Ngày 19/9, các nhà khoa học nghiên cứu lý do vì sao vỏ chuối lại trơn khi bị dẫm lên đã giành được một trong những giải Ig Nobel 2014, giải thưởng được cho là “ăn theo” giải Nobel dành cho những phát minh khoa học tuy rất buồn cười và nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng cũng đáng suy ngẫm nhất.
Giải Ig Nobel vật lý năm nay thuộc về nhóm nghiên cứu của nhà khoa học Kiyoshi Mabuchi (đại học Kitasato Nhật Bản) khi họ đã kỳ công tính toán lực ma sát trên vỏ chuối, một loại "vũ khí nguy hiểm" đối với những người dẫm phải, trong phòng thí nghiệm và lý giải tại sao vỏ táo hay cam lại không nguy hiểm đến thế.
Giải Ig Nobel với độ nổi tiếng không thua kém gì giải Nobel thực này được tổ chức hằng năm tại Đại học Harvard, Mỹ. Giải thưởng do tạp chí khoa học hài Annals of Improbable Research trao này thoạt đầu có vẻ buồn cười, nhưng khi suy ngẫm sâu hơn, bạn sẽ thấy nhiều điều thú vị.
Các nhà khoa học Nhật Bản đạt giải Ig Nobel lần này rất quan tâm đến việc lực ma sát và sự bôi trơn ảnh hưởng như thế nào đến các chi của chúng ta. Chất gel đầy trơn trượt mà họ phát hiện ra trong vỏ chuối cũng là thứ được tìm thấy trong màng nhầy ở các khớp xương con người.
Với nghiên cứu này, nhà khoa học Kiyoshi Mabuchi cho rằng nó sẽ giúp họ thiết kế ra một loại khớp chân tay giả mới linh hoạt hơn.
Giải Ig Nobel về khoa học thần kinh thuộc về nhóm nghiên cứu bộ não của những người từng nhìn thấy mặt của Chúa Jesus trên các lát bánh mì nướng.
Nhà nghiên cứu Kang Lee thuộc Đại học Toronto, Canada và các đồng nghiệp đã trưng những bức ảnh bị nhiễu, giống như màn hình của một chiếc tivi cổ lổ sĩ, cho các đối tượng nghiên cứu xem và để họ đánh giá xem bức ảnh đó thể hiện điều gì.
Tuy cùng một bức ảnh, nhưng nhiều người lại cho ra những nhận định khác nhau, giống như việc một số người nhìn thấy mặt chúa Jesus trên miếng bánh mì cháy sém, và đây là một hiện tượng tâm lý gọi là hiện tượng pareidolia.
Bằng cách chụp ảnh cộng hưởng từ, Lee và các đồng nghiệp nhận thấy một bộ phận trên não của chúng ta sáng lên khi nhìn thấy những gương mặt “không tồn tại” này. Nhóm nghiên cứu giải thích rằng khả năng nhìn ra những gương mặt trên các bức ảnh “nhiễu” này là bản năng của con người, và thậm chí tinh tinh cũng làm được.
Ông Lee cho rằng việc nhìn thấy mặt người nào trên những bức ảnh “nhiễu” đó tùy thuộc vào tín ngưỡng hay kỳ vọng của chúng ta, và người theo đạo Phật sẽ có thể không nhìn thấy mặt Chúa Jesus trên bánh mì mà sẽ nhìn thấy gương mặt của Đức Phật.
Đây là giải Ig Nobel lần thứ 24 được tổ chức, và buổi lễ này ngày càng được diễn ra với quy mô lớn hơn, hoành tráng hơn, trong khi ngày càng có nhiều nhà khoa học bỏ công sức nghiên cứu để đạt mục tiêu giành giải Ig Nobel, với khoảng 9.000 đề cử một năm.