Chúng ta có thể thấy rõ một cuộc khủng hoảng truyền thông của Thành phố Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến, đang diễn ra. Cuộc khủng hoảng này xuất phát từ thông tin: "6700 cây bị chặt trong chiến dịch thảm sát của Hà Nội".
Sự việc xuất phát khi người dân bừng tỉnh giấc đã thấy hàng loạt cây lớn trước nhà (đặc biệt là cây xà cừ) bị đốn hạ bằng một lực lượng tinh nhuệ nhằm dẹp đường cho dự án đường sắt đô thị. Ban đầu có sốc. Nhưng rồi mọi người nhanh chóng hiểu ra: xà cừ mà đổ vào đường tàu thì nhiều người chết. Xà cừ vốn là loại cây nhiệt đới mọc tự nhiên chủ yếu ở Châu Phi. Vì nó có nguồn gốc khá "hoang dã" cho nên đặc tính phát triển của nó cũng rất "hoang dã". Cây lớn nhanh, có thể cao đến hơn 30 mét, nhiều cành và lá cho bóng râm tốt. Tuy nhiên nhược điểm của cây nếu trồng trong đô thị là nó có thể phát triển không kìm được, dẫn đến tình trạng phá vỡ vỉa hè của rễ cây, thân cây thì nặng và cồng kềnh dễ bật gốc khi mưa bão và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người hoặc thiệt hại về kinh tế.
Xuất xứ của quyết định "thay cây" có lẽ là mong muốn sửa chữa sai lầm của vài chục năm trước. Vấn đề thứ nhất là cách làm của TP Hà Nội đã không khéo léo. Khi lớn lên cùng bất cứ cây/con nào, người ta cũng có tình cảm với nó. Nuôi một đứa con lớn mới thấy hạnh phúc thế nào khi con dần trưởng thành và "trổ mã". Con người là như vậy, đó là sự khác biệt cơ bản giữa người với cây/con. Nếu hiểu được tâm lý đó thì trước hết TP Hà Nội phải đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu được tại sao phải loại bỏ cây xà cừ ra khỏi quy hoạch đô thị (vấn đề có nên hay không nên loại bỏ xà cừ sẽ được bàn đến sau). Sau khi tư vấn hết những lợi ích của việc làm này thì nên tham khảo ý kiến người dân. Cuối cùng mới đưa ra phương án phù hợp, vừa đảm bảo phát triển theo quy hoạch mới, vừa không gây ảnh hưởng đến tâm lý người dân. Rất tiếc, chặt là chặt. Tổn hại về mặt tâm lý là điều không thể tránh khỏi.
Vấn đề thứ hai là cách làm của TP Hà Nội có phần "phủ định sạch trơn". Ai đưa ra con số 6700 cây phải triệt hạ? Căn cứ vào đâu? Nếu để dọn đường cho đường sắt đô thị thì số cây phải chặt chỉ khoảng 1000 và sự hy sinh đó là đúng đắn. Nhưng không thể nói xà cừ làm mất mỹ quan đô thị được. Ngược lại, Hà Nội chỉ có thể là Hà Nội với cái vẻ xù xì man mát của Xà Cừ. Bỗng một đêm tỉnh dậy, các nhà quy hoạch thành phố cho rằng Xà Cừ đã lỗi mốt, vậy là a lê hấp, các bạn phải ra đi nhường chỗ cho thế hệ mới. Không thông báo trước, không có sự chuẩn bị tâm lý, lại "phủ định sạch trơn" vai trò của Xà Cừ trong mỹ quan độ thị tại Hà Nội, đương nhiên sẽ gặp làn sóng phản đối.
500 cây đô thị bị đốn hạ trong thời gian ngắn.
Vấn đề thứ ba là tính nhân văn đã không được coi trọng. Khi con người càng phát triển ở một tầm văn hóa lớn, thì họ sẽ đóng vai trò là thủ lĩnh của muôn loài, là người che chở bao bọc cho các loài khác và cho cả đồng loại. Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao các nước Bắc Âu lại giúp đỡ nhiều nước nghèo một cách vô điều kiện? Nhờ có khối tài sản khổng lồ mà cha ông họ để lại, họ đã thức tỉnh vai trò đầu tầu của muôn loài. Chính vì thế, những công việc thường thấy họ tham gia đó là hoạt động nhân đạo, các khoản hỗ trợ vô điều kiện về kinh tế, giáo dục, y tế. Ở đó, cây và con đều có quyền được bảo vệ. Ví như bạn là một nhà khoa học nghiên cứu trên cơ thể cây/con, bạn cần phải được cấp phép để thực hiện điều đó. Nếu không, bạn sẽ phải đối mặt với pháp luật và các ủy ban bảo vệ động/thực vật.
Các vấn đề trên, cộng với một nỗi bức xúc âm ỉ từ trước, đã bùng phát mạnh mẽ khi thông tin chặt hạ hàng loạt cây được rò rỉ trên báo chí. Những từ nhấn mạnh vào nỗi đau của những người dân yêu cây là: con số 6700 cây quá lớn, từ "chiến dịch" mang tính ám thị của một hành động dồn dập có tổ chức và có quy mô, từ "thảm sát" mang tính vô nhân đạo.
Tuy nhiên cần có một cái nhìn khách quan: 6700 cây là tổng số ngân sách cây của thành phố phải "giải ngân" để thay mới, nhưng chúng ta chưa có một thông tin cụ thể về tổng thời gian sẽ "giải ngân". Nếu chỉ trong vòng một vài tháng, đó đúng là một chiến dịch và hành động ấy đúng là thảm sát và không thể một sớm một chiều các cây mới thay thế được vai trò điều hòa môi trường sống cũng như che chắn nắng, gió, bụi của Xà Cừ được, và như vậy thiệt hại là rất lớn nếu tính đến số tiền phải bỏ ra về sau để cải tạo môi trường ô nhiễm. Nếu trong vòng vài chục năm, may ra có thể chấp nhận được. Nói "may ra" là bởi vì không biết trong số 6700 cây ấy, có bao nhiêu cây bị chết oan. Đâu phải cây Xà Cừ nào cũng bật gốc trong mưa bão và đâu phải không có cách để gia cố cho cây đề phòng tai nạn đó? Cuối cùng thì cũng tạm dừng việc chặt đốn cây. Muộn nhưng cần thiết. Có lẽ rất nhiều bài học đã được rút ra. Lấy dân làm gốc, vẫn là đạo lý làm quan bất diệt.
BS.Thanh Huyền