Bí quyết cải thiện hệ tiêu hóa, hấp thu tối đa dưỡng chất ở người lớn

12-11-2018 09:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Nhiều người cứ mặc định rằng chán ăn chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ, nhưng trên thực tế, chán ăn có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào kể cả người lớn, tuổi thanh thiếu niên. Thông tin trên được chia sẻ tại buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề: "Giải pháp thúc đẩy tiêu hóa, hấp thu tối đa dưỡng chất ở người lớn" do Báo điện tử Sức khỏe&Đời sống tổ chức.

Hậu quả của tình trạng ăn không ngon, chán ăn, rối loạn hấp thu kéo dài ở người lớn là rất nguy hiểm. Khi cơ thể không được hấp thụ đầy đủ dưỡng chất cần thiết thì mọi hoạt động của các cơ quan, bộ phận đều bị ảnh hưởng. Chán ăn ở người lớn còn khiến cơ thể không được hấp thu, nhận đủ dinh dưỡng thiết yếu để nuôi dưỡng cơ thể và ngăn cản sự tấn công của bệnh tật cũng như quá trình lão hóa tự nhiên… Điều này sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh mạn tính, thúc đẩy tốc độ quá trình lão hóa nhanh. Vì vậy, việc cải thiện hệ tiêu hóa, hấp thu tối đa dưỡng chất ở người lớn cũng rất quan trọng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng- Nguyên Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, cuộc sống hiện đại, áp lực công việc nhiều thứ lo toan khiến chúng ta dễ bị căng thẳng, stress. Những hậu quả kéo theo là tình trạng mất ngủ, tinh thần bất ổn, cơ thể mệt mỏi cho nên ăn không ngon thậm chí không buồn ngó đến thức ăn. Đó cũng chính là lý do tình trạng chán ăn xảy ra.

Thói quen ăn uống thất thường, chán ăn, ăn thiếu dinh dưỡng, ít ăn vặt, không thích ăn đồ béo, ngọt thì cơ thể sẽ không được cung cấp đủ năng lượng nên dễ gầy. Lười vận động khi khả năng chuyển hoá cũng như hấp thụ thức ăn của cơ thể quá thấp, cộng thêm việc nhiều người ngại vận động sẽ càng làm cho quá trình hấp thụ và chuyển hoá thức ăn trở nên kém hơn.

Một số người mắc các bệnh lý liên quan tới đường tiêu hoá (như đau dạ dày, viêm loét dạ dày...) hay những căn bệnh rối loạn chuyển hoá nội tiết (basedown, tiểu đường…)... Tất cả điều này làm cơ thể suy nhược dẫn tới tình trạng kém hấp thu, chán ăn ở người lớn.

Cần ăn đa dạng và đầy đủ để cung cấp vitamin cần thiết cho cơ thể.

Thực đơn để hấp thu tối đa dưỡng chất

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hiện nay người trưởng thành có thể dễ dàng lên thực đơn trong đó mức tiêu thụ thực phẩm cho một người trong ngày gồm: ngũ cốc, gạo, cá trứng sữa, đậu đỗ, rau sẫm màu, các loại quả có màu vàng, rau có màu khác. Ngoài ra, việc uống đủ nước cũng rất quan trọng cho hệ tiêu hóa. Trên tháp dinh dưỡng với mỗi nhóm thực phẩm người trưởng thành nên ăn bao nhiêu, lấy số lượng đơn vị ăn và trọng lượng sẽ ra số lượng mình ăn hàng ngày.

Với người trưởng thành muốn tăng cân cần phải ăn nhiều hơn, để bổ sung lượng ăn nhiều hơn trong 3 nhóm sinh năng lượng: đạm, bột đường và béo. Nhưng nếu tăng đạm thì người gầy khó tiêu hơn, cho nên người gầy không nên tăng từ đạm. Nên chọn chất bột đường là cơm gạo bánh mì, khoai, vừa dễ ăn lại dễ tiêu hóa với người gầy. Những người gầy thì hệ tiết dịch tuyến tiêu hóa khó khăn hơn. Muốn tăng cân ăn tăng lên nhóm bột đường. Nhóm thực phẩm thứ 2 nên ăn tăng là nhóm chất béo ví dụ: thịt băm lên và sốt với dầu. Chúng ta tiêu thụ nhiều hơn ở hai nhóm này vì thức ăn dễ tiêu hóa hơn, nhanh chóng đi khỏi dạ dày.

Ngoài ra đối với người gầy ăn tăng các nhóm rau, nhưng nên chọn các loại rau mềm, dễ tiêu, không nên chọn măng hay rau bí. Những thức ăn này làm cho khả năng tiêu hóa của người gầy khó hơn. Người gầy khả năng tiết dich kém, vận động của hệ tiêu hóa kém hơn so với người khỏe mạnh thì phương pháp lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm cần được chú trọng, PGS.TS Mai nhấn mạnh.

Trên thực tế, những người ăn không ngon, chán ăn muốn cải thiện tình trạng này thì phải tìm nguyên nhân dẫn đến chán ăn. Việc bổ sung dưỡng chất cũng như là cải thiện chế độ ăn thêm vào bữa ăn là chúng ta chỉ giải quyết hậu quả. Nhưng điều quan trọng nhất là điều trị nguyên nhân, nguyên nhân của chán ăn có thể do trên đường tiêu hóa có thể ngoài đường tiêu hóa. Nếu trên đường tiêu hóa thì ta phải chữa bệnh. Tại Việt Nam ngoài các bệnh về đường tiêu hóa gây chán ăn còn có bệnh về đường khoang miệng, ví dụ như sâu răng, nếu bị sâu ăn khiến ăn nhai bị ảnh hưởng, nhai không ngon. Vì vậy khi mà chán ăn thì việc khám bệnh để biết chán ăn là do nguyên nhân gì thì sẽ cải thiện chứng chán ăn từ nguyên nhân đó - PGS.TS Mai chia sẻ.

Khi nào cần khám?

Rất nhiều người ăn không ngon, chán ăn, rối loạn tiêu hóa thường băn khoăn có cần đi khám không?. PGS.TS Hồng cho rằng, nếu chán ăn, ậm ạch, không muốn ăn trong một vài ngày thì không phải đi khám nhưng nếu các biểu hiện chán ăn kèm theo các dấu hiệu sụt cân, rối loạn tiêu hóa (táo bón, ậm ạch) hoặc trên da xuất hiện dấu hiệu giãn mạch, vàng da, mắt vàng.. thì cũng cần đi khám.

Nói chung, ăn không ngon, chán ăn rối loạn hấp thu rất phức tạp, vì vậy ngoài nỗ lực cải thiện chế độ dinh dưỡng của bản thân, người bệnh nên đi khám tổng thể để được chẩn đoán chính xác và điều trị theo căn nguyên cụ thể, sẽ cho kết quả tốt hơn - các chuyên gia khuyến cáo.


Khánh Mai
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Tags: