Xét nghiệm máu phát hiện ung thư – Nên hay không?

01-11-2017 16:22 |
google news

SKĐS - "Xét nghiệm máu có thể phát hiện u bướu hoặc ung thư để phòng ngừa không?" là băn khoăn của rất nhiều người. Chuyên gia đầu ngành về ung thư GS.TS Nguyễn Bá Đức đã có những giải đáp cặn kẽ về vấn đề này.

Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư và có 150.000 trường hợp mắc căn bệnh này. Cũng như các nước trên thế giới, số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng ngày một tăng nhanh, từ 68.000 ca (năm 2000) lên 126.000 ca (năm 2010) và dự kiến sẽ vượt 190.000 ca (vào năm 2020). Bệnh gặp ở mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi, mọi khu vực địa lý và mọi ngành nghề khác nhau.

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Nguyên Giám đốc BV K Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, tuy ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhưng có đến 50% số bệnh ung thư có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

"Ung thư là bệnh đa hình thái, có trên 200 loại ung thư khác nhau và ở tất cả các bộ phận của cơ thể. Mỗi loại ung thư có phương pháp phát hiện sớm khác nhau, cho nên nếu chỉ 1 xét nghiệm máu để phát hiện tất cả các loại ung thư khác nhau là không có. Không thể xét nghiệm máu để phát hiện ung thư vú, ung thư vòm họng, ung thư cổ tử cung..."- GS. Đức nhấn mạnh.

GS.TS Nguyễn Bá Đức.


Cũng theo GS. Đức, có một số ung thư xuất tiết một số rất ít vào trong máu (rất ít), nên khi xét nghiệm máu chỉ số này cao hơn một chút chúng ta mới chỉ nghi ngờ thôi chứ chưa khẳng định, sau đó cần phải xét nghiệm chuyên sâu hơn để khẳng định. Như chỉ số AFP của ung thư gan, xét nghiệm máu nếu chỉ số trên 400ng/ml, sau đó bác sĩ cần kết hợp siêu âm gan, chụp gan, sinh thiết rồi mới khẳng định. Hay với ung thư tuyến tiền liệt, xét nghiệm máu PSA trên 10 (bình thường chỉ 4-5) có thể nghi ngờ. Vì nhiều khi bệnh nhân viêm gan thì AFP cũng tăng hay phì đại lành tính tuyến tiền liệt cũng khiến PSA tăng.

"Nếu nói chỉ xét nghiệm máu để phát hiện ung thư thì không đúng, mỗi loại ung thư có phương pháp phát hiện sớm khác nhau. Khi xét nghiệm máu, người ta có thể phát hiện ra một số chất chỉ điểm như AFP, PSA, CEA... để phát hiện ung thư, tuy nhiên những chất chỉ điểm này không đặc hiệu. Người thầy thuốc chỉ định xét nghiệm máu trong một số trường hợp đặc biệt.

Với nam giới trên 50 tuổi, người ta khuyên xét nghiệm PSA định kỳ hàng năm, nếu chỉ số cao thì cần tiếp tục siêu âm, sinh thiết.... để chẩn đoán. Với phụ nữ, chị em có thể tự kiểm tra ngực sau khi sạch kinh, nếu phát hiện bất thường cần đi khám ngay. Cổ tử cung, phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ 1 năm 1 lần. Ở các nước, những việc sàng lọc này người dân rất có ý thức đi khám. Như ở Mỹ bảo hiểm y tế còn chi trả cho việc khám sàng lọc, tuy nhiên ở ta thì chưa làm được. Đối với những người có nguy cơ cao nên đi sàng lọc phát hiện sớm như người hút thuốc lá, bị bệnh đại tràng, viêm gan mạn tính, viêm dạ dày, người bị rối loạn kinh nguyệt, người béo phì... nên đi khám định kỳ.

"Nếu nói chỉ xét nghiệm máu để phát hiện ung thư thì không đúng, mỗi loại ung thư có phương pháp phát hiện sớm khác nhau"- GS. Đức cho biết.


Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư, trong đó có điều trị ung thư bằng ghép tế bào gốc đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh. GS. Đức cho biết, điều trị ung thư bằng ghép tế bào gốc là một thành tựu khoa học rất mới, chỉ xuất hiện cách đây khoảng 10 năm trở lại đây. Người ta nghiên cứu thấy, tế bào gốc có ở một số bộ phận như trong máu ngoại vi, có rất nhiều tế bào, nhưng người ta có thể lấy được tế bào gốc. Tế bào gốc là gốc rễ của các tế bào sinh ra các tế bào khác. Có 2 loại tế bào gốc là tế bào gốc từ bên ngoài có thể thu thập ở máu cuống rốn hoặc lấy từ người khác. Bên trong có thể lấy tế bào gốc từ tủy xương hoặc máu ngoại vi. Trừ ung thư máu, khi điều trị sử dụng hóa chất, thuốc, phóng xạ để diệt các tế bào máu bị ung thư đi, các tế bào miễn dịch, tế bào ung thư, hồng cầu, bạch cầu bị tiêu diệt, người ta đưa tế bào gốc vào để phục hồi, sản sinh ra tế bào máu. Còn các loại ung thư khác, tế bào gốc không chữa được ung thư.

"Sau khi chữa ung thư bằng các phương pháp hóa chất, phóng xạ, cơ thể suy sụp, mất sức đề kháng, người ta đưa tế bào gốc vào để gây dựng lại, phục hồi lại các tế bào máu, hồng cầu, bạch cầu, tế bào miễn dịch. Nếu không chữa ung thư mà dùng tế bào gốc là một sai lầm vì phải diệt tế bào ung thư trước. Tôi khẳng định tế bào gốc không chữa được ung thư mà chỉ là để phục hồi sau điều trị ung thư"- GS. Đức nói rõ.


D.Hải
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn