Vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, nỗ lực thực hiện chính sách an sinh tại Quảng Bình

04-06-2022 09:14 | Thời sự

SKĐS - Việc chú trọng triển khai chính sách BHXH, BHYT giúp tỉnh Quảng Bình thu về những "trái ngọt" an sinh, đến cuối tháng 5/2022, toàn tỉnh có gần 105.000 người tham gia BHXH, riêng về phát triển BHXH tự nguyện vượt bình quân chung cả nước; trên 810.500 người tham gia BHYT...

Phát triển BHXH tự nguyện tăng hơn bình quân cả nước nhưng vẫn còn những khó khăn hiện hữu

Theo thông tin của Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Văn Dũng cung cấp tại hội nghị về thực hiện BHXH, BHYT mới đây cho biết, đến thời điểm cuối tháng 5/2022, toàn tỉnh có gần 105.000 người tham gia BHXH, trong đó gần 71.000 người tham gia BHXH bắt buộc, gần 34.000 người tham gia BHXH tự nguyện  tăng hơn 5% so với bình quân chung toàn quốc. 

Điều này có được nhờ thời gian qua BHXH tỉnh luôn phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, nỗ lực thực hiện chính sách an sinh tại Quảng Bình - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc BHXH Quảng Bình thông tin về việc thực hiện chính sách BHXH, BHXH tự nguyện, BHYT và các hoạt động đồng hành đảm bảo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh

Riêng về BHYT, số người tham gia BHYT đạt khoảng 90% tổng dân số của tỉnh với trên 810.500 người tham gia. Các chế độ về BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện được đảm bảo đầy đủ, kịp thời. Tới nay, đã có gần 60% người nhận các chế độ BHXH, BHXH tự nguyện tại Quảng Bình nhận tiền qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Dũng nhìn nhận thực tế, công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại Quảng Bình vẫn còn gặp một số khó khăn. Đó là dù số người tham gia BHXH tự nguyện tăng so với cuối năm 2021, nhưng mức tăng trưởng đang chậm lại, việc phát triển BHYT hộ gia đình hiện gặp nhiều khó khăn do đời sống, thu nhập của người dân còn khó khăn. 

Riêng với chính sách BHXH tự nguyện vẫn chưa thực sự hấp dẫn để thu hút người dân tham gia, khi BHXH bắt buộc có 5 chế độ cho người tham gia thì BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ (hưu trí và tử tuất). Cùng đó, mức hỗ trợ từ ngân sách với người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, thời gian đóng để có lương hưu lại kéo dài tới 20 năm, trong khi kinh tế của người dân khu vực này còn nhiều khó khăn.

Trong khi đó, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu bằng mức chuẩn nghèo, từ tháng 1/2022, mức chuẩn nghèo tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng, dẫn đến mức đóng BHXH tự nguyện tăng gấp hơn 2 lần, vượt quá khả năng của một số hộ dân. Điều này lý giải vì sao, 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 4.144 người tạm dừng đóng BHXH tự nguyện.

 Với BHYT, số đối tượng tham gia giảm 9.000 người, chủ yếu là ở vùng khó khăn, cũng vì lý do họ không đủ khả năng tự trang bị tấm thẻ an sinh cho bản thân, gia đình…

Một trong các nguyên nhân, theo ông Nguyễn Văn Dũng, là do việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT phụ thuộc rất lớn vào điều kiện kinh tế của người tham gia, tuy nhiên đời sống của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn do thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh.

Nỗ lực thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người tham gia BHXH, BHYT

Để mở rộng diện bao phủ an sinh tại những vùng khó khăn, BHXH tỉnh Quảng Bình phối hợp với các sở, ngành chức năng chú trọng tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tăng cường vận động, huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ cho một số trường hợp.

Vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, nỗ lực thực hiện chính sách an sinh tại Quảng Bình - Ảnh 2.

Cán bộ BHXH thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện, BHTN cho người dân vùng công giáo ở Quảng Văn

Về công tác hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh, đây là một nhiệm vụ quan trọng giúp người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định chính trị xã hội và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

"Trong thời gian qua, BHXH tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19"- ông Dũng cho hay.

Nhờ quyết tâm đó, BHXH tỉnh Quảng Bình đã giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 92 đơn vị sử dụng lao động với 2.738 lao động với số tiền tạm dừng đóng là hơn 7,2 tỷ đồng; xác nhận danh sách cho 7.369 lao động của 616 đơn vị sử dụng lao động để lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ kinh phí do bị thiệt hại của COVID-19; Xác nhận danh sách cho 7.810 lao động để đơn vị sử dụng lao động vay vốn trả lương cho người lao động phục hồi sản xuất và để được hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh, đã giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là 10.368 triệu đồng cho 35.447 lao động của 2.731 đơn vị sử dụng lao động; Tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất trong 6 tháng là 1.755 triệu đồng cho 230 lao động của 6 đơn vị sử dụng lao động.

Đến hết tháng 12/2021, BHXH tỉnh Quảng Bình cũng đã hoàn thành chi hỗ trợ từ Quỹ BHTN cho 46.854 lao động với số tiền hơn 117 tỷ đồng; đến hết tháng 5/2022 thực hiện giảm mức đóng BHTN 12 tháng cho 2.830 đơn vị sử dụng lao động là 22,4 tỷ đồng, đạt 100% đơn vị sử dụng lao động thuộc diện được hỗ trợ.

Trong 5 tháng 2021, thu BHXH, BHYT, BHTN, BHXH tự nguyện tại địa phương đạt 790.637 triệu đồng, tăng 16.144 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021. Riêng nợ BHXH, BHYT, BHTN được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ hàng tháng trong 5 tháng năm 2022 đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Tổng số nợ đến hết tháng 5/2022 là 84.531 triệu đồng.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn cho 47.489 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; 21.483 lượt người hưởng chế độ BHXH ngắn hạn; 3.343 người hưởng trợ cấp BHXH một lần; 1.124 người hưởng trợ cấp BHTN, hỗ trợ học nghề 259 người, hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề 454 người. Tổng số chi BHXH, BHTN 1.239.851 triệu đồng.

Triển khai đồng bộ chính sách khám chữa bệnh BHYT 

Vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, nỗ lực thực hiện chính sách an sinh tại Quảng Bình - Ảnh 4.

Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình

Cùng đó, công tác thanh kiểm tra được BHXH Quảng Bình chú trọng, góp phần thực hiện nghiêm chính sách BHXH, BHYT, BHTN và bảo vệ quyền lợi của người tham gia có hiệu quả. Trong 5 tháng đầu năm, BHXH Quảng Bình đã thực hiện thanh kiểm tra 58 đơn vị sử dụng lao động, qua đó đã truy đóng hơn 145 triệu đồng, thu hồi hơn 3,8 tỷ đồng tiền nợ BHXH, BHYT, thu hồi 45 triệu đồng tiền chi BHXH sai quy định. 

Từ năm 2020 tới nay, BHXH Quảng Bình đã chuyển hồ sơ của 9 đơn vị nợ đọng BHXH kéo dài sang cơ quan Công an đề nghị điều tra, khởi tố. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 2 đơn vị.

Công tác khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh cũng đã được triển khai đồng bộ từ trạm y tế tuyến xã đến bệnh viện tuyến trung ương để phục vụ người bệnh BHYT. Trong 5 tháng đầu năm 2022, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho 325.350 lượt người.

Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Báo chí góp phần truyền thông về chính sách BHXH, BHYT hiệu quảPhó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Báo chí góp phần truyền thông về chính sách BHXH, BHYT hiệu quả

SKĐS - Theo Phó Tổng giám đốc Đào Việt Ánh: Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, Ngành BHXH Việt Nam luôn xác định công tác thông tin, truyền thông và công tác phối hợp truyền thông chính sách với các cơ quan thông tấn, báo chí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành


Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn