Sáng 31/7, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, Chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đơn vị này vừa tổng hợp báo cáo nhanh về công tác phòng, chống thiên tai ngày 30/7.
Theo đó, ngày 31/7, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ, Quảng Ninh có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-50mm, cục bộ có nơi trên 100mm. Từ đêm 31/7 đến ngày 01/8, ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc của Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 30-70mm, cục bộ có nơi trên 200mm.
Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn và Thái Nguyên mưa lũ lớn, sạt lở đất từ ngày 29-30/7 đã gây thiệt hại khiến 6 người chết trong đó Hà Giang 2, Điện Biên 2, Thái Nguyên 1, Bắc Giang 1; 1 người mất tích (Sơn La) và 2 người bị thương (Bắc Kạn).
Có 82 nhà bị sạt lở taluy dương, ngập lụt, hư hỏng trong đó Điện Biên 35, Bắc Kạn 15, Cao Bằng 02, Sơn La 04, Lạng Sơn 26; 18 nhà di dời khẩn cấp. 71,25ha lúa bị ngập trong đó Điện Biên 37,25ha, Bắc Kạn 13ha, Cao Bằng 21ha; 10,9ha hoa màu bị ngập, ảnh hưởng, thiệt hại (Điện Biên 0,4ha; Bắc Kạn 9,8ha; Cao Bằng 0,7ha). 200 con gia cầm, gia súc bị chết (Thái Nguyên).
Mưa lũ khiến 51 điểm bị sạt lở với tổng khối lượng đất, đá khoảng 5.308m3 trong đó Điện Biên 1998m3, Bắc Kạn 437m3, Cao Bằng 1.973m3, Lạng Sơn 900m3. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống.
Về rủi ro động đất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị tỉnh Kon Tum và các địa phương, cơ quan liên quan triển khai thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 73/CĐ-TTg ngày 29/7/2024 về việc kiểm tra và chủ động khắc phục hậu quả động đất trên địa bàn huyện Kon Plông.
Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ tiếp tục triển khai các công việc việc ứng phó với mưa lớn. Các tỉnh, thành phố khác trên cả nước theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Các tỉnh hạ du sông Hồng, sông Thái Bình triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình; các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, ứng phó với tình hình mưa lũ. Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và PTNT qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Mưa lớn liên tục khiến các tỉnh Bắc Bộ có nguy cơ lũ quét | SKĐS