Tết nào nhà tôi cũng có câu đối đỏ, phong bao giấy đỏ tiền mừng tuổi, và đặc biệt cúng xôi gấc đỏ, để "lấy khước" màu đỏ mà!
Cây gấc thuộc họ bầu bí (cucurbi taceae) , tên khoa học là momordica cochinchinensis (Lours) spreng, tiếng Pháp là momordique, tiếng Anh là balsam apple. Cây rất phổ biến ở Việt Nam, thường trồng vào mùa xuân, ở mọi nơi: đồng bằng, đồi núi, ven biển đều được. Cây leo, trồng bằng dây, bảo đảm 100% ra quả hơn là trồng bằng hạt. Quả to, hình trứng nhọn đầu, ngoài mặt có gai mềm. Gấc nếp thưa gai hơn gấc tẻ. Trong quả có nhiều hạt xếp hàng dọc, quanh hạt có màng đỏ tươi chứa dầu. Bóc màng thấy hạt mép răng cưa, hình gần giống con ba ba. Trong hạt, nhân trắng chứa nhiều dầu. Rễ có củ.
Quả gấc có mặt trong văn hóa Việt Nam cổ truyền dưới dạng thức ăn và thuốc dân gian. Xôi gấc do màu đỏ là màu hạnh phúc may mắn, nên dùng trong lễ cưới hỏi, mừng thọ, cúng giao thừa, khao vọng. Tục ngữ có câu "ăn mày đòi xôi gấc" , ý nói đòi hỏi quá đáng, không biết điều, đi nhờ, được người ta giúp, còn chê! Đỏ như gấc! Đông y dùng hạt và rễ gấc để chữa mụn nhọt, trĩ, đau nhức, tê thấp, tràng nhạc, phụ nữ sưng vú. Hạt tán chế thuốc viên hay bột uống, nhưng thường đắp ngoài da cho đỡ mụn nhọt. Rễ gấc sao vàng, tán nhỏ uống để chữa tê thấp, sưng chân.
Mãi mấy chục năm gần đây, quả gấc chỉ được coi như một loại thực phẩm hay loại thuốc dân gian bình thường như nhiều thứ quả khác. Nhưng nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra quả gấc có những công dụng tuyệt vời trong y học.
Bắt đầu từ năm 1941, thời Pháp, một vài nhà nghiên cứu Việt và Pháp nhận thấy màng gấc có lượng caroten (tiền vitamin A) cao hơn cà rốt và cà chua mấy chục lần. Sau đó gấc đã được sử dụng điều trị vết thương, phòng ngừa ung thư gan. Từ những năm 1970, nghiên cứu thêm các thành phần khác trong gấc, theo dõi ứng dụng chống ôxy hóa, hạn chế tác hại của dioxin. Vitamin A rất quan trọng để phòng chống một số bệnh về mắt, chống ung thư gan nguyên phát, kích thích sinh trưởng, đáp ứng miễn dịch. Nhiều yếu tố khác trong gấc (vitamin E, lycopen,vitamin F…) có tác dụng đề phòng và điều trị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, ung thư vú. Tuyến tiền liệt, ung thư gan, giúp trẻ em phát triển sớm thể lực và trí tuệ, kéo dài tuổi thọ.
Tại các hội nghị khoa học quốc tế, ta đã có dịp giới thiệu và thuyết phục các đại biểu về tác dụng dược học và dinh dưỡng của quả gấc qua các sản phẩm: dầu gấc (có 30 mg caroten = 50.000 đơn vị quốc tế vitamin A), bột màng đỏ hạt gấc, sữa chua gấc, mứt gấc, kẹo gấc…
Gấc được công nhận là vị thuốc có khả năng chống lại các yếu tố gây ra ưng thư, ôxy hóa và lão hóa.
Sau chiến tranh, Viện quân y 108 có dự án nghiên cứu (vào những năm 80) phòng và chữa ung thư gan, trước tiên cho bộ đội bị ung thư gan vì chất độc da cam - dioxin. Thử chữa bằng hoá chất không thành công, các bác sĩ và dược sĩ quay sang dược thảo, và tập trung nghiên cứu chất caroten và các chất khác trong quả gấc, chế ra dầu gấc. Bác sĩ Nguyễn Công Suất, bộ đội phục viên gốc nông dân làm việc ở Viện quân y 108 cũng tham gia dự án ấy. Để rộng đường phát triển, ông ra ngoài biên chế, mở công ty riêng để sản xuất thuốc từ quả gấc. Thuốc đã được phổ biến ở nhiều thị trường tại các nước châu Mỹ - Âu - Á. Để đủ nguyên liệu, công ty sản xuất đã đặt nông dân trồng gấc ở miền xuôi (Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Quảng Ninh) và miền ngược (Lạng Sơn, Sơn La). Trong quá trình hội nhập quốc tế, quả gấc tầm thường của ta không ngờ đã là một đóng góp cả về kinh tế, văn hóa truyền thống và hiện đại, cùng xếp hàng với rối nước, đàn bầu, áo dài, nhã nhạc, ca trù, phở...
Hữu Ngọc