Mưa lũ khốc liệt ngay từ đầu mùa
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, tháng 8 tiếp tục là cao điểm mưa lũ ở miền Bắc. Mức độ có thể còn nghiêm trọng hơn mọi năm do hiện tượng La Nina đang có dấu hiệu ngày càng rõ nét. Lúc này những dòng hải lưu từ sâu dưới vùng biển Đông Thái Bình Dương nổi lên trên bề mặt, tạo ra một vùng nước mát hơn bình thường dọc theo đường xích đạo phía Đông đến trung tâm Thái Bình Dương. Thực tế theo số liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ, tháng 7 năm nay ở trung tâm Thái Bình Dương đã giảm ít nhất là 0,2 độ C so với trung bình mọi năm.
Các dòng nước lạnh hơn này đẩy nước ấm sang bờ Tây Thái Bình Dương, gần về khu vực Châu Á hơn, biểu hiện là nhiệt độ nước biển ở đây đã cao trung bình, có nơi cao hơn 1-2 độ C. Đây chính là những dấu hiệu ban đầu cho thấy El Nino đang dần chuyển sang La Nina, nguyên nhân hình thành các trận bão và mưa lũ dồn dập trong giai đoạn vừa qua.
Thực tế ở miền Bắc nước ta, từ đầu mùa mưa tổng lượng mưa hầu hết đều cao hơn trung bình mọi năm từ 30-80%. Một số nơi còn cao hơn 80-100%. Đặc biệt tại Bắc Quang, Hà Giang và Quảng Hà, Quảng Ninh lượng mưa riêng trong tháng 6 đã lên tới 1105 – 1271mm, cao gấp đôi so với cùng kỳ.
Mưa lớn liên tục gây ra hàng loạt các vụ sạt lở đất, lũ quét nghiêm trọng. Đồng thời lũ cũng xảy ra nhiều hơn. Từ tháng 6 đến nay, trên các sông khu vực Bắc Bộ đã xuất hiện 3 đợt lũ vừa và lớn. Hàng loạt các sông suối đỉnh lũ đã lên báo động 2- báo động 3 như sông Gâm, sông Lô (tại Hà Giang), sông Nậm Pàn, sông Mã (Sơn La), sông Đáy (Phủ Lý), sông Nậm Mức (Điện Biên).
Đáng chú ý nhất là đợt lũ ngay trong các ngày 23-26/7 vừa qua do ảnh hưởng của cơn bão số 2, hàng loạt các hồ thuỷ điện lớn đã xả lũ liên tiếp. Hồ thuỷ điện Hoà Bình đã mở 4 cửa xả đáy, thuỷ điện Sơn La mở 1 cửa xả đáy và thuỷ điện Lai Châu mở 5 cửa xả mặt. Theo đó lũ ở đồng bằng Bắc Bộ lên cao, mực nước trên sông Hồng qua Hà Nội đã cao hơn cả đỉnh lũ lớn nhất năm ngoái. Sông Bùi qua Chương Mỹ, Hà Nội đến nay vẫn chưa thoát được lũ, ngập lụt trên diện rộng.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sang tháng 8 tiếp tục là thời kỳ cao điểm mùa mưa ở các tỉnh miền Bắc nước ta do ảnh hưởng hiện tượng La Nina. Dự báo tổng lượng mưa trên khu vực Bắc bộ dự báo ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm với lượng mưa phổ biến ở khu vực miền núi phía Bắc, Đông Bắc dao động trong khoảng từ 300-400mm; có nơi trên 500mm. Vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ lượng mưa dao động từ 250-350mm, có nơi trên 400mm. Do có khả năng xuất hiện những đợt mưa lớn nên nguy cơ xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp và lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi rất nguy hiểm.
Vì sao mùa mưa lũ năm nay phức tạp, khó lường?
Theo quy luật, mùa mưa bão hằng năm tại nước ta thường diễn ra từ tháng 7 đến tháng 12. Nhưng mùa mưa bão năm 2024 được cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia nhận định là diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của La Nina.
Phân tích về La Nina, ông Nguyễn Duy Chinh, Viện phó Viện Khí tượng thủy văn, chỉ ra rằng: La Nina là hiện tượng biển lạnh đi ở trung tâm Thái Bình Dương và khi đó, mưa sẽ nhiều hơn, ẩm nhiều hơn ở vùng lục địa. Hệ quả là Việt Nam và các nước trên bán đảo Đông Dương sẽ xuất hiện mưa và lũ nhiều hơn bình thường. Theo ông Chinh, La Nina xuất hiện cũng sẽ ảnh hưởng đến cơ chế của bão, nhưng vấn đề này phải có nghiên cứu cụ thể mới có thể kết luận một cách chính xác.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, dự báo khoảng tháng 9, Việt Nam sẽ chịu tác động của La Nina, tình hình mưa bão ở các tỉnh miền Trung sẽ diễn biến rất phức tạp. Từ nay đến tháng 10, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-4 cơn đổ bộ vào đất liền. Con số này cao hơn một chút so với trung bình nhiều năm khi thời gian này thường có 6-7 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, 3 cơn vào đất liền nước ta.
Ngoài ra, khoảng tháng 7-8, lượng mưa ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tuy nhiên, tháng 9-11, lượng mưa ở Bắc Bộ sẽ tăng lên khoảng 10-30%. Như vậy, mưa lớn sẽ dồn dập về cuối năm, đặc biệt là khu vực Trung Bộ, làm gia tăng nguy cơ ngập úng kéo dài, lũ lụt trên diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực này. Lượng mưa cao sẽ làm gia tăng hiện tượng mưa lũ cục bộ, ngập úng đô thị.
Th.S Lê Thị Xuân Lan - chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn khuyến cáo: Những cơn bão hình thành trên Biển Đông thường nguy hiểm hơn do chúng ta ít có thời gian chuẩn bị. Chính vì vậy việc cảnh báo sớm là rất cần thiết để giảm thiểu thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra. Năm nay, do có sự xuất hiện của La Nina nên mùa mưa bão có thể kéo dài đến các tháng cuối năm. Trong lịch sử, những cơn bão gây ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam cũng thường xảy ra vào giai đoạn cuối năm và đổ bộ vào các tỉnh Nam bộ. Khu vực này cũng ít có kinh nghiệm ứng phó bão nên cần đặc biệt chú ý.
ENSO là một hiện tượng tự nhiên có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống khí hậu trên toàn cầu. ENSO bao gồm hai pha trái ngược nhau là El Nino và La Nina, sự chuyển đổi giữa hai pha này xảy ra định kỳ từ 2 - 7 năm. Trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, ENSO đang có những biểu hiện dị thường về cường độ và chu kỳ xuất hiện, gây ra ảnh hưởng đến lượng mưa, hạn hán, lũ lụt, nhiệt độ.
Trong đó, El Nino được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương, kéo dài 8-12 tháng (hoặc lâu hơn), thường xuất hiện 3-4 năm/lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.
Còn La Nina (ngược với El Nino) là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường, xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino. Chu kỳ của La Nina thường kéo dài và gây ra hình thái thời tiết đối lập với El Nino.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Mưa lớn liên tục khiến các tỉnh Bắc Bộ có nguy cơ lũ quét | SKĐS