Nhiều luật sư yêu cầu hoãn phiên tòa để triệu tập ông Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá nhưng sau khi hội ý, HĐXX đã bác bỏ yêu cầu này.
Sáng ngày 6/1, phiên tòa xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (36 tuổi, nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ - Ngân hàng Vietinbank) và 22 đồng phạm lừa đảo hơn 4.000 tỷ đồng đã tạm hoãn 15 phút để HĐXX hội ý.
Sau khi tòa tiến hành kiểm tra nhân thân của các bị cáo, nhiều luật sư có ý kiến đề nghị hoãn phiên tòa.
Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng ACB, luật sư Lưu Văn Tám đề nghị triệu tập thêm ông Nguyễn Đức Kiên (tức "bầu Kiên", nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB), ông Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch HĐQT ACB), ông Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc ACB) và một số cá nhân nguyên là lãnh đạo ACB để làm rõ trách nhiệm của từng người.
Cáo trạng xác định, từ tháng 8/2010 đến tháng 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã lấy danh nghĩa Vietinbank huy động của ACB thông qua 19 cá nhân là nhân viên của ACB đứng tên thẻ tiết kiệm gửi tiền. Tổng cộng, Như đã lừa đảo, chiếm đoạt của ACB hơn 718 tỷ đồng.
Theo luật sư Tám, sở dĩ 19 nhân viên ACB đứng lên gửi tiền của ACB vào Vietinbank là xuất phát từ chủ trương của ban lãnh đạo. Vì thế, lãnh đạo ACB trên có liên quan trực tiếp đến vụ việc nên cần phải tham dự phiên tòa để thẩm vấn, xem xét và xác định trách nhiệm của từng người trong việc bồi thường hoặc không bồi thường. Do vậy, cần triệu tập thêm ông Kiên và ông Giá.
Luật sư Trần Đức Hùng (Văn phòng luật sư Hùng Thịnh, Đoàn Luật sư TPHCM), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) đề nghị hoãn phiên tòa. Theo luật sư Hùng thì toàn bộ số tiền 200 tỷ đồng cáo trạng nêu Ngân hàng Nam Việt bị thiệt hại là không chính xác. Số tiền 200 tỷ đồng này đã được thu hồi, Ngân hàng Nam Việt không mất mát gì trong vụ án này.
Trước yêu cầu của những luật sư nêu ra, HĐXX đã tạm hoãn phiên 15 phút để hội ý. Sau khi hết thời gian hội ý chủ tọa phiên tòa Nguyễn Đức Sáu công bố quyết định, HĐXX bác các yêu cầu của luật sư. HĐXX xác định tư cách bị đơn dân sự sẽ diễn ra trong suốt quá trình xét xử; về nhân chứng HĐXX cũng đã triệu tập đầy đủ, nếu trong quá trình xét xử, xét thấy cần thiết sẽ triệu tập thêm.
Do vậy, HĐXX đã bác yêu cầu hoãn phiên tòa của luật sư và cho tiếp tục. Mặt khác, HĐXX cũng đã công bố kế hoạch xét hỏi cụ thể để các luật sư cũng như bị cáo, người liên quan tiện theo dõi phiên tòa.
Trước đó, trong phần kiểm tra nhân thân của các bị cáo, Huỳnh Thị Huyền Như khai mình bị bắt lúc mang thai được 4 tháng. Sau đó, Như sinh con trong trại giam và đến giờ vẫn chưa làm khai sinh cho con.
Theo cáo trạng, từ đầu năm 2007, bị can Huyền Như (lúc đó là cán bộ tín dụng của VietinBank Chi nhánh TP HCM) đã vay trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản.
Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi suất cao, Huyền Như mất khả năng thanh toán. Lúc này, Huyền Như đang là quyền Trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ của VietinBank, có thẩm quyền phê duyệt lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản từ ngân hàng đi các đơn vị, doanh nghiệp theo quyết định của chủ tài khoản với mức 50 tỷ đồng/lệnh.
Để có tiền trả nợ, từ tháng 10/2010 đến tháng 9/2011, lấy danh nghĩa huy động vốn cho VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP HCM, Huyền Như đã tiếp xúc với nhiều đơn vị, cá nhân đặt vấn đề gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất thỏa thuận cộng lãi suất thưởng từ 18%-36%/năm.
Để thực hiện mục đích của mình, Huyền Như đã thuê người làm giả con dấu, tài liệu ngân hàng và nhiều đơn vị, chữ ký trên các chứng từ và hợp đồng… để chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân với hơn 4.911 tỷ đồng. Số tiền này được Huyền Như dùng để trả vay lãi nặng, tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, nợ gốc, nợ lãi trong hợp đồng...
Theo Soha/Tri thức trẻ