
Chú Bảy với "quầy" mặt nạ ấn tượng, thu hút khách qua đường.
Đó là chú Bảy - người được mệnh danh là "chú Bảy mặt nạ", "nghệ sĩ đường phố". Chú Bảy cùng chiếc xe đạp chở đầy những chiếc mặt nạ hát bội đã rong ruổi khắp Sài Gòn 30 năm nay. Dù ngày nắng hay ngày mưa, người ta vẫn thấy chú Bảy đứng ở đó, nhưng không mấy khi có khách dừng lại mua. Mỗi khi có khách tò mò, quan tâm dừng lại bên quầy mặt nạ xem và xin chụp ảnh, gương mặt chú Bảy rạng rỡ hẳn lên.
Chú Bảy cười hiền nói với mấy bạn trẻ sinh viên ghé chụp ảnh, "con cứ tự nhiên chụp đi". Chưa bao giờ chú Bảy chèo kéo người mua hay khó chịu với bất cứ ai ghé quầy. Chú say sưa kể về từng khuôn mặt nạ, từ Phật bà, Bao Thanh Thiên, Quan Vũ, Tào Tháo, Tiết Cương, Triệu Hồng, Trịnh Ân đến Đức Phật, Bồ Tát, nữ hoàng Ai Cập, người da đỏ... và cách thức chú làm ra chúng. Để sản xuất ra hàng loạt chiếc mặt nạ, chú Bảy phải làm khuôn bằng chất dẻo silicon, sau đó sử dụng chất polycomposit (thường làm vỏ canô) đổ vào. Tiếp đó là công đoạn vẽ màu cho khuôn mặt. Mỗi chiếc mặt nạ thành phẩm, được chú Bảy bán với giá từ 300.000 - 450.000 đồng. Tuy nhiên, giá cả không cố định, nếu ai đó đặc biệt thích thú, chú sẵn sàng giảm giá.

Những chiếc mặt nạ tạo nên điểm nhấn đặc biệt giữa trung tâm thành phố.
Chú Bảy cho biết, ông tên thật là Nguyễn Văn Bảy, năm nay 60 tuổi, quê ở xã An Hòa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định, cái nôi của nghệ thuật hát bội Việt Nam. Vì thế, ngay từ tấm bé, ông đã say mê loại hình nghệ thuật trình diễn đầy tính ước lệ này. Sau khi đi lính trở về, chú Bảy vào Sài Gòn lập nghiệp và gắn bó với nghề vẽ mặt nạ hát bội. Hiện nay, chú Bảy là người duy nhất ở Sài Gòn đi rao bán mặt nạ thế nhân.
Người đàn ông này không mời khách, không chèo kéo mua hàng nhưng khi nói chuyện với bất kỳ ai cũng vui vẻ, niềm nở và ánh mắt toát lên niềm tự hào là người giữ hồn truyền thống dân tộc.

Suốt từ mùng 6 Tết đến giờ, chú Bảy vẫn chưa bán được chiếc mặt nạ nào. Ảnh: Kim Vân
Chia sẻ với tôi, chú Bảy kể từ ngày Sài Gòn có dịch COVID-19, ngoại trừ những ngày cách ly xã hội, còn lại ngày nào chú Bảy cũng cần mẫn đạp xe từ Gò Vấp lên trung tâm thành phố cùng gian hàng mặt nạ của mình. Tuy nhiên, số người mua rất là ít. Kể từ mùng 6 Tết đến nay, chú Bảy không bán được bất kỳ một chiếc mặt nạ nào. Điều đó khiến chú cảm thấy rất buồn bởi phải cáng đáng, lo toan cuộc sống gia đình hàng ngày. Con gái đầu của chú Bảy đang học ngành ngoại ngữ, năm thứ 2 Đại học Văn Lang.
"Mình đi làm bán mãi không ra tiền cũng khó chịu. Con gái tôi đi học, nhà trường thông báo đến hạn đóng học phí hoài cũng ngại. Nó là con gái, nó cũng xấu hổ với bạn bè chứ. Nó thương tôi nên không dám nói đâu, học kỳ 2 này còn thiếu những 10 triệu... Mình làm cha làm mẹ mình hiểu chứ. Tôi thương con mà không biết phải xoay sao", chú Bảy giọng buồn kể với tôi.
Trong khi đó, vợ chú Bảy không có nghề nghiệp ổn định, chỉ phụ chồng đưa đón cậu con trai học lớp 8 và hàng ngày cơm nước.
"Khi bán được mình đạp xe thấy vui, quãng đường gần mà không bán được khi đạp xe nó nặng trĩu, trong lòng ỉu xìu", chú Bảy thật lòng chia sẻ.

Mỗi màu sắc, nhân vật mặt nạ mang một ý nghĩa riêng. Ảnh: Kim Vân
Khi tôi hỏi chú Bảy Tết Nhâm Dần 2022 vừa rồi chú ăn Tết như thế nào, chú Bảy ban đầu im lặng không nói gì, phải một lúc sau chú Bảy mắt rưng rưng cho hay, Tết năm vừa rồi cả gia đình chú Bảy ở lại Sài Gòn ăn Tết. Bởi lẽ, về quê phải cách ly theo quy định, thứ hai là tốn kém tiền bạc, đi lại. "Tôi mong bán được hàng để hè này có tiền về quê giỗ đầu mẹ", chú Bảy nói.
Mặc dù bán hàng phập phù, mặt hàng kén khách, ngày nào cũng cần mẫn đạp xe 40 km từ sáng đến tối nhưng chú Bảy tâm sự, chú sẽ gắn trọn cuộc đời với nghề này bởi nhờ nó mà nuôi sống được cả gia đình của chú. "Trời thương sẽ không phụ lòng người. Những ngày tháng gian khó rồi cũng qua", chú Bảy lạc quan.

Hàng ngày, chú Bảy vẫn cần mẫn, âm thầm chở "Gallery di động" của mình đi khắp các con đường quen thuộc ở TP.HCM. Ảnh: Kim Vân
Giữa một Sài Gòn tấp nập, phồn hoa, những dòng xe nhộn nhịp chạy vẫn có người như chú Bảy, lặng lẽ trưng bày những chiếc mặt nạ trên một chiếc xe đạp cũ, cần mẫn đạp xe rong ruổi khắp nơi. Cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng tình yêu nghề với những chiếc mặt nạ của người đàn ông đặc biệt ấy chưa bao giờ nguội lạnh...