Hà Nội

Vùng "đỏ" của Bình Dương vì sao vẫn là điểm nóng?

18-08-2021 21:09 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - TP Thuận An và TX Tân Uyên là 2 "vùng đỏ" về dịch COVID-19 của tỉnh Bình Dương. TS Dương Chí Nam - Tổ trưởng Tổ công tác thường trực của Bộ Y tế phòng chống dịch tại Bình Dương đã có những chia sẻ về việc khống chế dịch tại đây.

Thưa ông, nguyên nhân vì sao 2 địa phương của Bình Dương là TP Thuận An và TX Tân Uyên lại số ca nhiễm mới tăng cao như vậy?

TS Dương Chí Nam: Ở đợt xét nghiệm diện rộng lần 2 đang triển khai hiện nay cho thấy TP Thuận An và thị xã Tân Uyên đều có tỷ lệ người mắc COVID-19 tăng rất cao đặc biệt là Thuận An.

TP Thuận An sát ngay cạnh TP. Thủ Đức và Quận 12 của TP. HCM, nên Thuận An bị ảnh hưởng rất nhiều, đã bị nhiễm rất sâu, rộng, nên cần phải kiên trì, quyết liệt, dùng mọi biện pháp, kể cả các biện pháp rất mạnh (lockdown - tức là khóa chặt toàn bộ Thuận An).

Đối với thị xã Tân Uyên diễn biến dịch rất phức tạp, nếu không có biện pháp quyết liệt sẽ giống như tình trạng của Thuận An hiện nay.

Đặc biệt, tại Thuận An với mật độ nhà trọ của công nhân dày đặc, số công nhân lưu trú trong các nhà trọ rất đông, các phòng ở sát nhau, diện tích hẹp, một số nhà trọ sử dụng nhà vệ sinh chung, dễ dàng lây nhiễm chéo trong nhà trọ.

Vùng "đỏ" của Bình Dương vì sao vẫn là điểm nóng? - Ảnh 1.

TS Dương Chí Nam, Tổ trưởng tổ công tác thường trực của Bộ Y tế phòng chống dịch tại Bình Dương. Ảnh: Diễm Hằng

Việc thực hiện Chỉ thị 16 trong thời gian qua trên địa bàn Bình Dương về cơ bản đa số ở các khu vực thực hiện tương đối nghiêm. Tuy nhiên, vẫn còn một vài nơi thực hiện chưa thực sự nghiêm, cũng phải nói đến khó khăn do không đủ lực lượng kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhắc nhở, nhất là khu vực nhà trọ của công nhân, dẫn tới chưa đảm bảo nhà cách nhà, phòng trọ cách phòng trọ, người cách người, nhất là khu nhà trọ công nhân.

Trước tình hình căng thẳng của TP Thuận An và Thị xã Tân Uyên, Tổ công tác của Bộ Y tế đã kiến nghị với tỉnh Bình Dương ra sao?

Tổ công tác của Bộ Y tế đã kiến nghị đến Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương xem xét việc quy định người đi làm việc vào, ra Thuận An.

Thị xã Tân Uyên phải được kiểm soát chặt chẽ, phải có các giấy tờ như: Phiếu xác nhận của cơ quan đang đi làm việc hoặc các giấy tờ liên quan khác (do địa phương nghiên cứu và quy định cụ thể).

Các lực lượng của địa phương cần tuần tra liên tục đảm bảo nhà cách nhà, phòng trọ cách phòng trọ, người cách người (đặc biệt lưu ý nhà trọ).

Hệ thống chính quyền địa phương như công an, dân phòng, quân đội tổ chức các chốt tại từng điểm nóng, nhà trọ, khu phố nhất là khu vực ổ dịch (24/24h). 

Chốt và căng dây ngăn cách giữa các vùng "xanh - vàng - đỏ", không cho giao lưu với nhau. Phát phiểu đi chợ cho người dân ở vùng "xanh" – vùng "vàng" mỗi tuần 2 lần…

Đối với các điểm dịch đỏ: Khóa chặt điểm dịch. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Cung ứng thực phẩm trực tiếp, bán hàng thực phẩm thiết yếu trực tiếp tại điểm dịch đỏ.

Khu nhà trọ công nhân: Cung ứng thực phẩm đến tận cửa từng phòng trọ.

Riêng đối với Thuận An, trường hợp cần thiết phải triển khai mạnh hơn: Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà và "tạm dừng tất cả các hoạt động" trên địa bàn trong vòng 1-2 tuần (nếu thực hiện: phải thông báo trước 2 ngày để người dân chủ động sắp xếp công việc, đi chợ mua nhu yếu phẩm cần thiết). 

Chỉ cho người làm nhiệm vụ phòng chống dịch, cấp cứu, khám chữa bệnh, đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu người dân (bưu chính, phân phối lương thực, thực phẩm, dịch vụ cung ứng điện, nước, thông tin, viễn thông, cán bộ công chức cơ quan công sở… được ra đường).

Khoanh TP Thuận An, giám sát chặt TX Tân Uyên và chiến lược xét nghiệm 2 địa phương này có thay đổi gì mới so với các địa bàn khác?

Trong đợt này, Bình Dương chia 3 đợt xét nghiệm liên tiếp:

Đợt 1 ở khu vực nguy cơ cao, rất cao (vùng vàng, vùng đỏ), thực hiện test nhanh kháng nguyên mẫu gộp 3 và giải gộp ngay bằng test nhanh đơn trên toàn địa bàn. Khu vực nguy cơ thấp, vùng xanh thì làm RT-PCR mẫu gộp 10 hoặc gộp theo hộ gia đình.

Vùng "đỏ" của Bình Dương vì sao vẫn là điểm nóng? - Ảnh 3.

TP Thuận An và Thị xã Tân Uyên tiếp tục thực hiện xét nghiệm sàng lọc diện rộng để bóc, tách người nhiễm COVID-19 ra khỏi cộng đồng

Đợt 2 tiến hành ở khu vực nguy cơ rất cao (vùng đỏ), test nhanh kháng nguyên mẫu gộp 3 và giải gộp ngay bằng test nhanh đơn. 

Khu vực nguy cơ cao, vùng vàng thì làm RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình. Khu vực nguy cơ thấp, vùng xanh RT-PCR mẫu gộp 10 hoặc gộp theo hộ gia đình.

Đợt 3 sẽ tiến hành PCR mẫu gộp 10 hoặc gộp theo hộ gia đình.

Kế hoạch xét nghiệm tầm soát các đợt có thể sẽ được điều chỉnh phù hợp theo tình hình thực tế từng địa phương.

Dựa trên kết quả xét nghiệm các địa phương sẽ phân ra các khu vực gồm: Khu vực có nguy cơ rất cao (ổ dịch đỏ), khu vực có nguy cơ cao (vùng vàng), khu vực có nguy cơ thấp (vùng xanh).

Ngày đầu tiên lấy mẫu test nhanh, tập trung vào khu vực có nguy cơ cao (vùng vàng) để ngay lập tức ước lượng tỷ lệ mắc trung bình trên toàn địa bàn TP. Thuận An, TX.Tân Uyên, để từ đó có phương hướng giải quyết.

Tùy theo số ca mắc tại cộng đồng mà có các hướng giải quyết khác nhau như: đưa F0 đi các cơ sở điều trị tầng 1; hoặc tổ chức F0 điều trị tại nhà có giám sát y tế…

Xét nghiệm diện rộng sẽ tiếp tục phát hiện số người nhiễm COVID-19 tăng rất cao. Chúng ta cần chuẩn bị tâm thế ra sao?

Lường trước vấn đề này, Bình Dương cần thành lập tổ phản ứng nhanh điều phối việc theo dõi điều trị F0 tại nhà, thực hiện chuyển viện khi có triệu chứng diễn biến vừa, nặng…

Lập danh sách người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà. Danh sách này cần cụ thể tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại di động, số điện thoại người thân, tiền sử bệnh tật (nhất là những người béo phì, bệnh nền như: cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường…theo danh mục Bộ Y tế đã quy định).

Tổ chức mạng lưới cộng tác viên và phân công cụ thể (mỗi cộng tác viên quản lý không quá 30 người nhiễm COVID-19), hàng ngày gọi điện, liên lạc nhóm qua zalo… hỏi thăm sức khỏe người dân, ghi lại các thông tin, báo cáo cán bộ y tế được phân công phụ trách. Mỗi cán bộ y tế được phân công quản lý cố định một hoặc nhiều nhóm cộng tác viên.

Thiết lập đường dây nóng dành cho người mắc COVID-19 gọi (khi họ chưa liên hệ được với mạng lưới cộng tác viên).

Xem xét việc cho người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà (khi đủ điều kiện). UBND tỉnh, Sở Y tế Bình Dương cần sớm ban hành hướng dẫn và tổ chức hệ thống, mạng lưới theo dõi sức khỏe, tư vấn, chuyển viện ngay khi cần thiết.

Sở Y tế Bình Dương cần phải chuẩn bị việc cung ứng một số thuốc thiết yếu điều trị triệu chứng ban đầu, nâng cao thể trạng, gói an sinh…

Trân trọng cảm ơn ông!


Anh Văn
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn