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và xúc tiến đầu tư năm 2024". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn và các ý kiến góp ý đã tạo điều kiện cho tỉnh hoàn thành việc lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Theo ông Phương, hai quy hoạch này có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, tạo hành lang pháp lý trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế xã hội nhanh, toàn diện và bền vững tạo không gian phát triển mới, khơi thông nguồn lực và khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh khác biệt của tỉnh.
Qua đó, từng bước tháo gỡ những "điểm nghẽn", giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo quy hoạch vừa ban hành, tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu. Đồng thời là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, nhằm hiện thực hóa mục tiêu và tầm nhìn quy hoạch, Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư là sự tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
"Đây là dịp tỉnh công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch để các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng phát triển của tỉnh cũng như tiếp tục đóng góp, đề xuất, kiến nghị, giúp đỡ tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển trong tương lai và để người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện", ông Phương nhấn mạnh.
"Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững"
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng các cơ quan Trung ương, địa phương đã phối hợp tận tình, chu đáo hội nghị "3 trong 1" gồm công bố Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế và xúc tiến đầu tư của tỉnh. Thể hiện tầm nhìn phát triển Thừa Thiên Huế được xây dựng một cách bài bản, lớp lang, chiến lược và dài hạn và sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần chú trọng 3 yếu tố quan trọng về tư tưởng chủ đạo trong công tác quy hoạch. Thứ nhất, luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần.
Thứ hai, xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và nhân dân.
Thứ ba, quy hoạch phải phù hợp với xu thế phát triển của các ngành, lĩnh vực, vùng, đất nước, thế giới.
Thủ tướng cũng chỉ ra 5 nhiệm vụ của công tác quy hoạch cần tập trung thực hiện. Theo đó, tìm ra và phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh (để khai thác hiệu quả, thu hút nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững). Phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, thách thức… để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục. Xây dựng danh mục các dự án, chương trình để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Huy động nguồn lực thực hiện (Nhà nước, xã hội, hợp tác công tư, bên trong-bên ngoài); nguồn lực của tỉnh phải gắn với nguồn lực của vùng, nguồn lực của vùng phải gắn với nguồn lực quốc gia, nguồn lực quốc gia phải gắn với nguồn lực quốc tế. Tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Về triển khai các quy hoạch Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh". Đồng thời nêu ra 5 năm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế phải đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Tỉnh cần tập trung phối hợp với bộ, ngành hoàn thành thủ tục về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục giám sát, phối hợp thực hiện hiệu quả quy hoạch; tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp; phối hợp, hỗ trợ hiệu quả, đồng bộ với địa phương; cùng địa phương, cùng cả vùng phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện quy hoạch.
Thủ tướng đánh giá tóm tắt Quy hoạch Thừa Thiên Huế trong 13 chữ: Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững.
* Chiều cùng ngày, tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành trung ương dự lễ khởi công cảng Vsico Huế (bến số 4 và 5).
Dự án Đầu tư xây dựng bến tổng hợp – container số 4 và số 5 cảng Vsico Chân Mây do Công ty CP Hàng hải Vsico (Hà Nội) làm chủ đầu tư, diện tích sử dụng đất và mặt nước khoảng 26,3ha, trong đó mặt nước khoảng 5,9ha, tổng kinh phí đầu tư gần 1.680 tỷ đồng.
Cảng Vsico Chân Mây đặt mục tiêu xây dựng bến số 4, bến số 5 có hạ tầng cầu cảng, kho, bãi, trang thiết bị đảm bảo điều kiện cung cấp dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, lưu kho bãi, vận tải hàng hóa và các dịch vụ liên quan đến vận tải, dịch vụ hỗ trợ…
Xây dựng 2 cầu cảng cho tàu hàng tổng hợp/container với tổng chiều dài 540m cùng kho, bãi, hạ tầng kỹ thuật, máy móc thiết bị đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 70.000 tấn, tàu container đến 4.000 TEUS. Dự kiến, dự án hoàn thành, đưa vào hoạt động trong 24 tháng kể từ ngày khởi công.
Tại lễ khởi công, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, cảng Chân Mây, thuộc khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng, là cảng biển tổng hợp Quốc gia, đầu mối khu vực và là cảng nước sâu, điểm cuối tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây…, hội đủ các điều kiện, tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như cả nước.
"Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay, cảng Chân Mây đã vượt công suất thiết kế 50% (năng lực thiết kế 4 triệu tấn/năm nhưng thực tế khai thác 6 triệu tấn/năm). Với mức tăng trưởng bình quân hàng năm 25%, theo dự báo và quy hoạch đến năm 2025, phải phát triển từ 5 cầu cảng đến 7 cầu cảng với tổng chiều đến 1.930m, năng lực thông qua từ 7,5 triệu tấn đến 13,8 triệu tấn.
Do vậy, việc đầu tư xây dựng bến số 4 và số 5 Cảng Vsico Chân Mây là hết sức cấp thiết và là bước chuẩn bị kịp thời để đón đầu cơ hội, tiếp nhận lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển ngày càng gia tăng trong các năm tiếp theo", ông Hoàng Hải Minh nhấn mạnh.