Tại các thành phố lớn, hình ảnh quen thuộc là những học sinh lớp 5, lớp 9, lớp 12 vội vã di chuyển giữa guồng quay trường lớp chính khóa và các lò luyện thi, trung tâm bồi dưỡng, kéo dài từ chiều tối mịt đến cuối tuần. Dù thấu hiểu áp lực con trẻ phải gánh, nhiều bậc cha mẹ vẫn không dám "đứng ngoài cuộc đua" này.
Tìm mọi cách cho con học thêm
"Thật tâm tôi chẳng hề muốn con bé phải quần quật đèn sách đến tận khuya," chị Vũ Oanh, một phụ huynh có con đang học lớp 9 tại Hà Nội thở dài. "Nhìn con học ngày học đêm, tôi xót lắm. Nhưng năm nay con bước vào kỳ thi lớp 10 đầy cam go, cánh cửa vào các trường công lập tốt lại hẹp như chiếc kim. Nếu con không được bồi đắp thêm kiến thức, không tranh thủ học thêm thì làm sao có thể đua sức với bao nhiêu bạn giỏi khác? Bởi vậy, dù biết là trái quy định, tôi vẫn phải tìm đủ kiểu để con có chỗ học thêm, mong con có thêm chút lợi thế".
Cùng cảnh ngộ, anh Đặng Văn Anh, phụ huynh có con sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, bày tỏ: "Kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học rất quan trọng, quyết định tương lai của con. Dù trường có cấm, nhưng con và bạn bè vẫn tự tìm đến những thầy cô có tiếng. Mình là cha mẹ, thấy con lo lắng, sao đành lòng đứng ngoài?".
Thực tế cho thấy, dù ngành giáo dục đã nhiều lần siết chặt quản lý, hoạt động dạy thêm, học thêm vẫn âm thầm diễn ra dưới nhiều hình thức như giáo viên chuyển sang dạy tại các trung tâm tư nhân, mở lớp nhóm nhỏ tại nhà hoặc dạy online để tránh sự kiểm soát trực tiếp từ nhà trường. Thậm chí, không ít phụ huynh chủ động tìm đến những giáo viên giỏi, mức phí cao hơn để con có được sự kèm cặp sát sao, với niềm tin "có bột mới gột nên hồ".

Ảnh minh họa.
Chị H.L ở Hà Đông (Hà Nội) có con đang chuẩn bị vào lớp 6, là một ví dụ điển hình. "Nghe nói trường THCS đó thuộc top đầu, tôi quyết tâm tìm cho con một thầy luyện thi có tiếng. Lệnh cấm ư? Miễn con tôi đỗ, tôi không ngại bất cứ điều gì", chị H.L quả quyết.
Giải pháp nào cho bài toán "cấm - vẫn học"?
Vậy, làm thế nào để giải quyết triệt để bài toán "chạy đua" học thêm cuối cấp? Rõ ràng, chỉ những mệnh lệnh hành chính đơn thuần là chưa đủ. Cần một giải pháp đồng bộ, bắt đầu từ việc nâng cao chất lượng dạy và học chính khóa, để học sinh thực sự nắm vững kiến thức ngay tại trường. Song song đó, cần tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp thực chất, giúp phụ huynh và học sinh nhận thức rõ hơn về năng lực bản thân và các lựa chọn phù hợp, thay vì chỉ tập trung vào những trường "hot". Quan trọng hơn cả là sự thay đổi trong nhận thức của phụ huynh về giá trị thực sự của giáo dục, không chỉ là điểm số và thứ hạng. Chỉ khi áp lực thành tích ảo giảm bớt, phụ huynh thực sự quan tâm đến sự phát triển toàn diện của con em, thì "cơn sốt" học thêm cuối cấp mới có cơ hội hạ nhiệt.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, nhấn mạnh: "Phụ huynh cần thay đổi quan điểm, không phải cứ cho con đến lớp học thêm là xong. Về phía giáo viên, cần có trách nhiệm nắm bắt năng lực từng học sinh, có phương pháp giảng dạy phù hợp, giao bài tập và hướng dẫn học ngay tại lớp. Nhà trường cần có cơ chế thanh toán hợp lý cho giáo viên dạy thêm giờ, đảm bảo quyền lợi của họ. Nếu làm tốt những điều này, nhu cầu dạy thêm, học thêm sẽ tự khắc giảm đi".
Cùng quan điểm, TS. Lê Thị Mai Hương - chuyên gia giáo dục cho rằng, nhiều phụ huynh nghĩ rằng học thêm là đơn giản, miễn thấy con tiến bộ là được. "Nhưng thật ra, việc gửi gắm trẻ vào một lớp học không được cấp phép, không có người phụ trách rõ ràng là rất nguy hiểm. Trẻ không chỉ đối mặt với nguy cơ học sai cách, mà còn có thể bị xâm phạm quyền riêng tư, bị bạo lực tinh thần – thậm chí là rủi ro tai nạn nếu lớp học không đảm bảo an toàn cơ sở vật chất".
Bà Hương khuyến cáo phụ huynh nên ưu tiên chọn những trung tâm hoặc cá nhân có giấy phép hoạt động rõ ràng, có cam kết chương trình học, học phí minh bạch và chính sách hoàn trả cụ thể. Trường hợp lớp học tổ chức tại nhà, cha mẹ càng cần đến trực tiếp quan sát điều kiện học tập và trao đổi kỹ về lý lịch giáo viên, lịch trình học, phương pháp giảng dạy.
Giáo viên không được dạy thêm trong trường hợp nào?
Căn cứ theo Điều 4 Quy định về dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định những trường hợp không được dạy thêm bao gồm:
- Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
- Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
- Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
- Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
+ Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
+ Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.