Ám ảnh ‘nhồi nhét' khách trên những chuyến xe về quê ăn Tết

29-12-2023 10:51 | Xã hội
google news

SKĐS - Lo ngại tình trạng "nhồi nhét", tăng giá xe khách, nhiều người dân ở Hà Nội đã sắp xếp công việc, học tập để về nghỉ lễ Tết Dương lịch sớm hơn với gia đình.

Dịp nghỉ Tết Dương lịch hàng năm, nhiều chuyến xe khách rơi vào tình trạng quá tải do người dân từ các thành phố lớn về quê, tạm nghỉ ngơi sau những tháng ngày học tập và làm việc. 

Năm nay, lịch nghỉ Tết dương 2024 lịch kéo dài 3 ngày nên nhiều người dân lựa chọn về quê cùng gia đình. Theo dự kiến của Ban quản lý Bến xe Giáp Bát, lượng khách tới bến xe này dao động khoảng 15.000-16.000 người/ngày, tăng 300% so với ngày thường.

Trên những chuyến xe đưa người dân về quê đón Tết, thường xuyên có số khách nhiều hơn quy định, thậm chí còn gấp đôi số lượng ghế ngồi. Điều này khiến nhiều hành khách phải ngồi chen chúc lẫn nhau, không ít người còn chấp nhận đứng trên xe để có thể về nhà sớm nhất.

Lo ngại tái diễn tình trạng này, nhiều người dân ở Hà Nội đã sắp xếp công việc, học tập để về nghỉ lễ Tết Dương lịch sớm hơn với gia đình.

Nỗi lo 'nhồi nhét' xe khách về quê ăn Tết- Ảnh 1.

Xe khách giường nằm 45 chỗ nhưng chở tới 60 hành khách khiến nhiều hành khách chen chúc nhau.

Ghi nhận của PV chiều 28/12 tại Bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm hiện đã có nhiều người dân "tay xách nách mang" đồ đạc ra đón xe khách về quê nghỉ Tết Dương lịch 2024. Theo những người này, vì lo sợ cảnh "nhồi nhét" trên các chuyến xe, hành khách còn thiệt thòi khi phải trả thêm tiền vé từ 50-70% so với ngày thường nên đã về quê sớm trước ít ngày.

Chiều 28/12, chị Nhung (20 tuổi), một sinh viên đại học từ Cầu Giấy (Hà Nội) ra Bến xe Nước Ngầm để đón xe khách về quê ở Nghệ An nghỉ Tết Dương lịch 2024. Nữ sinh viên cho biết  đã xin nghỉ học ngày thứ Sáu, tranh thủ ra bến xe về quê sớm hơn một ngày để tránh cảnh ùn tắc, chen chúc, đặc biệt là tình trạng "nhồi nhét" trên xe khách.

Nỗi lo 'nhồi nhét' xe khách về quê ăn Tết- Ảnh 2.

Lo ngại tái diễn tình trạng nhồi nhét khách, người dân ở Hà Nội đã sắp xếp công việc, học tập để về nghỉ lễ Tết Dương lịch sớm hơn với gia đình.

Chị Nhung cho biết, kỳ nghỉ Tết Dương lịch năm 2023 hay lễ Quốc khánh 2/9 mới đây trở thành nỗi ám ảnh mỗi khi nhớ lại. "Nhà xe hẹn lịch tối 31/8 có mặt tại điểm đón xe trên đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm) để xuất phát. Nhưng khi lên xe thì giật mình khi thấy xe được kê thêm luồng ở tầng trên, hành khách vạ vật, chen chúc nhau trên xe. Mình phàn nàn, nhân viên nhà xe mong hành khách thông cảm. Bởi chỉ có mấy ngày lễ, Tết họ mới làm ăn được, còn ngày thường vắng khách", chị Nhung cho hay.

Tương tự, chị H. Lan (34 tuổi, quê Hà Tĩnh) cũng xin công ty bố trí làm việc online ngày 28 và 29/12 để cùng gia đình từ Hà Nội về quê nghỉ Tết Dương lịch 2024 sớm trước hai ngày với nỗi lo bị "nhồi nhét" trên xe.

Theo chị Lan, với những người xa quê, chuyện xe khách nhồi nhét diễn ra thường xuyên lâu nay. Đã không ít lần trên đường về quê, chị chứng kiến xe giường nằm 40 chỗ nhưng nhồi nhét 50-60 người, khoảng trống tầng trên cũng được lắp ván để tăng thêm được số lượng hành khách. "Người dân không chịu đi thì sẽ không có xe về. Nhà xe mấy ngày này cũng tuyên bố không cần khách, ai phàn nàn có thể xuống" - chị Lan chia sẻ.

Nỗi lo 'nhồi nhét' xe khách về quê ăn Tết- Ảnh 3.

Bến xe Mỹ Đình chiều 28/9.

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau các dịp nghỉ lễ, Tết, UBND TP đã có văn bản giao Sở GTVT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc và các đơn vị kinh doanh vận tải có phương án bảo đảm năng lực vận tải, chất lượng và an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, nhất là dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy trong dịp nghỉ Tết.

Giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến; không để hành khách không kịp về quê ăn Tết do thiếu phương tiện; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng "xe dù", "bến cóc" và tăng giá vé trái quy định.

Tuy vậy, vì lợi ích vật chất, nhiều lái xe, chủ xe vẫn bất chấp quy định cấm, cố tình nhồi nhét hành khách lên xe để thu lợi nhuận. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của hành khách, đến chất lượng dịch vụ mà còn gây nguy cơ cao về mất an toàn giao thông.

Khoản 4 và Điểm a Khoản 8 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng trên mỗi người vượt quá trên xe khách.

Trường hợp vượt trên 100% số người quy định được phép chở của phương tiện thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng.

Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá quy định được phép chở của phương tiện.

Xem thêm video được quan tâm:

Sở GTVT Hà Nội yêu cầu đảm bảo phương tiện phục vụ người dân dịp Tết | SKĐS



Minh Ngọc
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn