Theo đó, tại BVĐK Đồng Nai chỉ tính riêng năm 2018 có hơn 30 bác sĩ nghỉ việc, trong đó có 3 bác sĩ giữ các chức vụ là phó khoa và 8 bác sĩ có trình độ thạc sĩ. Đáng nói là nhóm bác sĩ nghỉ việc nhiều nhất nằm trong số bác sĩ trẻ đã có từ 2 - 5 năm kinh nghiệm. Tương tự, năm 2018, ngành y tế TP.HCM cũng “lo lắng” khi có 23 nhân viên y tế gồm 6 bác sĩ, 6 điều dưỡng, tài xế thuộc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM... nghỉ việc. Tại Cần Thơ, làn sóng bác sĩ nghỉ việc để ra ngoài làm cũng không hiếm.
Theo thông tin mới đây tính từ đầu năm 2017 đến 3/2018 chỉ tính riêng ở Đồng Nai và Bình Phước đã có tổng cộng hơn 120 bác sĩ viện công xin nghỉ việc để chuyển sang bệnh viện hay phòng khám tư làm việc.
Những thông tin và con số trên đã khiến nhiều người không khỏi giật mình. Tuy nhiên, theo một số quan điểm việc dịch chuyển như trên là hết sức bình thường. Bởi, dù ở đơn vị công tác nào bác sĩ cũng vẫn là người thực hiện chăm sóc sức khoẻ cho người dân.
Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu chống độc Việt Nam, sự dịch chuyển nhân lực từ cơ sở y tế công lập sang cơ sở y tế tư nhân là chuyện hết sức bình thường trong thị trường lao động. Và việc dịch chuyển này là xu thế tất yếu, qua sự dịch chuyển này để các bệnh viện công “nhìn lại mình” nếu muốn “ giữ chân” bác sĩ giỏi, bác sĩ có kinh nghiệm.
Cũng theo GS. Bình ngành Hồi sức tích cực nơi ông đã công tác gần 40 năm, các điều dưỡng cũng như bác sĩ cũng thường xuyên nhận được lời mời của bệnh viện tư hay phòng khám, và tất nhiên có một số người đáp ứng được những yêu cầu của họ và họ ra đi, điều đó là hết sức bình thường.
GS. Bình cho hay, ngoài mức thu nhập cao hơn so với ở viện công, thì môi trường làm việc trong bệnh viện tư nhân cũng được xem là “dễ thở” hơn bệnh viện công. Nếu bác sĩ làm ở viện tư thì những yêu cầu phục vụ chuyên
môn, máy móc trang thiết bị bác sĩ yêu cầu sẽ được đáp ứng, đặc biệt là bác sĩ giỏi. Ngược lại bệnh viện công thì phải chờ qua rất nhiều công đoạn. Bên cạnh đó, môi trường làm việc ở viện công luôn luôn áp lực vì bệnh nhân quá tải không chỉ về chuyên môn mà còn nhiều việc “không tên” khác kèm theo như quá nhiều giấy tờ ,thủ tục hành chính, nhiều quy định trói buộc, thậm chí bác sĩ còn phải tính toán
viện phí cho bệnh nhân...khiến nhiều người cảm thấy ức chế và họ ra đi. Tuy nhiên nếu ở viện tư bác sĩ chỉ phải làm chuyên môn và các công việc khác đã có bộ phận khác lo giúp.
Ngoài ra, ở viện tư giá thu khám chữa bệnh do họ tự hạch toán, còn giá viện phí của bệnh viện công đến nay vẫn chỉ là thu một phần chưa được tính đúng, tính đủ nên làm nhiều, áp lực nhiều mà thu nhập thấp.
GS.TS. Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu,chống độc ViệtNam
Mặc dù vậy, GS. Bình cũng lo ngại, bệnh viên công vẫn luôn đông bệnh nhân mà bác sĩ có chuyên môn cao và có kinh nghiệm lại ra đi hết thì đó cũng là điều đáng tiếc cho cả bệnh nhân và bác sĩ. Bởi nói gì thì nói, ngoài thương hiệu của bệnh viện công, bác sĩ thực hành trong bệnh viện công được tiếp xúc nhiều mặt bệnh đa dạng nên kinh nghiệm kiến thức về lâm sàng, mặt bệnh luôn được bồi đắp.
Vì vậy GS Bình cho rằng, xu thế hiện nay có sự cạnh tranh về nguồn nhân lực giữa bệnh viện công và bệnh viện tư đòi hỏi bệnh viện công phải xem lại mình. Đặc biệt là chế độ chính sách, môi trường làm việc không thể thấy vô lý mà vẫn giữ như vậy.
Cũng đồng quan điểm về việc dịch chuyển từ công ra tư là điều hết sức bình thường, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên cao cấp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho hay, các giám đốc bệnh viện chưa coi bác sĩ là “khách mời danh dự” mà vẫn còn tâm lý ban phát việc làm. Bác sĩ ở viện công không được coi trọng. Và việc bác sĩ ra đi yếu tố thu nhập không còn phải là nguyên nhân chính mà là môi trường làm việc. Theo đó, PGS Nam cho rằng đã đến lúc cần phải có hiệp hội các bệnh viện và các nhà quản lý đầu tư ngồi lại với nhau để thống nhất cách làm việc chuyên nghiệp. Để mục đích cuối cùng là người bệnh được hưởng lợi nhiều nhất từ những việc làm tưởng chừng rất nhỏ.