Trao đổi với phóng viên suckhoedoisong.vn sáng 10/11, TS.BS Trần Thái Hà – Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương khẳng định: Ngay cả trong các sách cổ từ xa xưa, chúng tôi cũng không nghe nhắc đến việc dùng thịt người làm thuốc.
Trước đây, trong Đông y có nói đến vị thuốc "Tử hà sa" (nhau thai người), tuy nhiên, TS.BS Trần Thái Hà nhấn mạnh, hiện nay các bác sĩ y học cổ truyền cũng không dùng đến vị thuốc này nữa.
Để hiểu rõ hơn về Tử hà sa, mời bạn đọc xem chi tiết trong bài viết: Tử hà sa - nhau thai người - tiềm ẩn nhiều nguy hại.
TS.BS Trần Thái Hà - Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.
Đồng quan điểm, Lương y Vũ Quốc Trung - Hội Đông y Hà Nội cũng cho biết, trong Đông y, chỉ có duy nhất một bộ phận của người được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, đó là nhau thai của bà đẻ trong bài thuốc Hà xa đại tạo hoàn. Nhau thai là bộ phận trong tử cung của người mẹ, phần phụ của thai, có nhiệm vụ bảo vệ và nuôi dưỡng bào thai.
Trong y học cổ truyền, nhau thai khô được gọi là “tử hà sa”, người ta truyền tai nhau rằng nó có tác dụng tốt với sức khỏe. Tuy nhiên, phương pháp này không phổ biến, cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào chứng minh được điều này và nhau thai cũng chỉ bổ dưỡng như thịt gà, thịt bò…
Các chuyên gia cho biết, việc sử dụng nhau thai làm thức ăn, bài thuốc cũng có nhiều nguy cơ, nhất là khi bà đẻ mắc bệnh truyền nhiễm thì việc sử dụng vô cùng nguy hiểm.
Lương y Vũ Quốc Trung cũng nhấn mạnh, ông tuyệt nhiên chưa từng nghe nói đến bài thuốc dùng thịt người để điều trị bệnh.
"Thuốc từ thịt người thì tôi chưa từng nghe thấy. Xét về mặt nhân văn thì điều này quá kinh khủng, dã man..." - Lương y Vũ Quốc Trung nói.
Hiện nay, các bác sĩ cho biết, họ cũng không dùng thuốc từ Tử hà sa - nhau thai người nữa.
Trước đó, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về việc Nigeria báo động gấp tin hàng trăm nghìn viên thuốc Trung Quốc làm từ thịt người. Nguồn tin này cho biết, Tổ chức tiêu chuẩn Nigeria xác nhận có dược phẩm Trung Quốc trên thị trường nước này chứa thành phần thịt người.
Các thuốc này ở dạng viên con nhộng được quảng bá là có hỗ trợ tăng đề kháng, điều trị ung thư, tiểu đường và một số bệnh ở giai đoạn cuối.
Về thông tin này, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế đã khẳng định, đơn vị này không không cho phép đăng ký, sản xuất, nhập khẩu và lưu hành các "thuốc làm từ thịt người".
Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, Cục Quản lý Dược đã đề nghị các Sở Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền và khuyến cáo người dân không mua bán, sử dụng thuốc không có nguồn gốc. Đồng thời, nếu phát hiện các sản phẩm không rõ nguồn gốc người dân cần kịp thời phản ánh lên cơ quan chức năng.
Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện các sản phẩm nêu trên để xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.