Năm 1998, nhóm chuyên gia điều tra đa dạng sinh học đã phát hiện cây Sa mu dầu cổ thụ có đường kính 5,5 m, cao khoảng 40 - 50 m ở thượng nguồn khe Bu nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An). Cây được công nhận là cây di sản Việt Nam. Đây cũng là cây Sa mu dầu lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Theo thông tin khoa học Sa mu hay Sa mu dầu có tên là Cunninghamia konishii Hayata, thuộc họ Hoàng đàn (Cupressaceae). Ở Nghệ An, nó còn có tên gọi khác là Lông Lênh hay còn miền Bắc gọi là Ngọc Am.
Cây Sa mu chủ yếu phân bố trong những cánh rừng nguyên sinh chạy dọc biên giới Việt – Lào, khu vực hỗn giao giữa cây lá rộng và cây lá kim, với độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, và là nơi có độ dốc từ 12 độ đến 40 độ.
Theo thông tin các nhà khoa học đã công bố, đặc điểm sinh thái của loài cây này là thân cây to, có thể cao đến hơn 50m, có cây lên tới 70m, đường kính thân có thể đạt tới 4-5m, tán lá hình tháp. Lá sa mu mọc xoắn ốc rất dày đặc, có gốc vặn, do đó xếp ít nhiều thành 2 dãy.
Tại Nghệ An, nơi có Khu Dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây được công nhận vào tháng 9/2007, với tổng diện tích 1.303.285 ha; là hành lang xanh kết nối 3 vùng lõi gồm: Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt là nơi có nhiều cây Sa mu lớn được xác định, kiểm đếm và bảo vệ nghiêm ngặt.