Khánh Hòa là địa phương có mức tăng trưởng khá cao. Thế nhưng đối với ngành y tế, tăng trưởng về kinh tế là điều mừng nhưng lại canh cánh chảy máu chất xám ở các huyện miền núi của tỉnh này.
Đứng trước tình trạng các thầy thuốc ở các huyện miền núi đồng loạt xin nghỉ việc vì mức thu nhập thấp, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cuộc họp khẩn với ngành y tế và các đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn ở hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn, trong hai năm 2008 - 2009, toàn huyện đã có 10 cán bộ y tế xin chuyển công tác, nghỉ việc. Đến năm 2010, huyện lại có thêm 8 cán bộ nữa nghỉ việc, xin chuyển công tác. Số bác sĩ còn lại của huyện Khánh Sơn chỉ còn 13 người, gồm 6 bác sĩ tuyến xã và 7 bác sĩ tuyến huyện và hiện đã có thêm 3 đơn xin nghỉ việc đang chờ xét duyệt. Trong khi đó, từ tháng 6 đến đầu tháng 9/2010, số lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện đa khoa huyện Khánh Sơn tăng 20 - 30%; số bệnh nhân nội trú trung bình từ 85 - 90 người, những ngày đầu tháng 9 đã lên đến 100 - 110 bệnh nhân, gấp đôi so với số giường bệnh hiện có là 55 giường. Mặt khác, trong 7 bác sĩ tuyến huyện có 1người làm quản lý và 1người đang đi học nên thực tế chỉ có 5 bác sĩ phụ trách khám chữa bệnh và trực bệnh viện. Trung bình, mỗi bác sĩ phải điều trị cho 25 bệnh nhân nội trú, chưa kể đến việc khám bệnh hằng ngày, gây quá tải và tạo nhiều áp lực cho các bác sĩ ở đây. Trong khi đó, theo Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh, hiện nay toàn huyện có được 20 bác sĩ, quá ít so với nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, huyện đang cần gấp đôi số bác sĩ so với hiện tại, khoảng 40 người.
Nguyên nhân của tình trạng nói trên, ông Lê Sĩ Hoàng Hải, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn cho rằng: Do thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp của đội ngũ bác sĩ khá thấp, chưa đủ nuôi sống bản thân và gia đình, trung bình từ 3 - 3,5 triệu đồng đối với bác sĩ và 1,8 - 2,4 triệu đồng đối với cán bộ y tế khác. Bên cạnh đó, các chế độ chính sách đã lỗi thời, cụ thể trực cấp cứu 24/24 giờ chỉ nhận được 25.000 đồng/ngày/người, phụ cấp phẫu thuật chỉ 20.000 đồng/lần phẫu thuật loại 3... Đồng thời, các bác sĩ dễ dàng tìm được việc ở các trung tâm y tế ở đồng bằng. Ngoài ra, mức bồi thường chi phí đào tạo thấp, chỉ 20 - 25 triệu đồng/người nên chưa đủ sức răn đe và họ không có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn khi công tác tại tuyến xã, thị trấn.
Để giải quyết khó khăn nói trên, ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: UBND tỉnh sẽ sớm xây dựng đề án về chính sách thu hút cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ y tế khi lên công tác miền núi cũng như việc xây dựng nguồn cán bộ bổ sung để trình Hội đồng nhân dân tỉnh ra Nghị quyết thực hiện. Theo đó, ông Thân yêu cầu Sở Y tế xây dựng chế độ thu hút nhân lực cho ngành y tế, chế độ lương bổng phải tăng gấp rưỡi đến gấp đôi so với hiện tại. Sở Y tế tiến hành rà soát những chủ trương, chính sách đã lạc hậu, bất cập... tập hợp thống nhất để kiến nghị lên UBND tỉnh chỉnh sửa. Bên cạnh việc đào tạo nguồn cán bộ theo địa chỉ (cử tuyển), ngành y tế phải thực hiện việc luân chuyển cán bộ lên 2 huyện miền núi với các chế độ kèm theo. Ông Lê Xuân Thân cũng yêu cầu lãnh đạo 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh lập đề án xây dựng nhà công vụ với đầy đủ trang thiết bị đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho các cán bộ y tế khi luân chuyển.
Quang Đức