Vẫn đông khách vào quán cơm đang bị tố chặt chém vì không biết thông tin trên mạng
Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao thông tin suất cơm giá 160.000 đồng tại quán cơm bình dân ở ngõ 4 Phương Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa, TP. Hà Nội).
Nickname L.K.A chia sẻ: "… Vào trông bác đang ốm, đói qua ra ăn suất cơm, chủ quan không hỏi giá, ra tính tiền 160k (160.000 đồng - PV), tưởng người ta tính nhầm, người ta bảo là cơm anh bình thường đã là 100k 1 suất rồi, của em anh cắt thêm sườn là 160k…".
Từ thông tin chia sẻ trên, trưa ngày 6/7, phóng viên Chuyên trang Gia đình & Xã hội (Báo Sức khỏe & Đời sống) đã có mặt tại quán cơm bình dân nói trên để có trải nghiệm thực tế.
Theo đó, quán cơm nói trên treo biển là "Hiếu – Cơm phở bình dân" nằm trong ngõ 4 phố Phương Mai. Con ngõ này không chỉ nằm đối diện cổng sau Bệnh viện Bạch Mai mà còn cận kề Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Theo ghi nhận của phóng viên, vào thời điểm ăn trưa, rất nhiều người bước ra từ cổng sau Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiến vào ngõ 4 phố Phương Mai - nơi có hoạt động giao thương tấp nập với nhiều quán cơm bình dân, cửa hàng ăn uống, hàng tạp hóa cung cấp nhu yếu phẩm cho người đi viện.
Tiến vào ngõ 4 Phương Mai khoảng vài chục bước chân, "Hiếu – Cơm phở bình dân" là quán cơm bình dân đầu tiên, nằm ngay phía tay phải của ngõ.
Bước vào quán cơm này, phóng viên không ghi nhận được biển, bảng công khai giá suất cơm hoặc thực đơn của quán, cũng không ghi nhận được các thông tin về đơn vị kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về an toàn thực phẩm…
Đứng tại quầy thực phẩm là người đàn ông chạc hơn 40 tuổi, tay thoăn thoắt lấy thực phẩm cho các suất ăn bằng 1 tay đeo găng tay, một tay trần và không khẩu trang...
Trải nghiệm suất cơm bình dân với giá không bình dân
Tại quán cơm này, phóng viên đã gọi một đĩa cơm gồm có cơm trắng, một bìa đậu rán, gỏi giá - dưa chuột - cà rốt, vài miếng thịt nướng, vài miếng sườn và được báo giá 100.000 đồng.
Chiều 6/7, bà Bùi Thị Hằng Nga – Chủ tịch UBND phường Phương Mai (Đống Đa) cho biết: "Chúng tôi đang giao Công an phường xác minh làm rõ, nếu sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định".
Khi phóng viên thắc mắc tại sao đĩa cơm lại có giá đắt đỏ thì người bán cho biết: "Nếu em không lấy sườn, suất cơm của em đã có giá 40.000 đồng rồi. Nếu lấy sườn cả miếng thì còn đắt nữa, đây anh cắt cho em có nửa miếng sườn nên có giá 100.000 đồng đấy…".
Cũng có mặt tại quán cơm này, anh Sinh (25 tuổi, ở Xuân Vân, Yên Sơn, Tuyên Quang) cùng chị gái đã giật mình phải chi trả gần 150.000 đồng/2 suất cơm.
Anh Sinh cho biết: "Hai chị em đưa mẹ xuống đây chụp cộng hưởng từ ở Bệnh viện Bạch Mai, do nghi ngờ bị liệt dây thần kinh số 5. Có mặt ở Hà Nội được 2 ngày thì ngày thứ 2, hai chị em vào quán cơm này ăn thử. Tôi không hỏi giá trước, nên sau khi được cho 6 con tôm rim nhạt, 1 bìa đậu rán, rau bắp cải luộc và cơm, họ báo tôi là 70.000 đồng".
"Làm sao mà mặc cả được, ở đất khách quê người làm sao dám trả giá. Chị ấy (chị gái) gọi thịt. Tôi lấy cho chị 2 con tôm, đổi lấy 2 miếng thịt nướng, 1 miếng chả lá lốt từ suất của chị", anh Sinh cho hay.
Có mặt ở quán cơm cùng thời điểm, ông Quang (66 tuổi, ở huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đã "tỉnh táo" hơn khi thông báo chỉ ăn suất cơm giá 30.000 đồng.
Tuy nhiên, dù thông báo trước giá tiền chi trả, ông Quang cũng không khỏi ngỡ ngàng khi suất cơm 30.000 đồng của ông chỉ có một bìa đậu rán, khoảng 1 thìa thịt băm rang, 1 miếng chả lá lốt và nhúm rau bắp cải luộc.
Ông Quang cho biết: "Tôi phải lên trông bố nằm viện, cụ năm nay tròn 96 tuổi, bị thoái hóa cột sống, phải nằm điều trị ở Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Lên đây trăm thứ phải chi, phải tiết kiệm để bố nằm viện, nên tôi chỉ dám gọi suất cơm 30.000 đồng, còn quán cho bao nhiêu thức ăn thì cho".
Để xác thực thêm thông tin, phóng viên đã hỏi các tiểu thương tại một số quầy tạp hóa gần và đối diện "Hiếu – Cơm phở bình dân". Những người được hỏi đều cho biết, hiện tượng "chặt chém", bán cơm bình dân với "giá chát" tại "Hiếu – Cơm phở bình dân" đã diễn ra nhiều năm.
"Người vào ăn quán này chủ yếu là người tỉnh lẻ, về đây khám bệnh hoặc trông thân nhân nằm viện. Họ vào đây chỉ một lần, sau khi ăn thì không bao giờ dám quay lại nữa…", một tiểu thương cho hay.