Bệnh viện Nội tiết Nghệ An điều trị hiệu quả đau thắt lưng trên bệnh nhân đái tháo đường

03-06-2024 12:10 | Y tế

SKĐS - Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng đến tất cả các thành phần của hệ thống cơ quan vận động: cơ, xương và mô liên kết. Giống như tất cả các bệnh mãn tính khác, bệnh cơ xương khớp ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người đái tháo đường.

Bệnh viện Nội tiết Nghệ An điều trị hiệu quả đau thắt lưng trên bệnh nhân đái tháo đường- Ảnh 1.

Sử dụng phương pháp điện châm điều trị cho bệnh nhân tại Khoa YHCT-PHCN Bệnh viện Nội tiết Nghệ An.

Hàng ngàn bệnh nhân bị đau lưng do biến chứng ĐTĐ được điều trị

Bệnh nhân Nguyễn Quốc Th. (65 tuổi, ở Thị xã Cửa Lò, Nghệ An), bị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) đã 24 năm, bị biến chứng dẫn đến đau lưng, đau vai gáy, tê buốt chân tay. Điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, ông Thuận đã được các y bác sĩ khoa YHCT – PHCN cho dùng thuốc cũng như xoa bóp bấm huyệt, thực hiện điện châm, thủy châm, điện xung, tập vận động, đạp xe đạp… Sau một thời gian điều trị, hiện tại các triệu chứng đau lưng, vai gáy của bệnh nhân Th. đã thuyên giảm, ông được xuất viện về nhà.

Bệnh nhân Th. chia sẻ: "Tôi mắc bệnh ĐTĐ đã lâu, nay bị biến chứng. Sau một thời gian điều trị phục hồi chức năng ở đây, được các thầy thuốc chăm sóc tận tình, nay bệnh đã thuyên giảm nhiều. Trước đây, khi chưa được điều trị, trong sinh hoạt hàng ngày tôi gặp rất nhiều khó khăn, nay mọi thứ đã trở lại như cũ. Tôi cảm ơn các thầy thuốc nhiều lắm."

Tương tự, bệnh nhân Nguyễn Thị D. (60 tuổi, ở xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) cũng bị biến chứng thần kinh do ĐTĐ. Khi bị bệnh, mọi sinh hoạt thường ngày hết sức khó khăn vì đau lưng, vai gáy. Sau một thời gian được các thầy thuốc áp dụng các phương pháp thủy châm, điện châm, xoa bóp, tập vận động phục hồi chức năng, nay đã ổn định và được xuất viện.

Bệnh nhân D. chia sẻ: "Khi bị bệnh, có lúc tôi tưởng đã mất hết hy vọng, vì trong sinh hoạt hàng ngày rất khó khăn, mọi việc đều nhờ cả vào chồng con, anh em. Nay được điều trị, sức khỏe đã ổn định, mọi sinh hoạt đã trở lại bình thường như trước".

Bệnh viện Nội tiết Nghệ An điều trị hiệu quả đau thắt lưng trên bệnh nhân đái tháo đường- Ảnh 2.
Bệnh viện Nội tiết Nghệ An điều trị hiệu quả đau thắt lưng trên bệnh nhân đái tháo đường- Ảnh 3.

Bác sĩ CKI Lê Đình Phương - Trưởng khoa YHCT-PHCN, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An thực hiện châm cứu cho bệnh nhân.

Trước đây, các bệnh nhân đái tháo đường sau khi điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An phải đi thực hiện phục hồi chức năng ở các đơn vị chuyên khoa Y học cổ truyền khác. Điều này không chỉ làm tăng chi phí mà còn gây nhiều khó khăn cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của Đảng ủy và Ban Giám đốc bệnh viện, các y bác sĩ đã được cử đi học chuyên ngành về Y học cổ truyền. Đồng thời, việc thành lập khoa YHCT – PHCN đã được thực hiện, cho phép bệnh nhân được điều trị phục hồi chức năng ngay tại bệnh viện. Nhờ đó, các bệnh nhân bị biến chứng cơ xương khớp, đau thắt lưng, vai gáy, tê bì tay chân… đã không còn phải di chuyển đến các cơ sở y tế chuyên ngành YHCT để điều trị tiếp. Điều này giúp giảm chi phí và công sức, tạo thuận lợi lớn cho bệnh nhân.

Theo báo cáo của Bệnh viện Nội tiết Nghệ An, số lượng bệnh nhân ĐTĐ type 2 điều trị đau lưng bằng các phương pháp YHCT – PHCN tăng đáng kể. Trong năm 2023, có 940 bệnh nhân ĐTĐ type 2 điều trị đau lưng. Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2024, số lượng bệnh nhân ĐTĐ type 2 đau lưng điều trị bằng các phương pháp YHCT – PHCN là 530 bệnh nhân , tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2023.

Mối quan hệ giữa Đái tháo đường và đau thắt lưng

Trao đổi với Bác sĩ CKI Lê Đình Phương - Trưởng khoa YHCT-PHCN, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An cho biết, đái tháo đường (ĐTĐ) là một căn bệnh mãn tính với những tác động sâu rộng không chỉ ảnh hưởng đến chuyển hóa đường mà còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho các hệ cơ quan khác. Trong số đó, đau thắt lưng là một biến chứng phổ biến và gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Đái tháo đường ảnh hưởng đến tất cả các thành phần của hệ thống cơ quan vận động bao gồm cơ, xương và mô liên kết. Một nghiên cứu lớn ở Mỹ với hơn 5000 người tham gia đã chỉ ra rằng, bệnh nhân đái tháo đường type 2 có nguy cơ bị đau thắt lưng cao gấp 1,39 đến 2,1 lần so với người bình thường. Điều này có thể liên quan đến việc kiểm soát lượng đường máu kém trong thời gian dài, dẫn đến tổn thương xương và các dây thần kinh, từ đó làm tăng tần suất đau cơ xương khớp, đặc biệt là ở vùng thắt lưng.

Cơ chế bệnh sinh

Người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao bị đau và suy yếu cơ xương do rối loạn chuyển hóa. Cơ chế chính được quan sát thấy là sự hình thành các sản phẩm cuối glycation tiên tiến không gây dị ứng (AGEs) và thụ thể AGE (RAGE) trong các cấu trúc giàu collagen. Ở người mắc bệnh đái tháo đường, nồng độ glucose cao thúc đẩy sự hình thành AGEs với tốc độ nhanh hơn, tích lũy nhiều hơn và dẫn đến các biến đổi cấu trúc, khiến mô gân, dây chằng và da trở nên dày hơn, cứng hơn, kém đàn hồi và dễ tổn thương.

Bệnh viện Nội tiết Nghệ An điều trị hiệu quả đau thắt lưng trên bệnh nhân đái tháo đường- Ảnh 4.

Cơ chế hình thành glycation tiên tiến không gây dị ứng (AGEs).

Đau Cột sống thắt lưng theo Y học hiện đại

Đau cột sống thắt lưng là bệnh lý thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do cơ học như căng giãn cơ, dây chằng quá mức, thoái hóa đĩa đệm cột sống, thoát vị đĩa đệm hoặc các bệnh lý mãn tính như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, nhiễm khuẩn, ung thư. Ngoài ra, các yếu tố tâm lý như stress cũng góp phần gây ra đau lưng.

Chẩn đoán và điều trị

Chẩn đoán đau thắt lưng dựa vào triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, có thể bao gồm thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAIDs), thuốc giãn cơ và các phương pháp phục hồi chức năng như vật lý trị liệu, tập luyện thay đổi lối sống và trong một số trường hợp, phẫu thuật.

Đau cột sống thắt lưng theo Y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền (YHCT), đau thắt lưng thuộc chứng Yêu thống, có quan hệ mật thiết với tạng thận. Nguyên nhân có thể do ngoại nhân như hàn thấp, thấp nhiệt hoặc nội thương do can thận hư.

YHCT chia đau lưng thành các thể khác nhau như thể hàn thấp, thể thấp nhiệt, thể huyết ứ, thể can thận hư, thể thận dương hư. Với mỗi thể, tùy tình trạng bệnh lý, thầy thuốc kê đơn bài thuốc cổ phương, đối pháp lập phương hoặc các thành phẩm thuốc cổ truyền phù hợp. Các phương pháp điều trị không dùng thuốc như xoa bóp bấm huyệt, điện châm, thủy châm, hồng ngoại cũng được áp dụng để tăng hiệu quả điều trị.

Bệnh viện Nội tiết Nghệ An điều trị hiệu quả đau thắt lưng trên bệnh nhân đái tháo đường- Ảnh 5.

Thực hiện kéo giãn cột sống cho bệnh nhân.

Phương pháp điều trị kết hợp YHCT và YHHĐ

Bệnh viện Nội tiết Nghệ An áp dụng phương pháp kết hợp giữa YHCT và YHHĐ để điều trị đau thắt lưng cho bệnh nhân đái tháo đường. Các phương pháp YHCT bao gồm xoa bóp bấm huyệt, điện châm, thủy châm, kéo giãn cột sống, cùng với các bài thuốc cổ phương và nghiệm phương. Các phương pháp YHHĐ như dùng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, giãn cơ và vật lý trị liệu cũng được áp dụng song song.

Hiệu quả điều trị

Phương pháp điều trị kết hợp này không chỉ giúp giảm đau mà còn cải thiện chức năng vận động, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Sự tăng lên về số lượng bệnh nhân điều trị và kết quả tích cực từ các liệu trình đã chứng minh tính hiệu quả và cần thiết của việc kết hợp điều trị giữa YHCT và YHHĐ.

Đau thắt lưng là một biến chứng phổ biến và gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của người bệnh đái tháo đường. Việc hiểu rõ cơ chế bệnh sinh và áp dụng các phương pháp điều trị kết hợp giữa YHCT và YHHĐ đã mang lại hiệu quả tích cực trong điều trị. Thực trạng tại Bệnh viện Nội tiết Nghệ An cho thấy, việc tăng cường sử dụng các phương pháp YHCT và PHCN là hướng đi đúng đắn, giúp nâng cao chất lượng điều trị và cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân đái tháo đường.

Lời khuyên của bác sĩ

Để tránh tái phát đau vùng thắt lưng: làm việc đúng tư thế, đặc biệt tư thế đúng khi mang vật nặng. Nếu phải hoạt động ở tư thế ngồi hoặc đứng lâu, phải luôn giữ cho cột sống ở tư thế thẳng. Cần thay đổi tư thế mỗi 20 đến 30 phút một lần, tránh ngồi cúi gập về trước hoặc lệch vẹo về một bên. Tập thể dục thường xuyên. Đảm bảo chế độ ăn đủ calci và vitamin D. Giảm cân nếu thừa cân. Dự phòng loãng xương ở người có nguy cơ cao.

6 tư thế yoga giúp giảm đau lưng và cứng khớp6 tư thế yoga giúp giảm đau lưng và cứng khớp

SKĐS - Đau lưng và cứng khớp rất thường gặp. Một số tư thế yoga có thể giúp giảm thiểu và phòng ngừa tình trạng này.


Khánh Tâm
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn