“Báo động đỏ”: Siêu cấp cứu thắng tử thần

04-09-2015 11:03 | Thời sự
google news

SKĐS - Bé trai bị đâm xuyên não, Tính mạng bé sơ sinh văng khỏi bụng mẹ sau tai nạn giao thông, hai anh em bị kẻ tâm thần đâm nhiều nhát... có lẽ đã nằm trong tay thần chết nếu như không có quy trình "Báo động đỏ" của Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM...

Vậy quy trình "Báo động đỏ" thực sự là quy trình gì? Phóng viên báo SK&ĐS đã phỏng vấn TS. Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh - người đã xây dựng và triển khai "Quy trình báo động đỏ" này trong thời gian ông giữ chức Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM.

“Báo động đỏ”:  Siêu cấp cứu thắng tử thần 1

Để cứu sống người bệnh, các thầy thuốc phải chạy đua cùng thời gian

Ông có thể cho biết cụ thể về Quy trình Báo động đỏ, việc áp dụng quy trình này có khó khăn gì, đòi hỏi những yếu tố gì? Trong quá trình áp dụng, theo ông đâu là yếu tố then chốt để quy trình phát huy hiệu quả cao nhất?

Quy trình Báo động đỏ cho phép bác sĩ bỏ qua các giai đoạn như hội chẩn, xét nghiệm, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh... theo những qui trình chuyên môn bình thường mà chuyển thẳng bệnh nhân từ phòng cấp cứu lên ngay phòng mổ. Nếu không áp dụng Quy trình Báo động đỏ, nhanh nhất cũng mất khoảng 30 phút. Trong khi đó, nếu phát lệnh báo động đỏ, huy động tốc lực tối đa thì trong vòng chưa tới 5 phút, khi bệnh nhân được đẩy thẳng lên phòng mổ là tất cả đã sẵn sàng.

Quy trình Báo động đỏ đã được Bệnh viện Nhi Đồng 1 triển khai từ năm 2010, đảm đương cấp cứu vào thời điểm ngoài giờ làm việc của ca chiều, tập trung đồng thời các ê-kíp gây mê, hồi sức, phẫu thuật, ngân hàng máu... Các bác sĩ trong quy trình phải luôn mở điện thoại 24/24 giờ, khi nhận được tín hiệu báo động, không cần biết là thời gian nào, đang ở đâu, không cần hỏi han dài dòng về tình trạng nhập viện của bệnh nhân, phải ngay lập tức có mặt tại phòng mổ.

Nếu không xây dựng và ban hành qui trình này thì các bác sĩ cấp cứu khi tiếp nhận bệnh nhân cũng sẽ tích cực cấp cứu hồi sức nội khoa, nhưng các bước tiếp theo có thể bị chậm hơn như phải hội chẩn bác sĩ ngoại khoa, làm siêu âm, Xquang, làm các xét nghiệm và chờ kết quả xét nghiệm, chờ phòng mổ báo mới chuyển bệnh nhân... Mặc dù cũng khẩn trương, tích cực cấp cứu cho bệnh nhân nhưng nhiều trường hợp rất nguy kịch do sốc mất máu nặng có thể không qua khỏi nếu không được can thiệp ngoại khoa kịp thời.

Quy trình Báo động đỏ của BV là xử trí cấp cứu tối khẩn cấp, áp dụng cho những trường hợp cấp cứu cần can thiệp ngoại khoa mới hy vọng cứu sống được người bệnh. Để áp dụng thành công quy trình này đòi hỏi một số nguyên tắc quan trọng như: khả năng chẩn đoán lâm sàng nhanh của các bác sĩ trực cấp cứu và xử trí hồi sức; khả năng vừa vận chuyển bệnh nhân từ khoa cấp cứu đến phòng mổ của bệnh viện, vừa tiếp tục hồi sức tích cực trên đường vận chuyển; huy động sự tham gia vừa khẩn trương vừa đồng bộ của các khoa phòng khác: Khoa Ngoại, Khoa Gây mê hồi sức, Khoa Xét nghiệm, Ngân hàng máu, siêu âm, Xquang, lực lượng bảo vệ của bệnh viện... Một trong những điểm quan trọng của qui trình là phân quyền cho bác sĩ khoa cấp cứu về phát lệnh “báo động đỏ”...

Các bệnh viện muốn áp dụng quy trình trên cần chuẩn bị nhân tố con người và hạ tầng kỹ thuật ra sao? Quy trình này có được áp dụng rộng rãi tại các nước phát triển không, thưa ông?

Phân tích cho thấy Qui trình Báo động đỏ không phải là một qui trình đòi hỏi sử dụng những kỹ thuật cao mà là đòi hỏi sự phối hợp một cách khẩn trương và nhịp nhàng của các khoa phòng trong bệnh viện, do đó qui trình này hoàn toàn có thể áp dụng cho tất cả các bệnh viện có khả năng can thiệp cấp cứu ngoại khoa. Do tình cờ thấy được qui trình này tại Bệnh viện nhi ở Melbourn (Australia) và tính ưu việt của nó trong cấp cứu bệnh nhân nên tôi đã vận dụng triển khai quy trình này.

“Báo động đỏ”:  Siêu cấp cứu thắng tử thần 2

TS. Tăng Chí Thượng tặng quà cho hai bé Phụng và Lợi - những bệnh nhân được cứu sống bởi "Quy trình báo động đỏ" vào năm 2013

Nếu không xây dựng và ban hành qui trình này thì các bác sĩ cấp cứu khi tiếp nhận bệnh nhân cũng sẽ tích cực cấp cứu hồi sức nội khoa, nhưng các bước tiếp theo có thể bị chậm hơn như phải hội chẩn bác sĩ ngoại khoa, làm siêu âm, Xquang, làm các xét nghiệm và chờ kết quả xét nghiệm, chờ phòng mổ báo mới chuyển bệnh nhân... Mặc dù cũng khẩn trương, tích cực cấp cứu cho bệnh nhân nhưng nhiều trường hợp rất nguy kịch do sốc mất máu nặng có thể không qua khỏi nếu không được can thiệp ngoại khoa kịp thời.

Yến Châu (thực hiện)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn