Trước sự phản đối của dư luận về việc thay thế 6.700 cây xanh ở nhiều tuyến phố Hà Nội, chiều 19/3, nhiều cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh vẫn bị 'đốn hạ'. Đây là tuyến đường được mệnh danh là "con đường đẹp nhất Việt Nam".
Một ngày sau khi hàng cây xanh hai bên đường Nguyễn Chí Thanh bị đốn hạ, vỉa hè trơ trọi, nham nhở do quá trình chặt cây để lại. Đất đá vương vãi trên vỉa hè, cùng với đó là nhiều phế liệu chưa được thu dọn khiến nhiều người qua đường ngán ngẩm.
Hàng cây bị đốn hạ, hình ảnh người dân đi dưới những tán cây chỉ còn trong quá khứ (Ảnh: Minh Chiến)
Nhiều người dân thủ đô ví rằng, sau 'chiến dịch" chặt hạ cây xanh, Hà Nội như một đại công trường. Vỉa hẻ ngôn ngang đất đá, gạch, những khoảng vỉa hè trước đó được trồng cây giờ bị xới tung để chuẩn bị thay thế những hàng cây mới mà theo lý giải của các đơn vị chức năng là "đúng chủng loại đô thị".
Chứng kiến cảnh chặt hạ cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh, một người dân chia sẻ: "Một cây xà cừ lớn, đường kính gốc gần 1m cũng bị đốn hạ. Cây xà cừ này là cây khỏe mạnh và đã tồn tại ở đây rất lâu nhưng không hiểu sao lại bị chặt".
Theo ghi nhận của PV, không chỉ cây hoa sữa bị 'đốn hạ' trên đường Nguyễn Chí Thanh, mà một số loại cây khác như xà cừ, keo cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Loại cây dùng để trồng thay thế trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh là cây vàng tâm. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, việc lựa chọn cây vàng tâm để thay là không hợp lý vì chúng vốn mọc trong rừng sâu, nơi có độ cao 100-700m và có không khí lạnh.
Theo ông, đây là cây gỗ rất quý có giá trị tương đương với cây sưa nên Hà Nội sẽ phải giải 'bài toán' bảo vệ loại cây này không bị cưa trộm.