Bác sĩ hỗ trợ 130 bệnh nhân chấm dứt sự sống

23-04-2015 14:04 | Y học 360
google news

Bác sĩ Jack Kevorkian (Mỹ) được biết đến với biệt danh "Doctor Death" (bác sĩ của cái chết) bởi ông đã hỗ trợ chấm dứt sự sống của ít nhất 130 người bị bệnh nặng.

Bác sĩ Jack Kevorkian là một nhà bệnh học sống ở bang Michigan, theo New York Time. Nói về Jack Kevorkian, một số người cảm thấy bình thường, một số khác xem ông là người tiên phong, đấu tranh cho điều tốt đẹp và khiến cả nước Mỹ phải nhìn nhận lại về cách đối diện với đau đớn của bệnh tật ở bệnh nhân sắp chết. Số còn lại xem bác sĩ Jack là “kẻ mua bán cái chết”, một người lập dị và hứng thú với việc mang đến chết chóc hơn là phải cố gắng chăm sóc và giảm đau đớn cho bệnh nhân của ông.

“Mọi người có quyền được sống, vậy còn quyền được chết thì sao?”, 25 năm qua câu hỏi này vẫn gặp rất nhiều tranh cãi, xoay quanh việc liệu nhân viên y tế có được phép giúp bệnh nhân chọn cho mình thời điểm chết và cách chết? Liệu họ có được phép giúp bệnh nhân vượt qua những đau đớn trong bệnh cảnh chưa thể điều trị, bằng cách cho họ liều thuốc giúp cho cái chết đến nhanh hơn?

Tại Mỹ có 5 tiểu bang đã cho phép bác sĩ thực hiện “cái chết theo yêu cầu” với hình thức khác nhau. Những tiểu bang khác vẫn đang xem xét điều khoản này, trong đó có sự tranh cãi quyết liệt về chính trị, văn hóa, tôn giáo cũng như giữa các nhà khoa học và y học. Thuật ngữ chung là chết có sự trợ giúp của bác sĩ “physician-assited dying”, trong đó nhân viên y tế cung cấp phương tiện hay thông tin để giúp bệnh nhân thực hiện hành vi chấm dứt sự sống. Trong một số tình huống như ung thư giai đoạn cuối, căn bệnh rất nặng và gây đau đớn dai dẳng thì với người bệnh, chết còn tốt hơn là tiếp tục sống.

Jack Kevorkian là một trong những bác sĩ đầu tiên trợ giúp cái chết cho bệnh nhân của mình bằng cách tiêm thuốc cho họ, đến nay đã 25 năm. Bác sĩ Jack từng hơn 4 lần bị buộc tội giết người nhưng không cấu thành. Bất chấp sự chống đối, ông tiếp tục giúp bệnh nhân chấm dứt cuộc sống theo sự lựa chọn của chính bản thân họ và người nhà.

Jack Kevorkian
Bác sĩ Jack Kevorkian. Ảnh: Lifenews.

Bang New York, sau nhiều tranh cãi của các nhà làm luật, cũng ban hành lệnh cấm “hỗ trợ tự sát từ bác sĩ”. Tuy vậy các bác sĩ ở bang này được phép ngừng can thiệp hỗ trợ sự sống trên bệnh nhân giai đoạn cuối, đồng nghĩa với việc giúp họ chết. Luật pháp bang không cho phép bác sĩ giúp bệnh nhân chết một cách nhanh chóng hơn, ví như cách tiêm thuốc mà bác sĩ Jack đã thực hiện.

Những tranh cãi sau đó vẫn tiếp diễn trong nhiều năm và chưa có dấu hiệu ngã ngũ. Hỗ trợ cái chết vấp phải sự phản đối kịch liệt từ nhiều vị đứng đầu hội thánh Thiên chúa giáo. Hiệp hội y học Mỹ xem hành vi này là “không phù hợp về thiên chức cơ bản của bác sĩ là cứu người”. Bác sĩ Ezekiel Emanuel, chuyên khoa ung thư nói: “Bác sĩ cần tìm ra giải pháp và cho bệnh nhân động lực sống, chứ không phải là một nắm thuốc”.

Ngược lại, phe ủng hộ "quyền được chết" cho rằng không có bằng chứng cho thấy có sự lạm dụng luật pháp trong vấn đề này, như vậy sẽ không có những bất cập trong phương diện pháp luật. Tiến sĩ Marcia Angel nhận xét: "Chúng ta đang quá tập trung vào bác sĩ trong khi phần nào phớt lờ nguyện vọng thực sự của chính bệnh nhân". Bà Angel cũng đặt ra câu hỏi trên trong cuốn "The New York Review of Books" ấn bản năm 2012: “Tại sao một người nào đó, một bang, một chuyên gia về y tế, hay bất kỳ một ai đó lại nghĩ rằng họ nên nói với người khác phải chịu đựng những gì khi cuộc sống họ sắp kết thúc? Điều đó là không thể nói, chỉ có thể tự cảm nhận vì chúng thực sự quá khủng khiếp”.

Bà Diane Rehm chia sẻ về những giây phút cuối đời của chồng bà là ông John Rehm, mắc chứng Parkinson gần như không thể qua khỏi. Người phụ nữ này kể: “Ông ấy nói với bác sĩ rằng đã sẵn sàng chết, không thể nhúc nhích tay mình, không thể tự ăn uống, cũng không thể đứng lên hay đi lại. Bác sĩ nói với chồng tôi rằng ông ấy không thể giúp chồng tôi. Cách duy nhất là dừng thuốc, dừng ăn uống. Chồng tôi nói không muốn chịu đói đến chết”. Cũng như nhiều bệnh nhân khác, chồng bà Diane cuối cùng cũng đã chọn cách duy nhất là nhịn đói đến chết. Bà Diane nói với giọng run run: “Mãi 10 ngày sau ông ấy mới ra đi. Ông ấy nên có quyền chọn cho mình một cách chết khác chứ”.

Ở Mỹ, bang Oregon là bang cởi mở với điều luật "quyền được chết" và đã chính thức thông qua từ năm 1994. Rất nhiều người dân ở bang này chuẩn bị sẵn phương thức chết cho mình nhưng chẳng mấy ai thực sự cần dùng đến nó. Tất nhiên họ vẫn coi đó là một lựa chọn có thể có, một quyền mà họ cần. Năm ngoái trong 155 người được kê toa để chết thì chỉ 105 người sử dụng và có cái chết mà họ muốn, 50 người còn lại cũng đã qua đời dù không dùng thuốc. Trong suốt 17 năm qua, khoảng 1.327 người được kê toa "chết theo ý muốn" thì 859 người được chết như mong muốn. Như vậy, tỷ lệ bệnh nhân được trợ tử chỉ chưa đến 0,2% trên tổng số 530.000 người chết ở bang này trong ngần ấy năm. Thống kê cho thấy không hề có sự lan tràn và mất kiểm soát khi áp dụng phương pháp này.

Chị Brittany mắc chứng ung thư não, muốn chọn cho mình thời điểm chết thích hợp nên đã chuyển từ California sang bang Oregon và sống những ngày cuối đời ở đây. Chị qua đời tháng 11 năm ngoái tại căn phòng của chính mình, bên cạnh chồng và mẹ, trên nền nhạc mà chị ưa thích. Với chị, đó là một cái chết êm ả và những hình ảnh cuối cùng của chị với gia đình chỉ toàn là nụ cười.

Bắt đầu công việc trợ tử của mình 25 năm trước, bác sĩ Jack Kevorkian dấy lên những tranh cãi về quyền được chết cho đến ngày nay. Giúp nhiều người tìm đến cái chết mong muốn, còn bản thân mình, vị bác sĩ chấp nhận số phận như tội đồ. Với chính quyền bang Michigan, bác sĩ Jack bị xem là tội phạm. Lần cuối, ông đã bị giam giữ suốt 8 năm trong tù với lời buộc tội Giết người có chủ ý, sau khi vị bác sĩ vượt qua giới hạn mong manh giữa hỗ trợ tự sát với “gây chết nhân tạo” bằng cách tự tay thực hiện thay vì chỉ dừng lại ở việc cung cấp cho bệnh nhân phương tiện chết.

Trước tòa, bào chữa cho mình, Jack cho rằng không có sự khác biệt giữa việc bệnh nhân bấm nút hay chính ông bấm nút ấy thay cho họ, miễn là có sự nhận thức và đồng ý từ họ. Tuy vậy, phiên tòa vẫn kết thúc bằng kết luận bác sĩ có tội.

Tờ The New York Times đã tổng kết lại 25 năm tiến trình bắt đầu và thực hiện "cái chết nhân đạo" bằng một video dài hơn 14 phút. Phim kết thúc bằng câu chuyện của một bệnh nhân ung thư xương đã sẵn sàng để được chết.

Thúy Ngọc

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn